Cần thống nhất quy định của pháp luật về ngăn chặn tội ác chống lại thiên nhiên
Tội ác chống lại thiên nhiên thể hiện trên nhiều lĩnh vực: phá rừng và khai thác gỗ, ô nhiễm tiếng ồn, đánh bắt cá, quản lý chất thải, bảo vệ động vật hoang dã và ô nhiễm không khí, đất và chất thải. Theo đó, 85% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc hình sự hóa các hành vi phạm tội về động vật hoang dã.
Ít nhất 45% các quốc gia áp dụng hình phạt từ 4 năm tù trở lên đối với một số tội phạm về môi trường, quy vào nhóm tội phạm “nghiêm trọng” theo Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC), một tiêu chuẩn được công nhận toàn cầu.
Bà Angela Me - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích tại Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), người trình bày báo cáo cho biết, đánh giá của UNODC cho thấy sự tiến bộ trên toàn cầu trong việc thúc đẩy luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo Angela Me, việc thiếu tính thực thi, thiếu đồng bộ trong luật pháp đã tạo “cơ hội cho các nhóm tội phạm tận dụng những kẽ hở để đối phó”.
Động vật hoang dã và rác thải là những lĩnh vực mà hầu hết các quốc gia đưa ít nhất một tội hình sự liên quan vào luật pháp quốc gia của họ. Ngược lại, ô nhiễm đất và tiếng ồn là những lĩnh vực có ít quốc gia có quy định hình sự.
Mức độ hình sự hóa và hình phạt khác nhau tùy theo quốc gia và khu vực. Ví dụ, ở châu Đại Dương, 43% các quốc gia coi đánh bắt cá bất hợp pháp là tội nghiêm trọng (phạt tù từ 4 năm trở lên), trong khi ở châu Âu, con số này chỉ chiếm có 2% các quốc gia. Trong khi đó, 12 trong số 18 quốc gia ở Đông Phi coi tội phạm liên quan đến động vật hoang dã là tội phạm nghiêm trọng.
Châu Phi và châu Á có tỷ lệ phần trăm trung bình cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc có hình phạt phù hợp đối với tội phạm nghiêm trọng, điều đó cho thấy luật pháp chưa hẳn đã yếu nhưng thiếu tính thực thi.
Trong số 9 khu vực được khảo sát với 164 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các hành vi xâm hại động vật hoang dã thường được quy định trong luật hình sự. Luật pháp của nhiều quốc gia thậm chí còn vượt quá yêu cầu của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
Trên toàn cầu, hình phạt đối với tội phạm về động vật hoang dã có thể dao động từ vài ngày đến tù chung thân, trong khi mức phạt có thể dao động từ vài USD đến 3 triệu USD.
Ngoài động vật hoang dã, các tội phạm liên quan đến rác thải bị xử lý hình sự rất cao, với 160 quốc gia coi việc vứt rác thải không đúng cách là phạm tội và bao gồm ít nhất một tội hình sự liên quan trong luật của họ. Ngược lại, đối với ô nhiễm đất và tiếng ồn, chỉ có 99 và 97 quốc gia tương ứng coi những vi phạm này là nghiêm trọng.
Báo cáo nêu bật sự khác biệt trong cách áp dụng luật đối với cá nhân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp thường thoát tội, trong khi cá nhân có thể phải đối mặt với án tù.
Trên toàn cầu, 160 quốc gia coi việc đổ rác thải không đúng cách là một tội ác
Các tác giả của báo cáo đề xuất các quốc gia cần cải thiện luật pháp, bổ sung một số quy định để tránh tình trạng những người vi phạm nhỏ hơn bị truy tố trong khi bỏ qua tội trạng của những tổ chức, cá nhân có mục đích kinh tế lớn phạm tội về môi trường. Các tác giả báo cáo cũng đề xuất cho phép tịch thu phương tiện thực hiện hành vi phạm tội về môi trường hoặc tịch thu tiền mà các tổ chức, cá nhân thu được từ các hành vi phạm tội này.
Theo các chuyên gia của UNODC, có một số lĩnh vực cần cải thiện về luật pháp và hình phạt môi trường. Các quốc gia thành viên có thể xem xét tăng hình phạt và mở rộng việc sử dụng các công cụ hợp tác quốc tế như dẫn độ hoặc hỗ trợ pháp lý lẫn nhau. Dẫn độ là hành vi trong đó chủ thể có quyền lực pháp lý đưa ra yêu cầu một người bị buộc tội hoặc bị kết án phạm tội ở một khu vực tài phán khác, cho cơ quan thực thi pháp luật của họ thực hiện.