Chọn lối sống tối giản để sống khỏe hơn
SK&MT - Ngày càng nhiều gia đình trẻ ở các nước phát triển công nghiệp hóa chọn lối sống đơn giản nhất, giảm bớt sự lệ thuộc vào vật chất để có cuộc sống thành thản hơn và sống khỏe hơn.
Là người kiên trì theo chủ nghĩa sống tối giản đã nhiều năm nay, anh Numahata chỉ có một đôi quần dài, 4 chiếc áo sơ mi, 4 cái áo phông, 4 đôi tất và 5 bộ đồ lót.
Con gái nhỏ Ei, 4 tuổi, cũng chịu ảnh hưởng từ lối sống của người cha. Cô bé chỉ có hai bộ váy dành cho dịp đặc biệt và hai ngăn kéo nhỏ đựng quần áo mặc hàng ngày. Tất cả đồ chơi mà Ei có gói gọn trong một chiếc rổ, bao gồm một con búp bê, một hộp thiếc in hình nhân vật hoạt hình Minion, một cái yo-yo, một con quay và vài chiếc ôtô chạy cót.
Danshari, trong tiếng Nhật có nghĩa là tiến tới lối sống tối giản, bao gồm ba ký tự Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa). Phong cách sống Danshari bắt đầu trở nên phổ biến ở Nhật từ sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011 cướp đi hàng nghìn sinh mạng.
Theo thống kê, khoảng 30-50% thương vong trong các trận động đất xảy ra do đồ đạc rơi vỡ. Nếu sống trong các phòng ít đồ, mọi người sẽ bớt được nỗi lo này".
Không chỉ gia đình Naoki Numahata, mà nhiều giới trẻ ở Nhật cũng đang theo xu hướng này với mục đích giúp cuộc sống trở nên đơn giản, không mất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp và mua sắm đồ đạc. Một số khác nhận thấy sau khi rũ bỏ vật chất, những điều họ thật sự yêu thích và trân trọng trong cuộc đời sẽ thật sự trở nên rõ ràng. Chẳng hạn như họ sẽ gặp gỡ bạn bè nhiều hơn hoặc đi du lịch thường xuyên hơn thay vì lãng phí thời gian vào việc mua sắm liên miên và chất đầy nhà những thứ mình không thực sự cần.
Theo các chuyên gia, lối sống Danshari đơn giản, khiêm tốn và thân thiện với môi trường ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo phương Đông, nhất là Thiền định trong Phật giáo.
Thế hệ người Nhật sinh ra sau Thế chiến II thường có thói quen tích trữ đồ đạc trong nhà phòng khi cấp thiết. Thậm chí, có trường hợp cực đoan đến mức cất giữ 300 chiếc túi nylon mua sắm. Chính việc tích trữ vật chất chính là nguyên nhân khiến nhiều người Nhật không cảm thấy hạnh phúc và rũ bỏ những đồ vật hữu hình sẽ giúp họ thoát khỏi những ràng buộc vô hình.
Từ khi chọn cách sống tối giản, Numahata đi lại nhẹ nhàng hơn và từ tốn hơn. Gia đình anh đi chơi bên ngoài nhiều hơn. Con gái Ei cũng bắt đầu tập theo thói quen của cha mẹ. Dù mới 4 tuổi, cô bé đã biết tự dọn dẹp
Những người theo chủ nghĩa tối giản cho biết rũ bỏ vật chất giúp họ tập trung hơn vào gia đình, bạn bè, du lịch và trải nghiệm.
Không chỉ tại Nhật bản, mà tại Mỹ, xu hướng chọn lối sống tối giản cũng đang trở nên thịnh hành. Vào năm 2009, Joshua Fields Millburn, lúc đó mới 28 tuổi, đang quản lý 150 cửa hàng viễn thông rải rác khắp miền trung nam bang Ohio, Mỹ. Anh sở hữu một căn nhà với ba phòng ngủ và có tới 70 chiếc áo sơ-mi hàng hiệu mà chưa bao giờ mặc hết. Millburn được xã hội coi là một người thành đạt. Tiền bạc không phải là vấn đề đáng lo nghĩ. Thế nhưng vào tháng 11 năm đó, nhiều biến cố lớn trong đời liên tục ập đến với Millburn. Mẹ anh đột ngột qua đời. Hôn nhân tan vỡ. Thế giới của Millburn hoàn toàn đảo lộn.
Khi đang hoang mang và lạc lối, Millburn tình cờ quen Colin Wright, một người đã đi vòng quanh thế giới chỉ với một chiếc balô chứa 51 món đồ. Được truyền cảm hứng, Millburn quyết định tìm hiểu sâu hơn về những người theo chủ nghĩa tối giản.
Ban đầu, anh chỉ dám bỏ đi những thứ có giá trị nhỏ và mỗi tháng vứt đi một đồ vật. Sau đó, anh giải phóng tủ quần áo, cho bớt những chiếc áo sơ-mi hiệu Brooks Brothers có giá khoảng 100 USD. Tiếp đến là chồng băng đĩa DVD. Khi bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, anh nói lời tạm biệt với tất cả TV trong nhà, rồi bán bớt giầy dép, đồ bếp, đồ điện tử và cả tác phẩm nghệ thuật mà anh đã mất công sưu tập. Cuối cùng, Millburn dọn tới ở trong một căn nhà nhỏ hơn.
Còn Joshua Becker ở bang Arizona bắt đầu sống tối giản từ năm 2008 sau khi nhận ra rằng thời gian anh dọn dẹp và chăm sóc xe cộ còn nhiều hơn thời gian anh dành cho con trai nhỏ hai tuổi."Tất cả những thứ vật chất mà tôi có đều không khiến tôi hạnh phúc. Tệ hại hơn, chúng làm tôi xao lãng, quên đi những điều quan trọng nhất trong đời mình," Becker nói.
Becker thú nhận rằng hai vợ chồng anh bị ảnh hưởng bởi văn hóa tiêu dùng của người Mỹ, chạy đua với hàng xóm trong việc sắm sửa đồ đạc, cố gắng gây ấn tượng với người khác bằng nhà cửa, xe cộ và quần áo.
Thống kê cho thấy người Mỹ mua sắm ngày một nhiều. Vào năm 1930, trung bình một người phụ nữ chỉ sở hữu 36 món đồ quần áo. Ngày nay, con số đó đã lên tới 120 và đáng lưu ý là 80% trong số đó không bao giờ được mặc tới. Nhưng một bộ phận người Mỹ, đặc biệt là những người từ 18-34 tuổi chiếm hơn 1/4 dân số, đang chọn lối sống tối giản, đi ngược lại xu thế chung của những người nhiều tuổi hơn.
"Thế hệ Y, tức những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, quan tâm nhiều đến lối sống hơn là vật chất. Họ không thích mua sắm như thế hệ trước", chuyên gia bán lẻ Robin Lewis nhận xét.
Theo một khảo sát đăng trên Bloomberg, 78% những người thuộc thế hệ Y cho biết "sẵn sàng trả tiền cho những trải nghiệm, hơn tiêu vào việc mua sắm vật chất".
Linh Đức