Bộ Y tế thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ điều trị bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu tại Gia Lai.
Theo đó, Tổ Công tác số 1 hỗ trợ tỉnh Đắk Nông, do lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh làm Tổ trưởng.
Tổ Công tác số 2 hỗ trợ tỉnh Gia Lai do lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế làm Tổ trưởng.
Tổ Công tác số 3 hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk do lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm Tổ trưởng.
Tổ Công tác số 4 hỗ trợ tỉnh Kon Tum do lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy làm Tổ trưởng.
Các tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh xây dựng quy trình khám, sàng lọc, phân loại, tiếp nhận, điều trị, cách ly ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh bạch hầu dương tính tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh.
Bên cạnh hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các khoa điều trị ca bệnh bạch hầu, các tổ công tác phối hợp với các đoàn công tác của các đơn vị khác triển khai tập huấn, tập huấn lại phác đồ điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tỉnh.
Tổ công tác tham mưu, đề xuất giúp Sở Y tế các tỉnh bổ sung, điều chuyển nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư phục vụ công tác điều trị bệnh bạch hầu nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Đồng thời, định kỳ hàng ngày (trước 17 giờ 00) hoặc đột xuất, các tổ công tác báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) về tình hình, diễn biến điều trị các ca bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.
* Cùng ngày, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.
Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc xin.
Trực khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế... Vi khuẩn bạch hầu chết ở nhiệt độ 58 độ C trong vòng 10 phút, dưới ánh sáng mặt trời vi khuẩn chết trong vài giờ.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: TTXVN
Hay gặp nhất là bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20 - 30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3 - 8%), bạch hầu da...
Nguyên tắc điều trị bệnh bạch hầu:
- Phát hiện sớm, cách ly khi phát hiện ca bệnh.
- Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh ngay để ngăn chặn các biến chứng để giảm tử vong.
- Theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng.
- Chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính.
Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh.
Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm, phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
- Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn.
- Phòng bệnh bằng vắc xin bạch hầu: Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, dùng vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một
năm 1 lần cho đến 5 tuổi.
- Với người tiếp xúc: Xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày.
Theo Báo Tin Tức/TTXVN