Lựa chọn giống lúa trong sản xuất nông nghiệp : Đừng để “tiền mất, tật mang”
Mới đây, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm – cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã gửi đơn đến các cơ quan báo chí truyền thông đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật đối với việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng phải tuân thủ theo đúng các điều khoản đã được quy định trong Luật Trồng trọt 2018.
Cùng với đó Viện cũng gửi công văn khẩn cấp đến cho các khách hàng và đối tác là các công ty, đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cây trồng - để khẳng định về việc giống lúa thuần U17 do Viện cây lương thực và Cây thực phẩm nghiên cứu và đã được Bộ NN & PTNT công nhận là giống chính thức từ năm 1988 (theo Quyết định số 562/NN/QĐ ngày 12/9/1988 của Bộ NN& PTNT) hiện Viện chưa ký ủy quyền về việc sản xuất kinh doanh giống lúa này cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào trong và ngoài nước.
Công văn của Viện gửi đến quý đối tác và khác hàng
Sở dĩ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phải có động thái này trước hết là bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi giá trị thương hiệu của Viện (nói chung) và giống lúa U17 (nói riêng) do Viện lai tạo và là chủ sở hữu bản quyền tác giả hiện nay đang bị xâm hại nghiêm trọng. Hơn nữa, đây cũng là một tín hiệu cảnh báo trong việc mua bán tiêu thụ các sản phẩm giống cây trồng bất hợp pháp tại một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng.
Được biết, giống lúa U17 là giống lúa thuần do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo từ tổ hợp lai: IR5 x [(IR8 x 813) x (IR1529 – 640 – 3 – 2)]. Giống lúa này đã được Bộ NN& PTNT công nhận từ năm 1988. U17 là giống lúa cảm ôn nên gieo cấy được cả 2 vụ trong năm. Tuy nhiên giống lúa này thích hợp với gieo cấy trong vụ mùa với năng suất trung bình 45 – 50 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 60 – 70 tạ/ha. Chất lượng: tỷ lệ gạo cao 65 – 68%, tỷ lệ bạc bụng trung bình, cơm ngon trung bình. Giống lúa này có khả năng chống chịu: kháng bạc lá, nhiễm khô vằn. Cứng cây, chống đổ tốt. Giai đoạn từ mạ đến trước khi lúa đứng cái có thể chịu ngập lụt từ 5 – 7 ngày. Đặc biệt phù hợp với vùng trũng, thường bị ngập úng, khó tiêu nước.
Hiện nay giống lúa U17 đang được Viện lưu hành kinh doanh theo Quyết định số 458/ QĐ/ TT – CLT ngày 22/12/2022. Theo Quyết định này, việc sản xuất và kinh doanh giống lúa U17 được tiếp tục kéo dài đến ngày 31/12/2023.
Mẫu mã bao bì đóng gói giống lúa U17 chính hiệu của Viện
Điều đáng nói là mặc dù Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chưa hề ký bất cứ một quyết định uỷ quyền nào về việc sản xuất và kinh doanh giống lúa U17 cho bất cứ một tổ chức hoặc cá nhân nào khác trong và ngoài nước, tuy nhiên theo số liệu khảo sát của Viện thì hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều địa điểm bán giống lúa này.
Bao bì đóng gói sản phẩm gióng lúa U17 không phải do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cung cấp trên thị trường hiện nay
Nói về việc vi phạm bản quyền, đại diện của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tỏ ra rất bức xúc trước việc một số đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng ngang nhiên bày bán sản phẩm lúa giống U17 một cách bất hợp pháp do Viện là tác giả bản quyền. Theo vị đại diện này, việc kinh doanh buôn bán sản phẩm lúa giống U17 khi chưa được sự ủy quyền của đơn vị chính thức là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Trồng trọt 2018.
Cụ thể, tại khoản 1, điều 22, mục Sản xuất và Buôn bán giống cây trồng của Luật Trồng trọt quy định :
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
Như vậy có thể nói việc các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng buôn bán, tiêu thụ sản phẩm khi chưa được sự ủy quyền của chủ thể là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được pháp luật công nhận.
Thực tế, trên thị trường ở một vài cơ sở kinh doanh giống cây trồng cho thấy việc phản ảnh của Viện về hiện tượng vi phạm bản quyền là có cơ sở.
Để tránh những thiệt hại không đáng có cho người nông dân và bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh những hành vi kinh doanh giống cây trồng bất hợp pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đơn vị, đồng thời giúp cho bà con nông dân nhận biết rõ quyền và lợi ích của mình khi khi mua các loại giống cây trồng được pháp luật bảo hộ để tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng khiến cho việc sản xuất kinh doanh không đạt hiệu quả dẫn tới việc “tiền mất, tật mang”.
Minh Anh
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm được thành lập năm 1968 theo Nghị định số 24/CP ngày 09/02/1968 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Viện được tổ chức lại theo Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trên cơ sở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm và một số đơn vị của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. |