Chuyện nghề của những bác sỹ hết lòng vì bệnh nhân
Tranh thủ những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, nhà báo Bích Ngọc – Trưởng Ban điện tử Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường, đại diện cho Toà soạn đến chúc mừng PGS-TS.BS Phạm Cẩm Phương tân Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Điều trị ung thư – Bệnh viện Bạch Mai; và không quên thăm hỏi, động viên và chia sẻ những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Dường như không khí ngoài kia chưa “chạm” đến trong này. Bởi sự hi sinh thầm lặng của các y, bác sỹ chỉ mong làm tốt công việc cứu người trị bệnh của mình, đúng như lương tâm của người thầy thuốc mà họ ấp ủ là tất cả vì con người và bệnh nhân thân yêu. Những chiếc giường bệnh vẫn kín bệnh nhân với máy móc quanh người, xung quanh họ vẫn có những y tá điều dưỡng theo dõi túc trực hàng giờ.
Nhà báo Bích Ngọc tặng hoa chúc mừng PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân & Điều trị Ung thư hoàn thành xuất sắc công việc trên cương vị mới
Tâm sự chuyện nghề, PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương tân Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Điều trị ung thư – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm Y học hạt nhân & Điều trị Ung thư – Bệnh viện Bạch Mai Là một trong bốn đơn vị hàng đầu của ngành Y Việt Nam về phát hiện và điều trị Ung thư tại Việt Nam. Trung tâm được chính thức thành lập vào năm 2003. Đến nay, sau 16 năm hình thành phát triển, trung tâm với gần 30 bác sỹ, chuyên gia, hơn 400 giường bệnh trực tiếp điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân bị ung thư trong đó có không ít trường hợp có hoàn cảnh phải điều trị căn bệnh này.
Dẫn chúng tôi thăm các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Trung tâm, BS Phương tâm sự những khó khăn, vất vả áp lực trong công việc: Trong khoa, bệnh nhân lúc nào cũng quá tải, có những ngày có quá nhiều ca cấp cứu, các y bác sỹ dường như cũng bị kiệt sức vì công việc. Nhưng các bác sỹ vẫn phải cố gắng gồng mình để động viên bệnh nhân vượt qua những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Mới bước vào cửa một phòng bệnh nằm ở cuối hành lang, chúng tôi thấy BS. Tiến Đồng đang thăm hỏi trò chuyện với một nữ bệnh nhân bị ung thư phổi vừa được tiến hành xạ trị xong. Chứng kiến cuộc trò chuyện giữa vị bác sỹ trẻ với nữ bệnh nhân của mình, chúng tôi thấy được sự quan tâm, chăm sóc và động viên bệnh nhân chu đáo, nhiệt tình của các bác sỹ ở đây.
Bác sỹ Tiến Đồng ân cầm thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị tại khoa.
Bác sỹ Đồng tâm sự: “Phần lớn các bệnh nhân đều bị sốc tâm lý khi biết mình mắc bệnh. Để đảm bảo hiệu quả, chúng tôi phải ổn định tâm lý cho bệnh nhân trước khi tiến hành hóa, xạ trị cho các bệnh nhân. Chỉ khi tâm lý ổn định, sức khỏe đảm bảo thì việc hóa trị mới đạt được hiệu quả cao nhất. Một trong những phương pháp giúp bệnh nhân lấy lại thăng bằng nhanh nhất là sự động viên chia sẻ từ các bệnh nhân đã vượt qua được cú sốc tâm lý để yên tâm điều trị.”
“Khi bố trí sắp xếp giường bệnh chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp để các bệnh nhân mới nằm cạnh những bệnh nhân cũ. Chính những câu chuyện đơn giản từ những người có chung hoàn cảnh giúp họ nhanh chóng vượt qua được cú sốc tâm lý”, BS. Đồng nói.
Nghe bác sỹ Đồng nói đến đây, cô Trần Thị Hải (trú tại phố Nhổn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) cho biết: “Lúc đầu khi biết tin mình bị ung thư phổi, dù đã được bác sỹ, người thân làm công tác tâm lý trước khi thông báo nhưng tôi cũng không tránh khỏi cú sốc tâm lý. Suốt mấy ngày liền, tôi rơi vào trạng thái lo lắng, mất ngủ, ăn không ngon. May nhờ có sự quan tâm, động viên của các bác sỹ, sự chia sẻ của các bệnh nhân nằm cùng phòng nên tôi đã vượt qua được cú sốc tâm lý, an tâm điều trị bệnh”.
Đến đây, chúng tôi hiểu được sự quan tâm của các bác sỹ, chuyên gia y học ở đây dành cho các bệnh nhân của mình. Khi chỉ cần hỏi qua, mọi người đã có thể đọc “vanh vách” thông tin của người bệnh quê ở đâu, hoàn cảnh gia đình như thế nào dù bản thân họ không phải là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân.
Không chỉ chăm lo cho bệnh nhân, bác sỹ Phương cùng tập thể các y bác sỹ ở đây còn hết sức lo lắng cho những người nhà bệnh nhân ở đây. “Chứng kiến họ nằm ngủ vạ vật dưới sàn phòng sinh hoạt chung, chúng tôi mong các nhà hảo tâm chung tay góp sức trang bị thêm cây xanh, ghế đá cho phòng sinh hoạt chung để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có chỗ nghỉ ngơi”, BS Phương nói.
Niềm vui của các y, bác sĩ khi bệnh nhân dần ổn định về tâm lý và sức khỏe.
Nghe những lời tâm sự, bộc bạch xuất phát từ tấm lòng của bác sỹ Phương, nhà báo Bích Ngọc bùi ngùi chia sẻ: “Chứng kiến sự quan tâm, chia sẻ của các y bác sỹ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Điều trị ung thư dành cho từng bệnh nhân ở đây, tôi cảm nhận được hết ý nghĩa của câu nói ‘thầy thuốc như mẹ hiền’ khi các bác sỹ ở đây chữa bệnh cho bệnh nhân không chỉ bằng tài năng, mà còn chữa bệnh bằng cả tấm lòng. Tôi mong các nhà hảo tâm chung tay góp sức để các bệnh nhân ở đây có thêm không gian nghỉ ngơi, dưỡng bệnh trong lành qua đó vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo mà họ chẳng may mắc phải”.
Nhật Tân