Đã có 24 nước phê chuẩn thỏa thuận về khí hậu toàn cầu
(SK&MT) - Thông tin đáng chú ý về môi trường trên toàn thế giới vào đầu tháng 9 vừa qua là Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng hàng đầu trên thế giới, đồng thuận phê chuẩn thỏa thuận Paris mà 180 quốc gia ký vào cuối năm ngoái về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng cho rằng Trung Quốc nghiêm túc cam kết thực thi thỏa thuận sau khi quốc hội nước này phê chuẩn thỏa thuận Paris cũng trong ngày 3/9.
Hai vị nguyên thủ Mỹ- Trung còn cam kết trong năm nay sẽ hợp tác với nhau trong hai thỏa thuận về môi trường khác nữa. Đó là sửa đổi cho Nghị định thư Montreal đi đến giảm những chất làm lạnh trong điều hòa và biện pháp thị trường giảm phát thải khí carbon trong ngành hàng không. Chỉ riêng hai cường quốc Mỹ, Trung đã chiếm đến chừng 38% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Theo thỏa thuận Paris, Trung Quốc cam kết đến năm 2030 cắt giảm khí thải làm trái đất ấm nóng lên từ 60 đến 65% theo mỗi đơn vị GDP so với mức của năm 2005. Bắc Kinh cũng cam kết tăng thêm nguồn năng lượng phi hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng chính yếu chừng 20%.Trong khi đó Mỹ cũng có cam kết đến năm 2025 giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ 26 đến 28% so với mức năm 2005.
Các nhà hoạt động môi trường đều hoan nghênh việc Mỹ và Trung Quốc phê chuẩn thỏa thuận Paris. Họ đồng ý đó là một dấu chỉ mạnh mẽ sẽ có những hành động thực sự toàn cầu trong lĩnh vực hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái đất ấm nóng lên.
Thỏa thuận Paris đạt được tại hội nghị của LHQ về chống biến đổi khí hậu họp tháng 12/2015, chỉ có hiệu lực khi được 55 quốc gia chịu trách nhiệm phát ra 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phê chuẩn. Tính đến đầu tháng 9 và sau khi hai cường quốc có mức phát thải lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc cùng thống nhất phê chuẩn thỏa thuận Paris, tổng cộng có 24 nước tham gia ký kết đã phê chuẩn thỏa thuận về khí hậu này.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ lạc quan là thỏa thuận Paris sẽ có hiệu lực trước cuối năm nay. Sắp đến vào ngày 21/9 khi diễn ra kỳ họp của Đại hội đồng LHQ, Ông Ban Ki-moon sẽ tiếp tục thúc giục các quốc gia còn lại phê chuẩn.
Dự kiến trong năm nay, Ấn Độ cũng sẽ tham gia phê chuẩn thỏa thuận Paris. Bên lề thượng đỉnh G.20 tại Hàng Châu (Trung Quốc), tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để bàn về vấn đề này.
Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), tỏ ra nghi ngại cho rằng nếu chỉ có phê chuẩn thỏa thuận Paris không thôi thì chưa đủ; các quốc gia cần phải thông qua luật lệ địa phương để có thể thực thi thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu như thế.
Giới quan sát cũng đồng ý cho rằng điều quan trọng hơn việc phê chuẩn thỏa thuận Paris là phải cắt trợ giá bao cấp cho nhiên liệu hóa thạch cũng như những tài trợ tương tự khác.
Cố vấn chính sách của tổ chức đấu tranh bảo vệ môi trường, - Green Peace (Hòa Bình xanh), Li Shuo, cho rằng nay chỉ mới là khởi điểm chứ chưa phải là lúc kết thúc, cần phải có hành động toàn cầu về khí hậu. Có cảnh báo khoa học đưa ra là nếu chỉ dừng ở mức cam kết như hiện nay thì nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này, chứ không thể giữ ở mức tăng thêm dưới 2 độ C như đề ra.
Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết thỏa thuận Paris. Tác động của biến đổi khí hậu được cho là sẽ nặng nề đối với một quốc gia ven biển như Việt Nam khi mực nước tăng lên. Ngoài những biện pháp tự thân trong nước, nhiều quốc gia khác cũng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thông tin mới nhất cho biết khi tổng thống Pháp Francois Hollande thăm Việt Nam, hai nước đã ký kết các biên bản ghi nhớ giữa hai phía về hợp tác quản lý nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu…, trong đó, có dự án cơ sở hạ tầng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Pháp và Việt Nam được triển khai tại các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình, và thành phố Cần Thơ.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận dược hỗ trợ từ thành phố Osaka (Nhật Bản) trong công tác phát thải carbon thấy. Ngày 6/9 hai thành phố này ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát thải carbon thấp. Với sự giúp đỡ của thành phố Osaka, trong thời gian qua Sài Gòn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030.
Linh Đức