Dùng cát biển đã được rửa sạch để làm đường cao tốc – Tại sao không ?
Vùng ĐBSCL đang triển khai nhiều tuyến cao tốc. |
Ông Võ Tấn Dũng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ cát sạch MeKong (sau đây gọi tắt là Công ty Mekong) có trụ sở tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, một doanh nghiệp chuyên về thiết bị tuyển rửa cát xây dựng, cho biết: hiện nay vùng ĐBSCL đang thiếu nguồn cát thi công cao tốc và công trình trọng điểm nhà nước và công trình dân dụng do cát sông suối, cát đồi núi, cát nạo vét, cát biển, đa số mỏ cát còn chứa nhiều bụi, bùn sét, tạp chất hữu cơ; cát biển thì bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Cũng theo ông Võ Tấn Dũng, những thiết bị rửa cát do Công ty Mekong chế tạo, lắp đặt, ứng dụng từ hơn 10 năm qua, được kiểm định thực tế quy trình tuyển rửa đạt TCVN 9436:2012, có thể dùng cho san lấp đắp đường cao tốc. Nước thải sau khi rửa cát biển đảm bảo không ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi, đạt Tiêu chuẩn, Quy chuẩn theo văn bản kết luận số 2841/BNN-KL ngày 19/4/2024 do Bộ NN & PTNT gửi Bộ Giao thông Vận tải và cũng đạt QCVN 40:2021/BTNMT; đạt TCVN 13754:2023 cho “Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa”, và TCVN 7570:2006 cho “Cát dùng cho bê tông và vữa”.
Thiết bị rửa cát của Công ty Mekong đã được trao tặng giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Thành Phố Cần Thơ, giải nhất Toàn quốc, giải WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và được Thủ tướng Chính Phủ tặng bằng khen năm 2012 và năm 2020.
Hơn 10 năm qua thiết bị rửa cát Công ty Mekong được sản xuất theo quy mô công nghiệp và công suất từ 50 m3/giờ đến 1.000 m3/giờ (có thể tăng lên 2.000 m3/giờ khi có nhu cầu đầu tư đồng bộ). Về giá cát thành phẩm sau khi tuyển rửa tại vùng mỏ được chuyển đến công trình xây dựng có chi phí thấp hơn so với cùng loại cát chưa tuyển rửa sạch được chuyển đến công trình.
Thiết bị rửa cát của Công ty Cổ phần Công nghệ cát sạch MeKong. |
Với những lý do trên, ông Võ Tấn Dũng đã có tâm thư đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo mọi thuận lợi để được triển khai thí điểm việc tuyển rửa cát biển và cát vùng nước ngọt còn lẫn nhiều bụi, bùn sét, tạp chất hữu cơ; đồng thời mong Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng tại tỉnh thành quản lý mỏ cát thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến chất lượng cát biển, cát sạch thành phẩm và chất lượng nước thải sau khi tuyển rửa cát theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định. Việc triển khai đại trà này nhằm góp phần đảm bảo nguồn cát đạt chất lượng và khối lượng theo tiến độ cho các công trình trọng điểm của nhà nước.
Thiết bị rửa cát của Công ty Mekong có ưu điểm gọn nhẹ, dễ di chuyển. |
Việc nghiên cứu, sáng chế thành công và triển khai ứng dụng thiết bị tuyển rửa cát biển, biến nguồn tài nguyên dồi dào này thành cát sạch có thể sử dụng trong xây dựng không chỉ mở ra một nguồn cung cấp cát xây dựng đáng kể mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nguồn cát sông đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức. Thành tựu của ông Dũng và Công ty Mekong hứa hẹn sẽ làm thay đổi cục diện trong ngành xây dựng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Cát biển sau khi tuyển rửa thành cát sạch thành phẩm đạt TCVN 13754:2023 “Cát nhiễm mặn dùng cho bê tông và vữa” đạt Ion Cl- (muối) từ < 0,01% đến < 0,05% tùy theo yêu cầu sử dụng và đạt TCVN 9436:2012 dùng cho cát đắp đường (muối hòa tan theo tiêu chuẩn cho phép đối với cát đắp đường < 5%).
Vùng ĐBSCL hiện nay đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong 8/9 dự án đang thi công thì có 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, tuy nhiên hiện nay nhiều tuyến cao tốc đang gặp khó khăn về nguồn cát san lấp. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và đến thăm công trình để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo dự án về đích theo đúng tiến độ. Trong khi đó, việc thí điểm sử dụng cát biển vẫn còn nhiều lúng túng. Những vấn đề trên nếu không được giải quyết sẽ khó đảm bảo hoàn thành mục tiêu 600km đường cao tốc ở ĐBSCL vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. |