Bình Thuận: Ngang nhiên buôn bán động vật hoang dã nhóm nguy cấp, quý hiếm như bán…rau (kỳ 2)
Cơ quan chức năng đang kiểm tra cửa hàng Ngọc Hiền ngày 5/5
Sau khi rời cửa hàng Ngọc Hiền, chúng tôi tới thẳng… trạm Kiểm Lâm huyện Tánh Linh đề nghị phối hợp bắt giữ vụ việc buôn bán động vật hoang dã quý hiếm diễn ra ngang nhiên như mua mớ rau con cá cách trạm Kiểm lầm huyện và các cơ quan ban ngành chỉ 1 – 2 km.
Nhận được tin báo, vào khoảng 15h10 ngày 5/4/2019 lực lượng kiểm lâm thuộc trạm Kiểm lâm Tánh Linh tương đối “bất ngờ” vội cùng với PV xuống hiện trường xác minh vụ việc. Tham gia đoàn kiểm tra đột xuất có ông Hồ Thanh Xuân – kiểm lâm viên; ông Nguyễn Thanh Hải – kiểm lâm viên và ông Nguyễn Đình Dũng – kiểm lâm viên và một số cán bộ công an do ông Nguyễn Văn Đức – chí sĩ công an thị trấn Lạc Tánh phụ trách.
Khi lực lượng kiểm lâm cùng PV báo chí có mặt tại cửa hàng Ngọc Hiền, bà Hiền còn tươi cười hỏi: “Các anh mua gì?” như trong giao dịch mua bán bình thường hàng ngày? Sau khi biết đây là đoàn kiểm tra chứ không phải là “khách hàng”, bà Hiền năn nỉ xin bỏ qua nhưng không được đoàn công tác chấp nhận. Sau đó bà Hiền bỏ đi đâu không rõ…
Biên bản vụ việc được lực lượng Kiểm lâm lập tại hiện trường ngày 5/4
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã thu giữ một lượng lớn động vật hoang dã đã ngâm rượu hoặc được cấp đông trong tủ đá như: chồn bay (9 cá thể), chồn hương, rắn hổ mang và các loại rắn khác…không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ những mẫu vật vi phạm nói trên chuyển về hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh để đối chiếu, xử lý theo quy định của pháp luật. Tất cả được niêm phong cẩn thận dưới sự chứng kiến của PV báo chí, đại diện công an thị trấn Lạc Tánh, lực lượng kiểm lâm và rất nhiều người dân địa phương. Riêng bà Hiền trốn khỏi hiện trường nên không ký vào Biên bản ghi nhận hành vi vi phạm điều 23 Nghị định 157/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo về rừng và phát triển lâm sản của lực lượng kiểm lâm?
Trao đổi nhanh với người dân xung quanh khu vực cửa hàng Ngọc Hiền, chúng tôi được cung cấp thêm rất nhiều thông tin liên quan.
Mẫu vật thu giữ tại của hàng Ngọc Hiền
Ông H. nhà gần cửa hàng cho biết: “Cửa hàng bà Hiền buôn bán các loại thú rừng nhiều năm nay nhưng không thấy ai kiểm tra, xử phạt nên chúng tôi cũng xem đó là chuyện bình thường. Hàng ngày có nhiều người đến mua bán nhộn nhịp, có cả xe ô tô ngoại tỉnh cũng thường xuyên ghé qua mua đủ loại với số lượng lớn. Không ngờ những loại thú rừng đó lại là hàng cấm”.
Chị V.A. một tiểu thương gần đấy cho biết thêm: “Chuyện mua bán động vật hoang dã ở đây diễn ra gần như công khai từ trước tới nay có ai bắt bớ gì đâu. Nghe nói người đồng bào săn bắn, gài bẫy trong rừng rồi đem ra bán. Người dân mua lại bán lại cho những người thích đồ độc, lạ và những người có tiền, có quyền mua về ngâm rượu hay ăn nhậu… Dân buôn bán nhỏ hay người lao động nghèo làm sao dám bỏ ra cả triệu đồng mua 1 ký đồ rừng về ăn”.
Bà M. – một người dân chứng kiến quá trình khám xét thu giữ những mẫu vật vi phạm tại cửa hàng Ngọc Hiền tươi cười cho chúng tôi biết: “Mấy chú để ý xem xung quanh khu vực này có bao nhiêu nhà hàng, quán sá bán đặc sản rừng. Nhiều khi tôi còn thấy họ mua bán nhiều loại còn quý hiếm hơn mà có ai kiểm tra đâu. Thỉnh thoảng còn thấy mấy ông đến đó ăn nhậu bình thường như không có chuyện gì. Có cầu là có cung mà”.
“Các chú viết báo đừng đưa tên thật và hình ảnh tôi lên kẻo người ta thù ghét gây khó dễ đến công việc kinh doanh và cuộc sống của chúng tôi. Đằng sau lưng họ có nhiều “thế lực ngầm” bảo kê nên họ mới coi thường pháp luật như vậy…” – Bà M. cho biết thêm.
Mẫu vật thu giữ tại của hàng Ngọc Hiền
Như vậy có thể khẳng định vụ bắt giữ vụ việc buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã quý hiếm tại của hàng Ngọc Hiền, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rất có thể vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều vụ việc lớn hơn mà các cơ quan chức năng không biết hoặc cố tình không biết?
Theo Biên bản số: 02 / BB-GNP do Hạt Kiểm lâm Tánh Linh lập hồi 13h 30 ngày 9/4/2019 về việc: “Gỡ niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để làm cơ sở xác định tên phổ thông, tên khoa học, trọng lượng làm cơ sở đưa vào xử lý” và Biên bản số: 03/BB-NP do Hạt Kiểm lâm Tánh Linh lập hồi 15h30 ngày 9/4/2019 về việc: “Niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ” thông nhất số tang vật bị thu giữ bao gồm 29 (đánh số từ 1 đến 29) trong bình thủy tinh chứa dung dịch lỏng có màu và động vật hoang dã.
Mẫu vật thu giữ tại của hàng Ngọc Hiền
Biên bản số 04/BB- GNP được lực lượng Kiểm lâm lập ngày 9/4
Theo Biên bản số: 04/BB-GNP do Hạt Kiểm lâm Tánh Linh lập hồi 16h ngày 9/4/2019 về việc: “Thống nhất tên phổ thông, tên khoa học, trọng lượng sau khi gỡ niêm phong để làm cơ sở đưa vào xử lý” đã thống kê được hàng loạt sai phạm của cơ sở Ngọc Hiền khi buôn bán động vật hoang dã quý hiếm với tổng cộng 37,7 kg như: 10 cá thể Chồn bay (tên khoa học là Cynocephalusvariegatus) thuộc nhóm loài “Nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” trong “Sách đỏ” của Việt Nam với trọng lượng hàng chục kg. Bên cạnh đó còn thu giữ rất nhiều mẫu vật động vật hoang dã trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB như rắn ráo trâu (tên khoa học là Ptyasmucosa)…
Như vậy, việc phát hiện vụ việc buôn bán, tàng trữ một số lượng động vật hoang dã tại huyện Tánh Linh đã phản ánh thực trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che sai phạm của các cơ quan chức năng, đủ để khởi tố vụ án Hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam chứ không thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo về rừng và phát triển lâm sản như ý kiến ghi trong Biên bản của kiểm lâm huyện Tánh Linh đã nêu ở trên. Cụ thể vụ việc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp CITES và các Điều luật do Nhà nước ban hành như: Luật Đa dạng sinh học 2008; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004; Luật Lâm nghiệp 2017 (hiện chưa có hiệu lực); Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp...
Mẫu vật thu giữ tại của hàng Ngọc Hiền
Hy vọng các cơ quan chức năng huyện Tánh Linh và tỉnh Bình Thuận sẽ nghiêm túc, mạnh tay trong việc quản lý, kiểm tra và xử phạt những hành vi săn bắt, kinh doanh, tiêu thụ các loại động vật hoang dã quý hiếm để bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên cho đất nước. Đồng thời xử lý nghiêm những hành động buông lòng quản lý, bảo kê (nếu có).
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này trong những kỳ báo tiếp theo./.
Nhóm PV