Con người ngày càng sống thọ hơn
(SK&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo cho biết, tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn cầu đã tăng thêm 5 năm trong thời gian từ 2000 đến 2015, đạt mức 71,4 tuổi. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ thập niên 1960 đến nay.
Theo số liệu mới công bố, mức tăng tuổi thọ lớn nhất kể từ năm 2000 đã diễn ra ở khu vực Châu Phi. Tuổi thọ của người dân nơi đây đã tăng ở mức 9,4 năm lên đến 60 tuổi, chủ yếu là nhờ những cải thiện về tình trạng trẻ em sống sót, những tiến bộ trong việc kiểm soát bệnh sốt rét và sự mở rộng tiếp cận với liệu pháp chống virus HIV.
Báo cáo trên cũng cho biết, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản cao nhất thế giới với 86,8 tuổi. Trong khi đó nam giới tại Thụy Sĩ lại là người sống thọ nhất so với nam giới các nước, ở mức 81,3 tuổi. Ở phía ngược lại, phụ nữ và nam giới ở Sierra Leone là người có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới. Tuổi thọ của nam giới tại đây là 49,3 tuổi, phụ nữ là 50,8 tuổi.
Thống kê của WHO cho thấy Thụy Sĩ, Iceland, Australia, Thụy Điển và Israel là 5 quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất, trong khi Chad, Cote d’Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Angola, và Sierra Leone bị xếp hạng thấp nhất.
Theo CNN, 1/4 dân số hiện tại Nhật bản đã trên 64 tuổi và Okinawa là nơi có nhiều cụ già 100 tuổi nhất địa cầu. Một phần là do chế độ ăn uống truyền thống của họ", John Beard, chuyên gia từ WHO cho biết. Chế độ ăn này bao gồm nhiều cá, rau; ít thịt và chất béo bão hòa. Thói quen chăm vận động cùng hệ thống y tế giúp sớm phát hiện các chứng bệnh như cao huyết áp cũng tăng cường đáng kể tuổi thọ cho người dân xứ mặt trời mọc. Hơn nữa, Nhật Bản ít tồn tại bất bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp đều được hưởng lợi từ các dịch vụ. Sarah Harper, giáo sư tại Đại học Oxfor nhận định người Nhật còn chú trọng việc xây dựng gia đình và các hoạt động văn hóa xã hội giúp xả stress.
Trong khi đó, hơn một nửa dân số châu Âu có thể sống đến ngoài 80 tuổi nhờ vào chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải bao gồm một chút rượu vang, rau tươi, dầu ô liu và hạn chế thịt đỏ, chất béo bão hòa. Một nghiên cứu gần đây cho thấy ăn theo kiểu Địa Trung Hải giúp cải thiện cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Singapore, Monaco, Andorra, Australia, Canada, Luxembourg, New Zealand và Thuỵ Sĩ đều nằm trong danh sách thọ nhất thế giới. Đi đôi với nền kinh tế lớn mạnh là hệ thống y tế vững chắc. Tình trạng phân biệt tầng lớp được hạn chế khiến hầu hết người dân đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Nhiều căn bệnh được phát hiện và khám chữa sớm, trước khi trở nên nghiêm trọng.
Bằng cách tiếp cận hoàn toàn mới, nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi giáo sư Stuart Kim tại Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học - di truyền thuộc Đại học Standford (Mỹ) đã phát hiện ra mối liên hệ giữa 4 gene quy định tuổi thọ rất dài. 4 gene đó là: ABO Quy định nhóm máu; CDKN2B giúp điều chỉnh vòng đời của mạng tế bào; SH2B3 đã được chứng minh là giúp kéo dài vòng đời của ruồi giấm và APOE, một trong số HLA gene, có liên quan tới quá trình hệ miễn dịch nhận biết các tế bào trong cơ thể.
Nhóm nghiên cứu tìm kiếm những gene có liên quan tới việc sống thọ trong nhóm 800 người có độ tuổi trên 100 và 5400 người từ 90 tuổi trở lên. Họ phát hiện ra 8 gene có liên quan tới tuổi thọ dài và cuối cùng, xác định ra 4 gen để theo dõi phân tích trong số 1000 người. Cụ thể, tỷ lệ xuất hiện đột biến của 4 gene là ABO, CDKN2B, APOE và SH2B3 ở những người trên 100 tuổi là cao hơn so với người có tuổi thọ bình thường (người trưởng thành ở Mỹ có tuổi thọ trung bình là khoảng 79 năm theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ).
Nghiên cứu đã phát hiện rằng đột biến của gene có liên quan tới nhóm máu O xuất hiện phổ biến ở những người trên 100 tuổi trong nghiên cứu và điều đó có nghĩa là người trên 100 tuổi sẽ có tỷ lệ sở hữu nhóm máu O cao hơn người bình thường. Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng những người có nhóm máu O sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư, có mức cholesterol thấp hơn so với người có nhóm máu khác.
Một dạng biến thể di truyền khác trong gene CDKN2B vốn quy định quá trình tế bào phân chia hoặc ngừng phân chia cũng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu lần này. Do việc ngừng phân bào sẽ góp phần tạo nên sự lão hóa và nếu như gene này được đột biến để giảm các tế bào lão hóa, tiếp tục phân chia thì sự lão hóa tổng thể của người sẽ chậm hơn, từ đó người ta sẽ sống thọ hơn.
Linh Đức