Bắc Ninh tổ chức Hội nghị phát động Ngày chuyển đổi số quốc gia
UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025”, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số, cải cách hành chính. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho rằng, phong trào thi đua CĐS sẽ phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự cần thiết, tính cấp bách của CĐS trên địa bàn tỉnh. Phong trào này cần được triển khai thực hiện sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, là nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình CĐS của tỉnh; bồi dưỡng, phát hiện nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong phong trào thi đua CĐS nhằm tạo sự lan tỏa trên địa bàn toàn tỉnh;
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, phong trào thi đua được tổ chức từ năm 2024 đến hết năm 2025 nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, khích lệ các đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ, thực hiện CĐS giai đoạn 2024 – 2025.
Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua, phát huy và khuyến khích tính sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Phong trào thi đua CĐS phải được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng về hình thức, thiết thực và đạt hiệu quả; Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi việc thực hiện Phong trào thi đua CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của đơn vị, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương;
Đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào và phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm. Việc bình xét, lựa chọn và đề nghị khen thưởng phải được thực hiện từ cơ sở và đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định hiện hành.
Thông qua Kế hoạch muốn lan tỏa thông điệp về nội dung thi đua là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về CĐS; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS, gắn tuyên truyền CĐS với việc thực hiện các nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, đơn vị;
Xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho CĐS, thúc đẩy chính phủ số, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số phát triển xã hội số;
Tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Hiền, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Ninh cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương chức năng ký số từ xa và phát hành BLĐT trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bắc Ninh. |
Tỉnh ưu tiên đảm bảo các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các hoạt động CĐS; Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS; Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế của tỉnh;
Tích cực xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoạt, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh;
Chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh thi đua CĐS ở một số lĩnh vực: ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin; y tế; giáo dục; an ninh; an toàn thực phẩm; tài nguyên và môi trường; văn hoá, thể thao và du lịch; xây dựng; đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số; cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư, trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử;
Xây dựng và triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương nhằm phát huy tốt vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng giúp đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương trang thông tin đối ngoại tỉnh Bắc Ninh. |
Bắc Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành các chỉ tiêu sau:
Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, chỉ đạo, điều hành UBND tỉnh được thực hiện qua các hệ thống báo cáo của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo của tỉnh với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và các hệ thống khác theo quy định; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;
100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân; 100% hồ sơ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được số hóa, cập nhật vào cơ sở dữ liệu CSDL phục vụ quản lý, điều hành và khai thác; Bắc Ninh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước trên bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số hằng năm;
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ: tối thiểu cấp tỉnh 95%; cấp huyện 90%; cấp xã 85%; Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính lịch sử còn hiệu lực: cấp tỉnh 100%; cấp huyện 100%; cấp xã 100%;
Tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử (Danh mục các hồ sơ, giấy tờ thuộc phạm vi thực hiện số hóa được quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ): cấp tỉnh 100%; cấp huyện 100%; cấp xã 100%; Tỷ lệ hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính: cấp huyện tối thiểu 90%; cấp xã tối thiểu 90%;
Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến: Trung tâm hành chính công tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã đạt tối thiểu 98%.
Hướng tới Kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 10%.
Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số” Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh; Trên 50% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử; Bắc Ninh đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.