Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thị Mỹ Duyên: Tâm huyết góp sức vào chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam
PGS.TS Huỳnh Thị Mỹ Duyên. |
“Tôi nhớ hồi nhỏ, lúc còn học ở vùng quê Cờ Đỏ, cực lắm. Để tới trường phải cuốc bộ, rồi đi bằng xuồng, nhiều khi đến được trường là mình mẩy lấm lem. Khi lên cấp ba, hai chị em tôi được ba mẹ cho ra trung tâm TP Cần Thơ học ở những trường có điều kiện tốt hơn, sau đó lần lượt vào đại học, ra trường, tìm được việc làm cơ bản và có những bước trưởng thành tiếp theo…”, chị Duyên nhớ lại và cho biết.
Miệt mài, gần gũi với nông dân, với ruộng đồng…
Cách nay chưa lâu, một nhóm sinh viên DK47-Đại học Cần Thơ được Ban tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI chọn, trao giải Nhì với dự án “Muối thực vật SaCoHy - Vị mặn cho trái tim”. Nhiều người bất ngờ khi SaCoHy có thành phần chính được chiết xuất từ cây…ô rô-loài cây dại đặc trưng sinh sống khá phổ biến dọc theo kênh rạch ở miền Tây.
Là người hướng dẫn chuyên môn cho nhóm sinh viên này, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên cho biết, nguồn cảm hứng để bắt tay vào nghiên cứu cho ra sản phẩm “Vị mặn cho trái tim” bắt nguồn từ việc các em nhận thấy nhiều người bị mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không bỏ được thói quen… ăn mặn. “Sau khi được tôi phân tích, gợi ý, nhóm mong muốn tìm ra một loại muối phù hợp theo khuyến cáo của WHO, hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp mà không cần phải thay đổi thói quen. Đặc tính nổi trội của SaCoHy chính là hàm lượng natri, kali gần như cân bằng theo tỉ lệ 1:1, rất có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ dự phòng bệnh lý tăng huyết áp”, chị Duyên chia sẻ thêm.
PGS.TS Huỳnh Thị Mỹ Duyên trong giờ nghiên cứu khoa học với nhóm sinh viên DK48 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. |
Chính do xuất thân từ gia đình nông dân, nên trong nhiều đề tài nghiên cứu đã được công bố hoặc công nhận, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên chọn nhiều loại dược liệu gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt như: Linh chi, nghệ vàng, tiêu đen, gừng, trà xanh, dứa, mãng cầu xiêm, rau diếp cá, dầu cám gạo,... Riêng với hành tím - một đặc sản được đồng bào dân tộc Khmer trồng tập trung ở vùng đất vùng cát ven biển Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), chị Duyên cho biết đang cùng các cộng sự dồn sức để chuyển giao, sản xuất sản phẩm ra thị trường sau khi nghiên cứu thành công việc bào chế viên nang chứa cao chiết hành tím có tác dụng hỗ trợ chống oxy hóa, hạ đường huyết, giảm lipid,…
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, khi chọn hành tím để bào chế dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên cùng các cộng sự không chỉ góp phần khai thác thêm tiềm năng của đặc sản này mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giúp tăng giá trị kinh tế cho nông dân. Kết quả của đề tài cũng sẽ tạo thương hiệu đặc trưng mới cho địa phương.
Liên quan đến công việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên cho biết, đây là nội dung cốt lõi của hướng nghiên cứu 2 và là một trong 3 hướng nghiên cứu mà chị đã tập trung thời gian qua.
“Xu hướng dùng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu (khoảng 60% dân số thế giới). Trong đơn thuốc ngày hôm nay, nhiều bác sĩ lưu ý đến thành phần dược liệu thay thế cho thuốc hóa dược nhằm giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ và chi phí cho người bệnh. Ở nước ta, đồng bào các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng, sử dụng các loài cây, con để làm thuốc, với gần 1.300 bài thuốc dân gian chữa bệnh; nhiều bài thuốc rất có giá trị... Với vai trò là Trưởng Bộ môn Bào chế - Công nghiệp dược, Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Phó trưởng khoa Dược - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tôi đã xác định và dành nhiều tâm huyết vào 3 hướng nghiên cứu chủ yếu, trong đó có hướng nghiên cứu phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu…”, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên thông tin thêm.
Ăn mì gói, ngủ trong phòng thí nghiệm…
Lâu nay, không ít người cứ nghĩ các nhà khoa học đã thuận lợi hơn nhất là về điều kiện nghiên cứu khoa học. Thực tế không đúng như thế. Ngay trong môi trường mà PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên công tác, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu trang thiết bị và kinh phí để thực hiện các nghiên cứu mang tính chuyên sâu, có giá trị khoa học cao.
PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên kể: “Nhiều trang thiết bị này gần như không có hoặc phải thuê mướn đắt đỏ, khó chủ động thời gian trong thiết kế thí nghiệm, chưa kể nhiều loại hóa chất phải nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc cân bằng thời gian giữa việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và… gia đình cũng là một thách thức lớn nhất là đối với giảng viên nữ. Có nhiều nghiên cứu phải thực hiện liên tục trong 24 giờ, bị thất bại phải làm đi, làm lại nhiều lần nên tôi cũng thường xuyên ăn vội mì tôm, ngủ lại đêm trong phòng thí nghiệm”.
PGS.TS Huỳnh Thị Mỹ Duyên cùng công nhận của Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Dược học. |
Khó khăn là thế, nhưng thật đáng trân trọng, suốt 20 năm qua, chị vẫn say nghề, yêu việc. Nhìn vào thành tích gần đây (liên tục 6 năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở, được nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, nhiều đơn vị, địa phương,…), cũng đã phần nào hình dung sự nỗ lực liên tục của chị.
Trở lại với câu chuyện miệt mài nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên cho biết, trong 3 hướng nghiên cứu thì hướng nghiên cứu 1 (nghiên cứu phát triển các dạng bào chế hiện đại, các dạng bào chế kỹ thuật cao và đánh giá sinh khả dụng của các dạng bào chế) là phần việc mà bản thân minhg dồn sức, dành nhiều tâm huyết nhất thời gian qua.
PGS.TS Huỳnh Thị Mỹ Duyên và niềm vui với gia đình trong ngày được Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận Tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư ngành Dược học. |
Theo chị, nhiều lúc chị quên ăn, quên ngủ vì hướng nghiên cứu này. Thị trường thuốc Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh (bình quân trên 17%/năm). Ngành Dược mang tiềm năng là một ngành kinh tế năng động, phát triển, kỳ vọng đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước. Theo chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2030 thì 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, đảm bảo an ninh thuốc,… Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường;...
“Xuất phát từ yêu cầu bức bách như thế, tôi nghĩ rằng, việc tập trung nghiên cứu phát triển các dạng bào chế hiện đại, các dạng bào chế kỹ thuật cao và đánh giá sinh khả dụng của các dạng bào chế đang thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa chiến lược vừa nêu”, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên bộc bạch.
Bên cạnh công việc nghiên cứu khoa học, PGS.TS Huỳnh Thị Mỹ Duyên còn hoàn thành xuất sắc vai trò của người cán bộ quản lý, tham gia công tác giảng dạy, đào tạo. Môn học, chuyên đề sở trường của chị tham gia giảng dạy thời gian qua, bao gồm: Bào chế và công nghệ dược I; bào chế và công nghệ dược II; một số dạng thuốc đặc biệt; định hướng cơ bản chuyên ngành sản xuất và phát triển thuốc; sinh dược học; sở hữu trí tuệ trong ngành dược; nghiên cứu tiền công thức; quản lý chất lượng trong sản xuất thuốc; tá dược và chất phụ gia trong dước phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; mỹ phẩm, dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Chị đã tham gia giảng dạy 4 học phần Đại học và nhiều học phần sau Đại học của nhiều chuyên ngành thuộc khối ngành dược; từ năm 2018-2023, đã tham gia đào tạo gần 1.000 sinh viên hệ Đại học và khoảng 300 học viên sau Đại học. (Lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) |
Với hướng nghiên cứu còn lại (hướng nghiên cứu 3), dẫn ước tính của WHO, chị cho biết, hiện có hơn một nửa thuốc được kê toa, phân phối, bán hay sử dụng chưa hợp lý. Dữ liệu từ các nước có thu nhập thấp và trung bình cho thấy 2,5-18,4% các trường hợp nhập viện có liên quan đến biến cố không mong muốn và 30% trong số đó gây ra tử vong cho bệnh nhân. Hơn nữa, việc ra đời của nhiều thuốc mới cả về hoạt chất và dạng bào chế đã gây không ít lúng túng cho nhân viên y tế và bệnh nhân khi sử dụng. Chính từ thực trạng này, với tư cách là Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, chị triển khai hướng nghiên cứu sử dụng thuốc hợp lý trong điều trị với mục tiêu đánh giá thực trạng cung ứng, quản lý, sử dụng thuốc an toàn, đồng thời xác định các yếu tố có liên quan; từ đó đề xuất các giải pháp can thiệp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Đến nay, đi liền với 3 hướng nghiên cứu vừa kể, chị cùng các cộng sự đã hoàn thành và công bố 46 bài báo khoa học, trong đó có 14 công bố quốc tế liên quan. Chị cũng đã và đang hướng dẫn nhiều học viên cao học và chuyên khoa 2 bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ/chuyên khoa 2. Chị đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên, trong đó đang là chủ nhiệm thực hiện 2 đề tài cấp tỉnh; đã xuất bản 6 sách tại Nhà xuất bản Y học...
PGS.TS Huỳnh Thị Mỹ Duyên (thứ ba từ trái sang) trong niềm vui ngày nhóm sinh viên DK47 Đại học Cần Thơ được Ban tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI chọn, trao giải Nhì với dự án “Muối thực vật SaCoHy - Vị mặn cho trái tim”. |
“Tâm huyết mong muốn góp sức mình vào chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam, hướng nghiên cứu trọng tâm của tôi trong tương lai gần là kết hợp giữa công nghệ và thiết kế công thức nhằm tạo ra sản phẩm có sinh khả dụng tốt nhất”, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên chia sẻ.
Trở lại niềm vui khi ngày 19/11/2024 vừa qua, chị được Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư ngành Dược học. Chị kể, nhiều bà con, cô bác gọi điện, nhắn tin chúc mừng rằng Cờ Đỏ tự hào khi có những người con chịu khó và trưởng thành như chị.
Từng đến vùng quê từng đứng đầu danh sách nghèo nhất, nhì của miền Tây Nam Bộ, tiếp xúc với nhiều gia đình nghèo đến mức khi chiếc xe đạp tặng học sinh thì nó trở thành tài sản giá trị nhất trong nhà, nên tôi cảm nhận được điều mà bà con chúc mừng PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên. Nhưng với chị Duyên thì lại nghĩ rằng trong con tim mình luôn thường trực niềm tự hào về vùng quê Cờ Đỏ giàu truyền thống cách mạng.
“Được sinh ra ở vùng quê rất nghèo khó nên tôi cũng như nhiều người con của Cờ Đỏ mặc nhiên có thêm nghị lực, có thêm bản lĩnh để từ đó tự thấy rằng mình phải luôn gắng sức, vươn lên; luôn tự hào khi nhắc về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cảm thấy luôn rất biết ơn ba mẹ mình cùng tất cả những người thân, đồng nghiệp, các cộng sự,… và đặc biệt là quê hương mình. Trong hành trình tiếp bước phía trước, tôi nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu để xứng đáng hơn nữa với niềm tin yêu của mọi người”, PGS.TS. Huỳnh Thị Mỹ Duyên xúc động bộc bạch.
Ông Huỳnh Văn Hoàng (cha ruột của PGS. TS Huỳnh Thị Mỹ Duyên) “Như nhiều bậc cha mẹ khác, khi con cái đỗ đạt, thành tài thì gia đình tôi rất vui mừng. Xuất thân là gia đình nghèo, nhưng con chúng tôi đã nỗ lực, vượt khó, phấn đấu học tập. Gia đình chúng tôi đặc biệt tự hào khi những nỗ lực của con mình đã và đang góp công sức, tri thức cùng với giới nghiên cứu khoa học nói chung, ngành Y tế nói riêng để dần hiện thực hoá những mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển ngành dược nước nhà. Thay mặt gia đình, tôi xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, tích cực đồng hành của tất cả quý lãnh đạo, những anh em đồng nghiệp, cộng sự,… Đây sẽ là động lực to lớn để Mỹ Duyên tiếp tục đóng góp nhiều hơn công sức, trí tuệ để nữa trong để ngành dược nước nhà ngày càng phát triển”. |