Cần xử lý tình trạng xây dựng nhà yến, nhà ở trên đất nông nghiệp trái phép
Vào mỗi buổi sáng tại thị xã Ayun pa, tỉnh Gia Lai là những tiếng ồn phát ra từ hệ thống loa dẫn dụ yến, tiếng ồn làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân xung quanh khu vực nuôi yến, Ông N.V.L người dân sinh sống ở thị xã Ayun pa cho biết: “Tôi là người lớn tuổi cứ đến 5h00 sáng đã thức giấc và bắt đầu nghe tiếng ồn từ những nhà nuôi yến xung quanh, thời tiết ở đây đang rất nóng cộng với tiếng ồn từ nhà yến tôi rất mệt và khó chịu nhưng cũng phải sống chung với lũ”. Chị L.T.T cho biết thêm: “Xung quanh nhà tôi ở có khoảng 5 nhà nuôi yến liên tục bị "tra tấn" bởi tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ chim yến của các nhà nuôi yến nằm xen kẽ trong khu dân cư. Khoảng 4, 5 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, tiếng kêu ríu rít inh tai, nhức óc liên tục phát ra khiến nhiều người mắc các chứng bệnh như ù tai, đau đầu, rối loạn thần kinh; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lớn tuổi và việc học tập của các cháu học sinh”. Nghị quyết 127/2020/NQ-HĐND của tỉnh Gia Lai đã quy định chi tiết về việc nuôi chim yến tại khu vực nội thành, thị xã, thị trấn và khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Những điểm quan trọng trong Nghị quyết này: Khu vực không được phép nuôi: Nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Điều này bao gồm các khu vực thuộc tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã, tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện quy hoạch. Vùng nuôi chim yến: Phải nằm ngoài khu dân cư (thôn, buôn, làng và tương đương đã được quy hoạch) và ngoài khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định tại Điều 1. Đồng thời, nhà nuôi yến phải tuân thủ các quy định sau: Nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300m. Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến, với cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA. Thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5h đến 11h30 và từ 13h30 đến 19h mỗi ngày. Nhà nuôi yến hiện có: Các cơ sở chăn nuôi đã xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp theo quy định. Trong thời gian chưa ngừng hoạt động hoặc chưa di dời, cơ sở chăn nuôi phải tuân thủ quy định về điều kiện chăn nuôi và quản lý động vật nuôi theo quy định pháp luật.
Nhà nuôi yến nằm ngay cạnh xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa |
Để tìm hiểu sâu hơn nhóm PV Sức khỏe & Môi trường đã tiến hành khảo sát thêm địa bàn xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa cách UBND xã 50 m là 2 công trình nhà yến đồ sộ với quy mô lớn tuy nhiên không hiểu vì sao 2 công trình nhà yến này được xây dựng và hoạt động nhưng UBND xã Chư Băh không có động thái xử lý.
Tại một cánh đồng lúa cách UBND xã Chư Băh khoảng 2 km nhóm PV đã tiếp cận nơi đây không chỉ ruộng lúa mà xuất hiện các công trình nhà yến, nhà ở kiên cố trên đất lúa. Anh L.V.N người dân sống gần đây cho biết, đất khu vực này là đất lúa, công trình này là nhà ở và nhà yến của một vị quan chức nhưng nhờ người khác đứng tên và chỉ có vị này mới làm được như vậy. Cũng theo chị L.T.T người dân sống gần đây cho biết, khu vực đất này là đất lúa, công trình kiên cố của một vị lãnh đạo nên không ai dám xử lý.
PV ghi nhận tại cánh đồng thuộc xã Chư Băh có 1 hệ thống công trình kiên cố nhà yến, nhà kiên cố, ao, hồ đang được xây dựng. Nhóm PV đã đến UBND Thị Xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai để đặt lịch làm việc nhưng lãnh đạo UBND thị xã Ayun pa bận họp và đã gửi Công văn để đề nghị cung cấp thêm thông tin theo đúng quy định Luật Báo chí năm 2016. Nhưng đến nay đã hơn 20 ngày theo quy định nhưng tòa soạn Sức khỏe & Môi trường chưa nhận được Công văn phúc đáp của UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Đến ngày 24/4/2024, PV trực tiếp đến liên hệ với UBND thị xã Ayun Pa, Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đề nghị cung cấp thông tin về công trình nhà yến, nhà ở tại xã Chư Băh, tiếp PV là đồng chí Ngô Thanh Duy, Phó Chánh văn phòng UBND thị xã Ayun Pa và xác nhận đã nhận được Công văn và hẹn xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ngày hôm sau sẽ trả lời, nhưng đến ngày 25/4/2024 PV đã liên lạc lại với đồng chí Duy nhưng không nhận được hồi âm. PV tiếp tục liên hệ với đồng chí Châu Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Ayun Pa được biết Phòng TN&MT chưa nhận được Công văn của Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường và thông báo để kiểm tra lại. Theo Điều 38 Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin...”. UBND thị xã Ayun Pa đang cố tình vi phạm Luật Báo chí, không cung cấp thông tin cho báo chí để kịp thời tiếp nhận phản ánh về những bất cập và kiến nghị địa phương những giải pháp để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý các công trình xây dựng nhà yến, nhà kiên cố trái quy định của pháp luật.
Hệ thống nhà yến, nhà ở xây dựng kiên cố trên đất lúa tại xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai |
Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường đề nghị UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai sớm cung cấp thông tin theo Công văn số 28/SK&MT-2024 ngày 04/4/2024 đồng thời đề nghị UBND tỉnh Gia Lai, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai sớm kiểm tra, chấn chỉnh việc xây dựng nhà yến, công trình kiên cố tại địa bàn thị xã Ayun Pa, xử lý nghiêm minh việc tự ý xây dựng trái phép nhà yến trên đất trồng lúa, đất nông nghiệp để thượng tôn pháp luật, đảm bảo sức khỏe và môi trường sống cho người dân trên địa bàn.
Sức khỏe & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Thứ nhất, xây nhà trên đất nông nghiệp cần phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau: "1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: (a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; (b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm; (c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; (d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; (đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; (e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; (g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. 2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng". Như vậy, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất thổ cư) cần phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, hành vi xây nhà trên đất nông nghiệp của gia đình anh (chị) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Như vậy, gia đình anh (chị) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể phải trịch trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Thứ hai, xây nhà trên đất nông nghiệp không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Điều 6 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép: "1. Chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng thì hình thức và mức xử phạt như sau: (a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; (b) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; (c) Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên. 2. Chuyển mục đích sử dụng sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì hình thức và mức xử phạt như sau: (a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; (b) Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; (c) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên. 3. Chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau: (a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; (b) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; (c) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: (a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; (b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này". Như vậy, theo quy định của pháp luật trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tức chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) thì tùy vào diện tích chuyển đổi sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP. Ngoài ra, có thể bị buộc phải khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm (tháo, dỡ, đập, phá…) nhà cửa. Thứ ba, người xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị xử phạt về việc xây dựng nhà ở mà không xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014. Thứ tư, xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở như sau: "1. Người nào chiếm dụng chỗ ở, xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.Nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu. 2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng". |