Trao giải Kovalevskaia năm 2019 - Tôn vinh nữ trí thức Việt Nam
Lễ trao giải có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia, đại diện các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam .
Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam vào năm 1986, là giải thưởng quốc gia đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ. Đây là giải thưởng uy tín thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân là các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Từ năm 1986 đến nay, giải thưởng được trao cho 19 tập thể và 48 cá nhân là các nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin...
Lễ trao giải Kovalevskaia dành cho các tập thể, cá nhân, tôn vinh những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Năm 2019, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho Tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) và cá nhân PGS.TS. Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bởi những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng.
Trong đó, Tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, Bộ Y tế với nghiên cứu chính là dịch bệnh cúm mùa. Nghiên cứu của phòng thí nghiệm Cúm - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Năm 2003, khi dịch SARS xảy ra tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của phòng thí nghiệm hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt - Pháp (3/2003).
Với bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch SARS năm 2003, nhóm nghiên cứu tiếp tục xét nghiệm xác định trường nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người đầu tiên tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12/2003.
Hiện tại, thuốc kháng virus (Oseltamivir- Taminflu) được đánh giá là thuốc đặc hiệu nhất trong điều trị nhiễm virus cúm A (A/H5N1; H1N1) và chưa có các chế phẩm khác thay thế hoặc bổ sung.
Cho đến hiện nay, tuân chỉ mục tiêu nghiên cứu, phòng thí nghiệm cúm tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các nghiên cứu hiện tại tập trung xác định ảnh hưởng của tình trạng miễn dịch đã có sau khi tiêm vaccine cúm mùa đến khả năng dự phòng của vaccine nhắc lại hàng năm, đặc biệt với virus cúm A/H3N2.
Hoàng Anh