Cô giáo của lớp học chuyên biệt
Trong giờ các trẻ nghỉ trưa, cô giáo Hồng tranh thủ kiểm tra sổ ghi danh của lớp.
Người mẹ thứ hai của đàn con thơ
Khoảng những năm 1990, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đang gặp nhiều khó khăn, số người theo nghề giáo viên mầm non chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nhiều người bỏ ngang nghề vì đồng lương chỉ đủ ăn. Nhưng với tình yêu trẻ luôn rực cháy trong trái tim người giáo viên nhân dân nên cô Hồng quyết tâm theo đuổi nghề. Trong cuộc đời ươm mầm tương lai, cô Nguyễn Thị Hồng đã giúp cho bao em bé khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não.
Năm 2018, khi cô Đàm Thị Thái Ngọc về làm hiệu trưởng, những mong ước của cô Hồng được hiện thực hóa. Nhà trường bắt đầu xây dựng lớp học chuyên biệt và cử các cô đi học lớp “chứng chỉ giáo dục chuyên biệt” theo nguyện vọng mỗi người. Với tiêu chí mà nhà trường đặt ra, dành cho các cô giáo dạy lớp chuyên biệt “lấy trẻ làm trung tâm, có tâm huyết với nghề và luôn đặt mục đích mong muốn giúp trẻ thích tới trường” cô Hồng không đắn đo mà mạnh dạn xung phong đi đầu.
Mỗi một đứa trẻ chuyên biệt sẽ có một thế giới nội tâm riêng, muốn chúng mở cửa tâm hồn cho ta bước vào ngôi nhà nhỏ, cần phải nhẫn nại, tiêu tốn thời gian và tâm sức, tới khi cảm thấy an toàn, tin tưởng chúng dần dần đón nhận. Có những ngày trái gió trở trời, chân cô Hồng tê cứng phải nhờ đồng nghiêm tiêm thuốc để giảm đau. Ấy vậy mà, chỉ cần hai tiếng bi bô “mẹ ơi” của các bé thơ như liều thuốc kì diệu khiến mọi mệt mỏi tan biến.
“Trong bối cảnh trẻ chuyên biệt ngày càng có chiều hướng tăng lên mà khoa học chưa hoàn toàn tìm ra căn nguyên xác thực để loại bỏ nó. Chẳng ai sinh ra lại mong muốn mình như vậy, tội chúng lắm nên tôi quyết định chọn thấu hiểu, yêu thương, cùng đồng hành là phương pháp quý giá nhất”, cô Hồng tâm sự.
Tiết học chung thường ngày của lớp. Dưới sự chỉ dẫn tận tình của cô Hồng, các bạn trong lớp luôn biết yêu thương, nhường nhịn và giúp đỡ những bạn kém may mắn hơn mình.
Dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy trẻ chuyên biệt vất vả hơn nhiều lần, từ những động tác cầm nắm, giao tiếp mắt đơn giản đến những bài tập nhận biết màu sắc, con vật hay những sự việc xảy ra trong ngôi nhà em, dạy em tập gọi cô, gọi mẹ… đều rất kỳ công. Để việc giảng dạy có hiệu quả, thay vì cố bắt trẻ theo một giáo án cố định đã chuẩn bị sẵn thì cô Hồng và các giáo viên phải linh loạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ.
Anh Lê Văn Huy, phụ huynh chia sẻ: Từ ngày con đi học, tôi thấy con ngày một tiến bộ rõ rệt, tuy chưa nói được nhiều nhưng con cởi mở giao tiếp với mọi người hơn. Có một hôm tôi đưa con đi học muộn, tôi được chứng kiến thấy cô Hồng vừa lấy sữa cho các con vừa ân cần nói “các em uống sữa cho mau cao lớn nhé. Tôi thấy hạnh phúc và xúc động vô cùng.
Trở về ngôi nhà thân thương, cô Hồng làm tròn bổn phận dâu hiền vợ thảo và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu.
Tham gia hoạt động thiện nguyện
Hiệu trưởng Đàm Thị Thái Ngọc kể: Ấn tượng của tôi về cô giáo Hồng là sự say mê và lòng nhiệt huyết trong mọi công việc. Cô không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn là Chủ tịch công đoàn luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Và là chị cả trong trường nên cô Hồng hay quan tâm, chia sẻ tới từng hoàn cảnh nhân viên nên cô luôn được mọi người mến mộ, tín nhiệm”.
Nhiều năm liền cô giáo Nguyễn Thị Hồng luôn tham gia dự thi và đạt được nhiều danh hiệu
Ngoài công việc dạy ở trường học và chăm lo cuộc sống gia đình, cô Nguyễn Thị Hồng còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội cùng nhóm Thiện nguyện Triều Khúc “nấu cơm nấu cháo” mang vào bệnh viện K - chuyên điều trị các căn bệnh ung thư. Với cô giáo, con đường phía trước còn rộng dài, được giúp đời giúp người, làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa là tâm nguyện tô điểm thêm câu chuyện cuộc đời riêng mình.
Không thể nói hết những cống hiến của cô Nguyễn Thị Hồng cho trường và các hoạt động thiện nguyện, nhưng chúng tôi cảm nhận được trái tim người phụ nữ nhân hậu “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Cô chính là tấm gương tiêu biểu đại diện cho toàn thể phụ nữ Việt Nam hiện nay.
THÚY QUỲNH
.