Các Phó thủ tướng tiếp tục làm việc tại các tỉnh Ninh Bình, Cao Bằng, Hưng Yên
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long (Ninh Bình) |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long (Ninh Bình)
Lũ sông Hoàng Long lên cao có nguy cơ ảnh hướng đến 60.000 người dân thuộc 12 xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình theo dõi chặt chẽ dự báo khí tượng thuỷ văn, lưu lượng xả nước của các hồ thuỷ điện, diễn biến mực nước trên sông Hoàng Long, kịp thời triển khai các biện pháp đã chuẩn bị, sẵn sàng về lực lượng, vật tư, trang thiết bị.
Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người dân.
Hiện nay, mực nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy đang xuống chậm. Tỉnh Ninh Bình tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ các dự báo về mưa lũ tiếp theo để sẵn sàng ứng phó theo các kịnh bản đã được phê duyệt trong công tác vận hành các công trình phân lũ, chậm lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Lũ trong sông lên cao, kết hợp với mưa lớn, nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng núi, ngập lụt vùng ven sông, các bãi nổi giữa sông, vùng trũng thấp diện rộng, ảnh hưởng đến an toàn đổi với các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nhiều vùng dân cư của địa phương; có thể gây nguy hiểm đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Dự kiến, nếu trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống, tỉnh Ninh Bình khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh.
Trong trường hợp, mực nước sông Hoàng Long tiếp tục lên vượt mức +5,3 m tại Bến Đế, tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị các phương án phân lũ chi tiết, "nước đến đâu có phương án đến đấy", trong đó kịch bản nghiêm trọng nhất sẽ có khoảnh 60.000 người dân, tại 12 xã của 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình sẽ căn cứ tình hình thực tiễn và khả năng chống chịu của các tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long để có quyết định, giải pháp phù hợp, đảm bảo giảm tối đa thiệt hại.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo: Cao Bằng cần huy động tối đa lực lượng tìm kiếm người mất tích, khắc phục ngay việc chia cắt các huyện, xã |
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo: Cao Bằng cần huy động tối đa lực lượng tìm kiếm người mất tích, khắc phục ngay việc chia cắt các huyện, xã
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tại tỉnh Cao Bằng đã xảy ra 17 đợt thiên tai, gây thiệt hại trên 248,397 tỷ đồng (riêng cơn bão số 3 đã gây thiệt hại trên 125 tỷ đồng). Tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí gần 950 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai và thực hiện kè chống sạt lở bờ sông suối trên địa bàn tỉnh; xem xét hỗ trợ khẩn cấp 100 tấn gạo và 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Cao Bằng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Đề án cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc, tạo điều kiện để tỉnh phát triển khu du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh; quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ tỉnh đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch phục vụ vận hành Khu cảnh quan thác Bản Giốc và các khu vực biên giới đã bị sạt lở mất dấu hiệu nhận biết đường biên giới trên địa bàn tỉnh.
Kiến nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong việc triển khai vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc; nghiên cứu xây dựng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành khu cảnh quan; trao đổi, thúc đẩy phía Trung Quốc chỉ đạo Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tăng cường hợp tác với tỉnh Cao Bằng mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở hai bên.
Cao Bằng đề nghị Trung ương sớm ban hành Hướng dẫn xây dựng Mô hình cửa khẩu thông minh, tổ chức tập huấn triển khai xây dựng và bố trí kinh phí để tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện; bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho đầu tư hạ tầng cửa khẩu; xem xét tư vấn, hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong việc xây dựng “Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng”...
Chỉ đạo tại cuộc làm việc, liên quan đến cơn bão số 3, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Cao Bằng huy động tối đa lực lượng để tìm kiếm người mất tích, khắc phục ngay việc chia cắt các huyện, xã trên địa bàn; đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm, thuốc men, nước sạch... cho người dân khu vực bị chia cắt. Tỉnh cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc; nhanh ổn định cuộc sống người dân…
Về phát triển kinh tế-xã hội, Cao Bằng cần có biện pháp tháo gỡ những hạn chế về giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh địa phương còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Tỉnh cũng cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc về kết nối cửa khẩu, giao thông. Tận dụng tối đa mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)-Cao Bằng (Việt Nam) để tăng cường giao lưu về văn hoá, lao động, hàng hoá; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm năng vào đầu tư tại tỉnh.
Bên cạnh đó, Cao Bằng cần giữ vững chủ quyền; xây dựng đường biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên khu vực biên giới; tăng cường giao lưu hữu nghị… Cao Bằng xác định các giải pháp để phát triển cửa khẩu thông minh; chuẩn bị sẵn sàng để vận hành Khu cảnh quan qua lại thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Nhân dịp này, Công đoàn Bộ Ngoại giao cũng trao 230 triệu đồng hỗ trợ 3 huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bão số 3.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ 20 tấn gạo cho người dân vùng lũ Hưng Yên |
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thăm hỏi, tặng quà; hỗ trợ 20 tấn gạo cho người dân vùng lũ Hưng Yên
Tiếp theo Hà Nam, Hưng Yên là địa phương thứ 2 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tới thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi cano dọc tuyến sông Hồng thuộc địa bàn Hưng Yên để thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là các lực lượng chức năng như quân đội, công an của Hưng Yên… đã rất nỗ lực và quyết liệt, trách nhiệm trong công tác phòng, chống cơn bão số 3 vừa qua cũng như công tác ứng phó với lũ lụt hiện nay; cho rằng, trong thời gian ngắn, Hưng Yên đã di chuyển và sơ tán được số lượng lớn hộ dân ở ngoài đê đến nơi an toàn; ý thức của người dân rất tốt, chấp hành nghiêm các các chỉ đạo của chính quyền. Người dân được di dời đến nơi an toàn được chính quyền chăm lo, bảo đảm các điều kiện về chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt trong những ngày chống lũ.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cấp chính quyền của Hưng Yên thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ; dân cư sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao, không an toàn phải kiên quyết trong công tác di dời người dân tới vùng an toàn.
Cùng với công tác ứng phó hiệu quả với lũ lụt hiện nay, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, giảm thiểu thấp nhất hậu quả do mưa lũ gây ra, Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý sau khi nước rút, lãnh đạo, chính quyền các cấp của Hưng Yên cần đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; có sự hỗ trợ cần thiết đối với người dân, nhất là người yếu thế để sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt sau lũ.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã thăm hỏi, tặng quà cho người dân vùng lũ của tỉnh Hưng Yên; tặng xã Hùng Cường và xã Phú Cường (thuộc TP. Hưng Yên) là 2 trong số các xã bị thiệt hại nặng nề nhất của mưa lũ, mỗi xã 10 tấn gạo để hỗ trợ người dân.
Theo báo cáo tỉnh Hưng Yên, đợt lũ lụt lần này, Hưng Yên có hơn 7.000 hộ dân với khoảng 30.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó chính quyền các cấp của Hưng Yên đã di dời 3.000 người dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn. Hiện nay, mực nước sông Hồng trên địa bàn Hưng Yên vẫn ở mức trên báo động III là 0,6m./.