Xử lý lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra khai thác cát trái phép
“Cát tặc” vẫn rút ruột tài sản công |
“Cát tặc” vẫn rút ruột tài sản công
Thời gian qua, tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong những lỗ hổng dẫn tới tình trạng "rút ruột" khoáng sản là trong thời gian qua việc cấp phép, quản lý khai thác cát, sỏi - hầu hết đang được các địa phương thực hiện theo hình thức “cảm tính.” Lý do bởi cát, sỏi lòng sông được hình thành, phân bố theo quy luật tự nhiên; phụ thuộc lưu lượng, tốc độ dòng chảy, địa hình tích tụ, tốc độ bồi lắng; quy hoạch chỉ thực hiện trên phạm vi các đoạn sông thuộc địa bàn của từng địa phương…
Lợi dụng bất cập trên cùng với đặc thù của cát sỏi dễ khai thác (công nghệ không phức tạp), dễ vận chuyển, dễ tiêu thụ, giá trị “siêu lợi nhuận” - nhiều tổ chức, cá nhân đã ra sức “rút ruột” tài sản công của quốc gia.
Chỉ riêng tại tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng thực hiện “Đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh” (tính đến tháng 7/2024), tỉnh này đã phát hiện 294 vụ việc vi phạm. Trong số đó có 55 vụ việc khai thác cát trái phép; 223 vụ việc vận chuyển cát không rõ nguồn gốc...
Giáp ranh với tỉnh Tiền Giang, tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra rất “nóng bỏng.” Thông tin tới người viết, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh gần đây tiếp tục diễn ra ở cấp độ tinh vi, khó kiểm soát hơn. Hình thức khai thác cát trái phép chủ yếu bằng ghe bơm hút, hoạt động thường xuyên vào ban đêm hoặc các ngày nghỉ - thời điểm mà lực lượng chức năng khó giám sát, kiểm tra, tiếp cận các phương tiện vi phạm.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh thẳng thắn thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép ở trên địa bàn đến nay vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Nguyên nhân bởi nhu cầu nguồn vật liệu cát san lấp gần đây tăng lên, nguồn vật liệu cát bị khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu trong khi cát lại có siêu lợi nhuận.
Trong khi đó, các quy định pháp luật xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản hiện hành còn nhiều bất cập và chưa đủ sức răn đe; lực lượng thực hiện nhiệm vụ còn mỏng, thiếu trang thiết bị, phương tiện nên nhiều đối tượng lợi dụng vào thời điểm ban đêm, các ngày nghỉ, lễ, tết, khu vực giáp ranh, địa hình phức tạp để khai thác khoáng sản trái phép nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.
Xử lý lãnh đạo địa phương nếu để xảy ra khai thác cát trái phép. |
Cương quyết xử lý nếu để xảy ra vi phạm
Trước thực tế trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ quy định tại các nghị định, chỉ thị của Chính phủ (như Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản); ban hành và thực hiện đúng quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản (nhất là cát, sỏi lòng sông) tại khu vực giáp ranh địa giới hành chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác trái phép kéo dài, gây bức xúc dư luận; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, kể cả xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Ngoài ra do cát sỏi lòng sông, lòng hồ, biển có những đặc thù riêng (biến động tự nhiên về trữ lượng), việc khai thác có tác động nhất định đến lòng bờ bãi sông, nên tại dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Chính phủ đã bổ sung quy định phân loại khoáng sản theo nhóm (trong đó có một chương riêng quy định về “Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển”). Dự án luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2024.
Việc bổ sung quy định trên cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản (vì quy định này đã phân công đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, không còn thuộc trách nhiệm của riêng ngành Tài nguyên và Môi trường); từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên cả nước nói chung.