Chuyện về cây bụt mọc ở vườn Bác tại Nam Cầu Kiền
(SK&MT) -
1
Trong cuốn sách “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã viết về Cây Bụt mọc: Những lần đến thăm nhà sàn và ao cá Bác Hồ, nếu không được giới thiệu, chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên trước những rẽ cây lạ trồi cao khỏi mặt đất, tựa như những pho tượng Phật bằng gỗ mộc, kích thước to, nhỏ, cao thấp đa dạng, lô nhô xếp liền nhau quanh sườn bờ ao bên trái ngôi nhà sàn và gần chiếc cầu nhỏ uốn cong bắc qua ao cá, tạo ra một sự kỳ thú của cảnh quan tự nhiên.
Vì tất cả bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất có hình tựa như hình ông bụt đứng dầm chân, soi gương bóng nước nên Bác Hồ đã đặt tên loài cây này là cây bụt mọc.
Sát bên đầu phía nam chiếc cầu nhỏ bắc qua ao cá cũng có một cây bụt mọc. Vào đầu năm 1965, anh em phục vụ phát hiện ra cây bụt mọc này bị mối xông đã hỏng đến quá nửa thân, sợ cây đổ bất ngờ gây nguy hiểm vì nó mọc ngay cạnh con đường nhỏ quanh ao cá mà hàng ngày Bác và mọi người thường qua lại, các đồng chí trong cơ quan quyết định chặt bỏ cây. Khi biết được ý định đó, Bác đã nói: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ dàng thôi nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách chữa cho cái cây bị mối xông đi đã”. Rồi Bác chỉ cho anh em một kinh nghiệm chữa cây bị mối xông như sau: Trước hết, cạo sạch phần thân cây bị mối xông, sau đó dùng vôi, rơm nhồi vào trong và cuối cùng dùng xi măng trát phía ngoài thân cây. Bác phân tích: Vôi có tác dụng chống mối và côn trùng xâm nhập; rơm tạo thành lớp mùn giúp cây phát triển bình thường; xi măng ngăn không cho nước ngấm vào thân cây thêm mục nát, đồng thời giữ cho thân cây cứng cáp. Anh em đã làm theo lời Bác và sau một thời gian, cây bụt mọc đã sống lại, không bị mối xông, phát triển tốt.
Hàng cây bụt mọc quanh ao cá Bác Hồ.
Chuyện về việc chữa cây bụt mọc qua đi tưởng như chỉ đơn giản có thế, nhưng sau này, trong buổi nói chuyện tại một Hội nghị Cán bộ quản lý, Bác Hồ đã kể lại câu chuyện chữa cây bụt mọc để nhắc nhở chung mọi người làm việc gì cũng phải suy xét cho kỹ, tìm phương pháp tối ưu để đạt kết quả tốt nhất, và Người kết luận rằng: “Việc quản lý, giáo dục, xem xét cán bộ cũng phải như vậy - đừng thấy cán bộ phạm khuyết điểm đã vội vã kết luận ngay và thi hành kỷ luật mà không cần suy xét gì. Đó là thói quan liêu. Trách nhiệm của người cán bộ quản lý là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ phạm khuyết điểm. Như vậy cán bộ mới trưởng thành, cán bộ quản lý mới làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo”.
Cây bụt mọc mang ý nghĩa đặc biệt trên đã bị đổ do cơn bão số 3, tháng 7 năm 1977, nay chỉ còn lại phần gốc cao tới 2 mét như bằng chứng của một kinh nghiệm quý báu mà Bác đã để lại cho chúng ta và một bài học mang giá trị thực tiễn lớn lao cho những người làm cán bộ quản lý.
2
Điều kỳ lạ là Cây Bụt mọc ở vườn Bác lại được trao truyền cho một doanh nhân, một hiệp sĩ môi trường ở Việt Nam để trồng tại Khu Công Nghiệp xanh Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng như một nhân duyên kỳ lạ. Đợt đó, sau khi được vào dâng hương tại ban thờ Bác ở nhà H67 và được thăm quan vườn cây của Bác tại khu di tích này, đứng giữa không gian thoáng đạt, ắp đầy màu xanh của cây cỏ hoa lá, doanh nhân Phạm Hồng Điệp cứ nhìn hàng cây Bụt mọc ở bên ao cá của Bác với những suy nghĩ về sức vươn, vượt qua mưa gió để tồn tại cây bụt mọc này. Anh đã bày tỏ mong ước được chiết giống cây Bụt mọc mang về Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền – nơi anh là Chủ tịch HĐQT với mong muốn xây dựng Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền là Khu Công Nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững, đó cũng là khát vọng cháy bỏng của anh và bao người mong muốn xây dựng Khu Công Nghiệp từ những bùn lầy thành một công viên xanh, một Khu Công Nghiệp sạch, trong lành. Phạm Hồng Điệp đã bày tỏ niềm mong ước đó với ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi nghe mong ước của Phạm Hồng Điệp, Giám đốc Nguyễn Văn Công đã đồng ý trao một cây Bụt mọc cho Phạm Hồng Điệp về trồng tại Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
trao tặng cho doanh nhân Phạm Hồng Điệp (bên trái) cây Bụt mọc trong vườn Bác.
Ngày 17/5/2017 tại Khu di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu di tích đã trân trọng trao cho doanh nhân Phạm Hồng Điệp cây Bụt mọc đầy ý nghĩa lịch sử nhưng cũng như một lời dặn dò với doanh nhân Phạm Hồng Điệp và những người ở Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền về sự giữ gìn và phát huy việc bảo vệ môi trường đồng thời thực hiện tốt lời Bác dậy “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Ông Nguyễn Văn Công nói thêm “Cây Bụt mọc trong vườn Bác trồng ở đất khác rất khó trồng nên đồng chí cần chăm sóc cẩn thận để cây sống và tỏa bóng mát”.
3
Thế là đã hơn ba năm, hôm nay khi cả nước đang long trọng kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác, cây bụt mọc được trồng ở Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền đang lớn lên từng ngày cùng những búp nụ, chồi non hứa hẹn sự lớn dậy và tỏa bóng.
Cây bụt mọc được trồng ở Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền.
Doanh nhân Phạm Hồng Điệp tâm sự: Mỗi lần được về ngắm nhìn cây bụt mọc đang lớn lên từng ngày, tôi cũng như bao người luôn nhắc nhớ những điều Bác dạy về xây dựng môi trường trồng cây, đảm bảo được môi trường sống trong lành cho mỗi người ở đây. Hơn nữa, cũng như tôi cũng đã từng tham luận tại hội thảo “60 năm Bác Hồ phát động tết trồng cây” là: Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy đó là cốt lõi trong việc phát triển kinh tế. Với quan điểm doanh nghiệp, doanh nhân làm giàu không phải vì cá nhân họ, vì một doanh nghiệp hơn đó đơn lẻ mà còn vì mục đích cao cả hơn đó là lòng tự tôn dân tộc. Mỗi doanh nhân Việt Nam xây dựng được doanh nghiệp thân thiện môi trường theo đúng nghĩa thì cả Việt Nam sẽ tươi đẹp theo đúng nghĩa. Tại Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền, chúng tôi coi việc trồng cây như gieo hạt giống, đặt nền móng cho sự phát triển. Chính vì thế tôi mong muốn được cùng cộng đồng chung sức chung lòng tiếp tục trồng cây, gây rừng mang lại những màu xanh thiết thực, hữu ích cho nước ta ngày càng xanh, sạch, phát triển bền vững. Và mỗi lần được đứng chăm sóc cây Bụt mọc ở Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền hôm nay tôi nhớ tới và thấm thía câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa./ Như đỉnh non cao tự giấu hình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh /Bác mong con cháu mau khôn lớn /Nối gót ông cha, bước kịp mình”. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác, tôi luôn luôn tự hứa với mình sẽ thực hiện tốt những lời dạy của Bác góp phần nhỏ bé của mình xây dựng Khu Công Nghiệp Nam Cầu Kiền phát triển ngày càng xanh, sạch và cùng mọi người tiếp tục mang những màu xanh cho thành phố cảng thân yêu để hòa cùng với màu xanh bất tận của đất nước hôm này và ngày mai.
AN PHONG