Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững
Toàn cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến có hơn 100 đại biểu đến từ Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc, Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAn, đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam; các đại biểu trong nước có: Các hội thành viên ngành kỹ thuật của VUSTA, các tổ chức KH&CN trực thuộc, các Bộ, ban, ngành, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
GS.TSKH.Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA khai mạc hội thảo. |
Khai mạc hội thảo, GS.TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA nêu rõ tiềm năng mạnh mẽ của VUSTA trong việc truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học (PBKT) với đội ngũ trùng trùng điệp điệp các nhà khoa học, các chuyên gia và rất nhiều kênh thông tin. Tuy nhiên, VUSTA cũng còn phải vượt qua nhiều thách thức, cả về thể chế, cũng như nguồn tài chính và nhân lực. Vì vậy, với sự sẻ chia của các diễn giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước trong hội thảo này hi vọng sẽ nhận diện rõ hơn vai trò của PBKT KHCN với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh; có thêm kinh nghiệm quốc tế, mô hình thực tiễn và hiệu quả về hoạt động PBKT trong nhiều lĩnh vực khác nhau; thúc đẩy cơ hội hợp tác trong hệ thống VUSTA và với các đối tác quốc tế, các bên liên quan; đề xuất giải pháp, sáng kiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả PBKT KHCN, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Vương Đình (Wang Ting), Tổng giám đốc, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu phổ biến kiến thức khoa học thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc đã chia sẻ với hội thảo Bài học thực tiễn từ Trung quốc trong ứng dụng phổ biến khoa học để thúc đẩy hiện đại hóa. “Công thức” rất ngắn gọn được ông Vương Đình đưa ra là: 1-Một bộ luật, một dự thảo, một phương hướng; 2-Hai cánh là Nghiên cứu khoa học và Đổi mới sáng tạo; 3-Ba trụ cột chiến lược là Giáo dục, KHCN, nhân lực: 4-Bốn yếu tố và 4 đặc diểm; 5-Năm đối tượng, 5 chiến dịch và 5 dự án; 6-Sáu nguyên tắc PBKT trong thời đại mới.
Đoàn chủ tịch Hội thảo |
Những minh họa từ thực tiễn thực hiện “công thức” trên cũng được ông Vương Đình giới thiệu rất cụ thể, như một bài học kinh nghiệm quý cho một quốc gia có nhiều điểm tương đồng như Việt Nam.
Tham luận của đại diện Liên minh Châu Âu (bà Brenda Candries, đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Leonie Nagarajian, đại diện của EURAXESS ASIAN) đã giới thiệu với hội thảo về tổ chức Horizon Europe – Cơ hội tài trợ và hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới. Một con số tài trợ cực kỳ ấn tượng được nêu ra: 293 triệu euro cho phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao kỹ năng làm việc và cải thiện thể chế; 95,5 tỉ euro là ngân sách tài trợ cho các chương trình trên toàn thế giới về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững (2021-2027). Đây là cơ hội lớn cho các nhà khoa học và các tổ chức trên thế giới hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
PGS.TS.Syuhaida Ismail, Chủ tịch Nhóm Kỹ sư nữ thuộc Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN cho đưa ra một góc nhìn toàn cảnh về Trao quyền cho phụ nữ: Các chiến lược để phổ biến các lĩnh vực STEM.
Về phía Việt Nam, bà Trần Thị Thúy Nhuần (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và ông Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch Alpha Book) cũng đã giới thiệu những bài học kinh nghiệm của đơn vị mình trong việc PBKT khoa học đến các đối tượng khác nhau để đưa khoa học đến mọi người, mọi nhà, bởi: “không có kiến thức khoa học thì không thể có con người khoa học, không có con người khoa học thì không thể có nền khoa học”.
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận bàn tròn. |
Tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu và hội KHKT cũng đã trao đổi, chia sẻ về các giải pháp để VUSTA cũng như các hội thành viên sẽ có thể phát huy tiềm năng thế mạnh của mình trong sự nghiệp PBKT khoa học công nghệ, góp phần đưa KHCN về đúng vị trí và tầm quan trọng của nó trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đặc biệt trong thời gian tới khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Là thành viên chính thức của Hội dồng khoa học quốc tế (ISC) từ năm 1963, thành viên Liên đoàn kỹ sư ASEAN, thành viên Ban trù bị thành lập Tổ chức phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật thế giới (WOSL) do Hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc khởi xướng (hiện đã có 44 thành viên của 27 quốc gia trên thế giới hưởng ứng), hi vọng với hội thảo quốc tế có ý nghĩa này, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu “Tăng cường phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.