Cuộc chuyển mình và xây dựng thương hiệu y tế
Xu thế và hiệu quả
Trong xu thế hội nhập hiện nay, khoa học và công nghệ (KH&CN) là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình, là yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển đất nước, là chìa khóa cho việc hội nhập thành công, cho việc rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa để bắt kịp với các quốc gia khác trên thế giới.
TS.BS. Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Hiện nay gần như toàn bộ các bệnh viện đã bước đầu triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh (PACS); 99,5% số bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan giám định và thanh toán BHYT, phục vụ giám định khám, chữa bệnh BHYT điện tử.
Bộ Y tế đã triển khai thành công, có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đã có hơn 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý.
Ảnh minh họa.
Những thách thức tồn đọng
Ứng dụng công nghệ 4.0 đem lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế mà ngành y học cần phải vượt qua. Cụ thể:
Thách thức về cơ sở hạ tầng: Với nguồn dữ liệu vô cùng lớn tập hợp từ nhiều nguồn đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải đủ mạnh để có thể lưu trữ, sắp xếp các dữ liệu khoa học. Đây cũng là vấn đề dẫn đến việc trao đổi dữ liệu giữa đồng nghiệp, giữa các bệnh viện, hay giữa thầy thuốc và bệnh nhân trở nên khó khăn.
Thách thức về đào tạo và phát triển kỹ năng: Công nghệ ngày càng tiên tiến và luôn thay đổi, khiến các bác sĩ, kỹ thuật viên nhiều tuổi, giàu kinh nghiệm nhưng chưa được đào tạo bài bản, chưa thành thạo về công nghệ, gặp khó khăn trong chuyên môn. Trong khi đó đội ngũ các bác sĩ được đào tạo lại thiếu kinh nghiệm.
Thách thức về an ninh, an toàn mạng: Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành y tế khi phải đối mặt với những tin tặc lấy cắp dữ liệu.
Trước thực tế đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, đồng thời cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, để vượt qua những khó khăn trên và tiến tới một nền y học hiện đại.
Phẫu thuật phổi bằng robot tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh.
Bước tiến dài vì sự nghiệp sức khỏe toàn dân
Theo PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, trong thời gian tới, công tác phát triển công nghệ y tế, hình thành hệ thống y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Bộ Y tế sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ trong bệnh viện; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, các tài liệu chuyên môn về y tế điện tử nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và thúc đẩy ứng dụng công nghệ ngành y tế; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện; triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử…
Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, phát triển KH&CN cùng với sự phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực phát triển đất nước. Y tế với nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc sức khỏe con người, động lực chính của sự phát triển, vì vậy phát triển KH&CN trong y tế là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn tới.
THIÊN HIẾU