Ra mắt tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương của Nhà văn Phùng Văn Khai
Sáng ngày 4/4, Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức ra mắt, giới thiệu cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương của nhà văn Phùng Văn Khai. Sau tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương được đông đảo bạn đọc ủng hộ nay tác giả tiếp tục giới thiệu quyển tiểu thuyết thứ hai Ngô Vương. Đây cũng là lời khẳng định của nhà văn Phùng Văn Khai chọn tiểu thuyết lịch sử làm định hướng sáng tác cho mình.
Rất đông bạn bè văn chương và các bạn sinh viên yêu văn chương đã đến dự.
Ngô Vương khắc họa đậm nét người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trong bối cảnh xã hội, lịch sử của thế kỉ X đầy biến động. Với tư liệu từ chính sử và dã sử, kết hợp với tư duy tiểu thuyết, Phùng Văn Khai đã phục dựng một giai đoạn lịch sử với những nhân vật, sự kiện đầy sinh động, hấp dẫn và gợi nên những vấn đề thời đại.
Phùng Văn Khai viết tiểu thuyết lịch sử với lòng yêu mến, tôn kính lịch sử. Với cách kể tuyến tính theo trục thời gian, nhà văn tái hiện cả một quá trình đánh giặc ngoại xâm, bình ổn đất nước, cùng với sự đức độ tài ba của Ngô Quyền để được suy tôn làm vua. Cũng qua đó, nhà văn truyền tải lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc một cách hào sảng, sâu sắc.
Mở đầu buổi giới thiệu tác phẩm, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ: Sự hào sảng, cảm xúc trong ngòi bút Phùng Văn Khai khi viết về những người sống trên mảnh đất quê hương mình; những anh hùng của nhân dân, từ nhân dân mà đi lên đã làm nên cảm hứng chung cho tác phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để kích thích nhu cầu đọc, viết về lịch sử cho các độc giả, tác giả hôm nay.
Tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương nhận được rất lời khen ngợi từ các bạn văn.
Có thể thấy, trong khi các tác giả đương thời đang theo xu hướng giải thiêng, giải ảo lịch sử với nhiều phong cách, hình thức cách tân khác nhau, thì Phùng Văn Khai vẫn trung thành với lối viết chương hồi cổ điển, tuần tự. Anh tái hiện lịch sử bằng vốn hiểu biết phong phú của mình, kết hợp với nghệ thuật văn chương để làm sáng rõ các nhân vật, các vấn đề trên cơ sở tư liệu lịch sử. Cũng phải nói, thế kỉ X là giai đoạn hỗn mang, nhiều khoảng mờ, tư liệu thì ít ỏi, vì vậy, sự dày dặn củaNgô Vương là cả một quá trình kỳ khu, trăn trở của tác giả. Để có được điều này, chỉ có thể là phát xuất từ niềm đam mê và nặng lòng với lịch sử của nhà văn.
Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ: “Ngô Vương gợi những tiền đề của hiện tại, được sáng tạo trong sự say sưa, nhiệt huyết của Phùng Văn Khai. Anh không làm mới lịch sử mà thể hiện sự trân trọng, niềm cảm hứng với lịch sử. Với tiểu thuyết lịch sử thì thái độ của nhà văn với lịch sử là điều quan trọng”.
Ngô Vương là quá trình dựng lại lịch sử với thái độ khách quan của người viết. Yếu tố dân gian cổ xưa kết hợp với tư duy khoa học, hiện đại làm nên sự phù hợp, hài hòa, thông suốt. Cách nhìn nhận về lịch sử cho thấy tư tưởng thời đại của tác giả. Lí giải cho những trăn trở của mình về đề tài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn lịch sử của Ngô Vương, nhà văn Phùng Văn Khai cho biết: “Truyền thống văn hóa dân tộc với bề dày lịch sử dày dặn là kho đề tài rực rỡ và cuốn hút. Nhiều nhân vật lịch sử của chúng ta xuất hiện trong văn học còn quá mỏng, quá sơ sài. Nhà văn cần phải đi sâu, dấn mình vào những giai đoạn, những nhân vật còn nhiều khuất lấp như thể để làm sáng rõ, minh định, hoặc đưa ra những giả định để lí giải hiện tượng lịch sử ấy. Nhà văn phải đi vào điểm tối bằng trái tim sáng, bằng khoa học lịch sử, đó là đất sống của các nhà văn. Càng đi vào viết đề tài lịch sử, tôi càng thấy đam mê vì những lẽ ấy”.
Nhà văn Phùng Văn Khai chụp ảnh lưu niệm cùng với nhà báo Bích Ngọc – Trưởng ban điện tử Sức khỏe & Môi trường.
Ngô Vương thực sự đã tạo nên một không gian lịch sử với những chiều kích lớn. Ở đó có những đại cảnh để chúng ta soi trong biến cố tìm ra sự vận động lịch sử; có những nhân vật được nhà văn khơi lại, với sự sống động trong chính cuộc đời lịch sử của họ. Cái thiếu của tiểu thuyết này phải chăng là "một chút tự sự, trữ tình từ thân phận riêng của mỗi người” như nhà văn Trần Thanh Cảnh nói.
Rất đông bạn bè văn chương và sinh viên đã đến dự. Nhiều ý kiến khen ngợi và góp ý cho Ngô Vương. Không phải ngẫu nhiên mà Phùng Văn Khai chọn những nhân vật kiệt xuất chống giặc ngoại xâm phương Bắc để dựng nên những tác phẩm sống động về họ.
Nhật Tân