Bắc Ninh: Họp báo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Thị Lệ Tuyết chủ trì buổi họp báo. |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Thao, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trình bày báo cáo nội dung văn kiện, Đại hội. Báo cáo nêu rõ: Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân các cấp tổ chức được gần 7.000 buổi tuyên truyền cho hơn 715.000 lượt hội viên, nông dân; Kết nạp mới gần 11.000 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện nay lên hơn 174.000 hội viên; Thành lập 46 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.518 hội viên, 460 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 3.000 hội viên; Trực tiếp tổ chức và phối hợp tổ chức 702 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 57.000 cán bộ hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở.
Toàn tỉnh, có hơn 465.000 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét, đã có 399.753 lượt hộ gia đình hội viên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh đã quyên góp kinh phí, xây dựng 13 ngôi nhà Nghĩa tình nông dân (trị giá 60 - 65 triệu đồng/nhà) và trao tặng 81 con bò sinh sản (trị giá 15 - 20 triệu đồng/con) cho hội viên nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn; phát động hội viên, nông dân đảm nhận trồng và chăm sóc trên 245.000 cây xanh - công trình “Hàng cây nông dân”.
Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia BHYT, BHXH được chú trọng; thông qua đại lý của hội nông dân, thu hút hơn 162.000 người tham gia BHYT hộ gia đình và 1.360 người tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 114,386 tỷ đồng (Trung ương uỷ thác cho Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh là 16,6 tỷ đồng; UBND tỉnh cấp 83,2 tỷ đồng; nguồn cấp huyện quản lý: 14,586 tỷ đồng).
Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh trực tiếp mở được 40 lớp đào tạo nghề cho 1.376 hội viên, nông dân. Sau đào tạo, hơn 80% học viên được giới thiệu việc làm và có việc làm ổn định; phối hợp liên kết tuyển sinh nguồn đào tạo thạc sỹ; tư vấn, giới thiệu cho 10.550 lượt hội viên, nông dân về xuất khẩu lao động và du học nước ngoài. Hội nông dân các cấp đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trong tỉnh, tổ chức 175 lớp đào tạo nghề cho 5.553 hội viên, nông dân.
Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; trực tiếp cung ứng hơn 9.000 tấn phân bón, chế phẩm sinh học theo phương thức trả chậm; tổ chức 2.525 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ KH-KT về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho 207.666 lượt hội viên nông dân; tổ chức 3 phiên chợ nông sản an toàn và tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp tại 19 hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh.
Phương hướng chung: Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng giai cấp nông dân là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng tổ chức hội nông dân vững mạnh về chính trị, tổ chức và hành động, xứng đáng là trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; chủ động hội nhập quốc tế; tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua lớn của hội, tích cực vận động và tạo điều kiện cho nông dân thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh có vị trí quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận; vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp hướng an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; Hội Nông dân các cấp phải làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân; tham gia xây dựng và tổ chức cho nông dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào thi đua trong nông dân, trọng tâm là Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; Xây dựng giai cấp nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; huy động nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn của cán bộ, hội viên, nông dân; chú trọng nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, tiếp cận những tiến bộ KH-KT mới áp dụng vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng lực lượng lao động nông thôn có tác phong công nghiệp, có năng lực quản trị, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh...
Một số chỉ tiêu chủ yếu: 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và nghị quyết của hội nông dân các cấp; 100% cán bộ hội chuyên trách có trình độ đạt chuẩn theo quy định; 100% cán bộ chi hội và cán bộ hội cơ sở được trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp, nghiệp vụ công tác hội; Kết nạp từ 7.000 hội viên mới trở lên; mỗi đơn vị hội nông dân cấp huyện hướng dẫn thành lập ít nhất 5 chi hội, 25 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 5 hợp tác xã trở lên; Phấn đấu hàng năm 100% hội nông dân cấp huyện và 97% cơ sở hội đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% chi hội đảm bảo Quỹ hoạt động hội; Hàng năm, có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 55% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp; hàng năm, mỗi đơn vị hội hông dân cấp huyện hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 5 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn bằng các hình thức thiết thực (hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở; tặng bò giống sinh sản; giúp đỡ về tư liệu sản xuất, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động...); 100% cơ sở hội duy trì mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Hằng năm, 100% cơ sở hội triển khai ký cam kết “Nói không với thực phẩm không an toàn” và phấn đấu 100% hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản ký cam kết thực hiện; Phấn đấu trong nhiệm kỳ, mỗi đơn vị hội nông dân cấp huyện hỗ trợ xây dựng được từ 2 cửa hàng nông sản an toàn trở lên…
Báo cáo cũng nêu ra những điểm mới của Đại hội HND tỉnh Bắc Ninh lần thứ X so với các lần Đại hội trước: Đại hội đại biểu HND tỉnh Bắc Ninh lần thứ X được tổ chức trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, tranh chấp thương mại tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực thông tin gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Sức ép lạm phát, gia tăng; giá thành của nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết… Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Công tác nhân sự chuẩn bị Đại hội theo quy trình mới, dân chủ, được thực hiện các bước theo Hướng dẫn số 515-HD/HNDTW ngày 21/9/2022 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về công tác nhân sự Đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2023 – 2028; Công tác chỉ đạo có nhiều đổi mới hướng về cơ sở, chú trọng công tác xây dựng tổ chức Hội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, hội viên, nông dân; Tổ chức Hội nghị “Hội nghị gặp gỡ, trao đổi giữa Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh với cán bộ, hội viên, nông dân và đại biểu dự Đại hội”: Nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, tham gia có hiệu quả mục tiêu “phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Với quyết tâm cao trong việc tổ chức Đại hội đại biểu HND tỉnh Bắc Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 – 2028 thành công tốt đẹp. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh nêu cao tinh thần triển khai với khẩu hiệu: “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại hội diễn ra trong 2 ngày 22 - 23/9/2023.