Cần nhân rộng những cánh đồng bán tín-chỉ các-bon ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Vụ Đông Xuân năm 2024, năng suất và chất lượng lúa đều ổn định |
Tăng lợi nhuận cho nông dân
Tại ấp Hồng Kỳ, xã Phú Cường, huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp trong mùa vụ đông xuân 2024 có 32 ha lúa tham gia canh tác theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VinaRice), nông dân áp dụng các biện pháp sạ lúa giống thưa, 1 phải 5 giảm (Phải sử dụng giống lúa xác nhận; 5 Giảm: giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thất thoát sau thu hoạch), 3 giảm 3 tăng (3 Giảm: giống gieo sạ, thuốc trừ sâu, phân đạm; 3 Tăng: năng suất lúa, chất lượng lúa gạo, hiệu quả kinh tế), tưới khô ướt xen kẽ...
Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp hợp tác cùng nông dân ngay từ đầu mùa vụ và hỗ trợ đối ứng phân, giống, sử dụng máy bay không người lái để sạ lúa, bón phân, phun thuốc trừ sâu trên cả cánh đồng, cũng như theo dõi sát sao hiệu quả triển khai các giải pháp kỹ thuật.
So sánh giữa công thuê máy bay với tiền bán lúa thì chi phí vẫn trong khoảng nông dân có thể chấp nhận được. Theo giá lúa khoảng 8.000 đồng/kg và năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, sau khi trừ hết các chi phí đầu vào, nông dân có thể thu về lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha. Giám đốc Công ty VinaRice Nguyễn Tấn Tài cho biết, dù đồng hành cùng nông dân từ đầu vụ nhưng Công ty không chốt cứng giá bán lúa. Trước kỳ thu hoạch vài ngày, Công ty sẽ căn cứ giá lúa trên thị trường để thống nhất giá thu mua, bao tiêu với nông dân. Điều này giúp đảm bảo lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp để hai bên có thể đồng hành lâu dài.
Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp mặc dù không chịu nhiều ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, nhưng thách thức lớn là thời tiết bất thường không theo chu kỳ hàng năm, nắng nóng kéo dài hay mưa kéo dài đều có thể gây thiệt hại cho sản xuất. Bởi vậy, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến đã giúp tăng sức chống chịu biến đổi khí hậu cho cây lúa, đảm bảo năng suất và chất lượng.
Vụ Đông Xuân năm 2024, các cánh đồng dù sạ thưa hơn nhưng năng suất và chất lượng lúa đều ổn định. Đơn cử như xã Phú Cường là một trong những khu vực canh tác trọng điểm được ngành nông nghiệp huyện theo dõi sát sao. Bên cạnh các khu vực có hỗ trợ từ doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông cũng hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật canh tác giảm phát thải ở những diện tích còn lại. Theo ông Nguyễn Thanh Quới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường, trong thời gian qua, Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền các tổ nông dân trên địa bàn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, an toàn cho môi trường và sức khỏe.
Tính toán phát thải từ trồng lúa
Ấp Hồng Kỳ là một trong nhiều khu vực có diện tích canh tác lúa giảm phát thải tham gia Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” (TRVC). Dự kiến trong 6 mùa vụ liên tiếp từ năm 2023 – 2028, từ nguồn vốn tài trợ 17 triệu đô la Úc của Chính phủ Úc, Tổ chức Phát triển Hà Lan phối hợp cùng ngành nông nghiệp 3 tỉnh trợ An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang chuyển đổi trên 200.000 ha sang sản xuất lúa phát thải.
Bà Trần Thu Hà - Giám đốc Dự án TRVC cho biết, thành công ban đầu của dự án là đã huy động 11 doanh nghiệp có uy tín trong ngành hàng lúa gạo tham gia hợp tác cùng nông dân, hợp tác xã ở các địa phương. Các doanh nghiệp này đều đưa đến các gói công nghệ ưu việt để đảm bảo ít nhất người nông dân có 30 % lợi nhuận từ việc sản xuất lúa khi thực hiện hợp đồng thu mua. Sản phẩm có thể tham gia phân khúc gạo cao cấp, và khi bán được tín chỉ các-bon thì doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ cái lợi nhuận cho nông dân. Bước đầu, đã có hơn 8.000 ha lúa đăng ký tham gia dự án này. Các hoạt động sẽ tạo nền tảng lợi ích để sau này, doanh nghiệp và bà con nông dân có thể tự liên kết mà không cần có thêm chất xúc tác từ dự án. Đây cũng là tiền đề cho việc chứng nhận tín chỉ các-bon từ canh tác lúa, sẵn sàng cho các giao dịch khi thị trường tín chỉ các-bon của Việt Nam vận hành thí điểm năm 2025 và chính thức hoạt động từ 2028.
Bà Hà cho biết thêm, để làm được điều này, dự án đã đưa ra một hệ thống đo đạc, báo cáo và tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính (MRV), được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận và có thể ứng dụng trên quy mô lớn. Tín chỉ các-bon từ dự án không chỉ giao dịch ở cấp dự án hoặc cấp quốc gia, mà còn có thể đưa ra thị trường các-bon tự nguyện quốc tế. Các công việc sạ lúa, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều có thể dùng máy bay không người lái
Ngoài ra, dự án sẽ tính toán đến điều kiện canh tác thực tiễn của từng ruộng, từng nông hộ; sử dụng công nghệ chụp ảnh từ vệ tinh và đồng thời, mô hình hóa việc tính toán lượng phát thải khí nhà kính trong điều kiện thời tiết, khí hậu, hệ sinh thái cũng như lượng vật tư đầu vào. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong áp dụng hệ thống MRV này vào tính toán phát thải từ hoạt động trồng lúa.
Theo định hướng triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", huyện Tam Nông đã đăng ký đến cuối năm 2023 có khoảng 4.900 ha lúa tham gia Đề án; năm 2025 là 12.000 ha và năm 20230 là hơn 29.000 ha - tương đương toàn bộ diện tích lúa của huyện. Việc nhân rộng diện tích canh tác lúa giảm phát thải đang được thực hiện khẩn trương.
Việc tham gia các dự án tại Tam Nông, Đồng Tháp được thực hiện tốt bởi lẽ người dân ở đây đã triển khai các kỹ thuật canh tác ứng phó biến đổi khí hậu từ nhiều năm nay. Khi tham gia các dự án như TRVC, nông dân áp dụng các biện pháp một cách bài bản hơn và nhất là được hỗ trợ tính toán giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ các-bon.
Vấn đề mua bán tín chỉ các-bon là vấn đề mới, chưa có cơ chế chính sách rõ ràng. Không giống như tín chỉ các-bon rừng khi quyền quản lý rừng thuộc về Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình tạo tín chỉ các-bon lúa, đồng ruộng và công lao động là của nông dân, doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật cũng như đo đếm, tạo tín chỉ, vì thế rất cần có những hướng dẫn cụ thể sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho ngành nông nghiệp không chỉ riêng ở Đồng Tháp mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.