Đồ án của nữ sinh Kiến trúc Việt Nam được vinh danh tại “đấu trường” quốc tế
Một Giải thưởng kiến trúc danh giá
Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế Architecture Master Prize (AMP) là một trong những sự kiện uy tín bậc nhất trong lĩnh vực kiến trúc, được khởi xướng bởi tập đoàn Farmani Group, có trụ sở tại thành phố Los Angeles, Hoa Kỳ. Năm 2024 đánh dấu năm thứ 9 tổ chức giải thưởng này, một chặng đường không ngừng mở rộng và khẳng định vị thế của AMP trong hệ thống các giải thưởng quốc tế về thiết kế, kiến trúc và nhiếp ảnh.
AMP không chỉ đơn thuần là một cuộc thi mà còn là một sân chơi dành cho những tư duy sáng tạo, nơi các thiết kế kiến trúc chất lượng từ khắp nơi trên thế giới được tôn vinh. Được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia hàng đầu trong ngành, giải thưởng đã trở thành biểu tượng cho sự tin tưởng và uy tín trong cộng đồng kiến trúc.
Một trong những điểm nổi bật của AMP chính là sự đa dạng trong các hạng mục giải thưởng. Giải thưởng không chỉ ghi nhận các thành tựu trong thiết kế kiến trúc mà còn vinh danh những ý tưởng đột phá trong kiến trúc cảnh quan, thiết kế nội thất, sản phẩm kiến trúc và nhiếp ảnh kiến trúc. Nhờ vào việc chú trọng vào sự sáng tạo và đổi mới, AMP đã kịp thời phản ánh những xu hướng mới và những thách thức mà ngành kiến trúc phải đối mặt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Việc tham gia giải thưởng AMP giúp các kiến trúc sư, nhà thiết kế khẳng định tài năng và công sức, đồng thời đóng góp vào một cộng đồng sáng tạo lớn hơn. Giải thưởng không ngừng thúc đẩy việc chia sẻ tri thức và ý tưởng, mở ra một không gian cho các nhà thiết kế có thể kết nối và học hỏi lẫn nhau.
Nữ sinh chuyên Hóa trở thành kiến trúc sư
Phương Linh chia sẻ, xuất phát điểm của mình là một học sinh chuyên Hóa nhưng lại yêu thích và có thế mạnh về hình học không gian. Ban đầu, cô được định hướng một ngành nghề khác nhưng sau khi biết đến kiến trúc, Linh đã quyết định chuyển hướng, lúc ấy cũng là cuối lớp 12.
“Mình đi học vẽ và chuẩn bị mọi thứ khá muộn. Hồi đó, mình đăng ký duy nhất một nguyện vọng là Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU). Mình nghĩ “chẳng lẽ lại trượt đại học nên phải đỗ thôi", cô bạn kể. Và rồi Linh đã trở thành sinh viên của khoá 18K+ (lớp kiến trúc sư tài năng) đầu tiên của Kiến trúc Hà Nội.
Linh cảm thấy thật may mắn vì được học tập trong môi trường với nhiều thầy cô, trải nghiệm nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Qua đó giúp cô bạn say mê kiến trúc có các góc nhìn đa dạng hơn về cùng một vấn đề. Bên cạnh đó, Linh học được cách tư duy độc lập, làm việc nhóm và mở rộng thế giới quan với những vấn đề xung quanh đồ án như xã hội học, triết học... cũng như rèn luyện một số kỹ năng quan sát, phân tích, xử lý vấn đề.
Khát khao đưa kiến trúc Việt Nam vươn ra “đấu trường” thế giới
Vượt qua hàng nghìn đồ án từ 81 quốc gia, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Ths.KTS Lê Minh Hoàng, đồ án "Tiếp biến kiến trúc và cảnh quan đô thị Cầu Long Biên" của Phương Linh vinh dự đạt giải Best of Best hạng mục đồ án tốt nghiệp sinh viên của Architecture Master Prize 2024, sẽ được trưng bày tại bảo tàng Guggenheim Bilbao ở Tây Ban Nha trong chương trình trao giải AMP 2024.
Chia sẻ lý do gửi gắm tâm huyết cho đồ án, Phương Linh cho biết, bản thân khi còn đi học luôn dành sự quan tâm nhiều hơn đến nhóm di sản và không gian công cộng trong đô thị, tập trung giải quyết những vấn đề mang lại giá trị cho cộng đồng.
"Tiếp biến kiến trúc và cảnh quan đô thị Cầu Long Biên" lấy địa điểm là tuyến di sản bao gồm Cầu Long Biên và hệ thống vòm cầu Phùng Hưng. Đồ án dựa trên các dự án thực tế Cầu Long Biên và hệ thống di sản xung quanh cầu.
Đồ án tập trung vào vấn đề khôi phục và tái vận hành các di sản già cỗi đặt trong bối cảnh đô thị đương đại. Đề xuất này phục vụ nhu cầu của con người, tái thiết mối quan hệ cộng sinh giữa con người và di sản trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh, hậu đổi mới. Kiến trúc tham gia trong sinh thái di sản này hoạt động như các “stent” (trong y học), nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự vận động và đảm bảo tính liên tục của dòng chảy văn hóa, lịch sử xuyên suốt cơ thể di sản sống của đô thị. Đồng thời đáp ứng các nhu cầu công năng hiện tại, góp phần cải thiện nhận thức cộng đồng về di sản. Được biết, đồ án của Phương Linh cùng 2 công trình thực tế đến từ các kiến trúc sư, các công ty thiết kế kiến trúc hàng đầu đã mang về cho kiến trúc Việt Nam tổng cộng 3 giải thưởng năm nay.
Không giấu nổi niềm tự hào, xúc động khi được công nhận bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Kiến trúc trên thế giới, Phương Linh nói: “Mình đã theo dõi giải thưởng ARCHITECTURE MASTER PRIZE nhiều năm. Hàng năm, có rất nhiều dự án nộp thi trên khắp thế giới không giới hạn quốc gia. Có một số sinh viên và văn phòng kiến trúc uy tín ở Việt Nam đã từng thắng giải.
Thực ra, mình khá tự tin khi đồ án được gửi đi nhưng điều làm mình bất ngờ hơn cả là "Tiếp biến kiến trúc và cảnh quan đô thị Cầu Long Biên" được chọn đạt giải "Best of best" - Đồ án xuất sắc nhất. Mình rất vui và tự hào khi là sinh viên Việt Nam đạt được giải thưởng này”.
Ngoài giải thưởng danh giá lần này, Phương Linh từng nhiều lần “rinh” các giải thưởng từ các cuộc thi khác nhau, như: Giải Nhì Festival Liên hoan sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XII - Hạng mục thiết kế nhanh A; Giải thưởng Cuộc thi Không gian sáng tạo Hà Nội 2021 - Hạng mục Tổ chức KGST dựa trên chuyển đổi di sản công nghiệp (Nhà máy xe lửa Gia Lâm); Các giải thưởng AA Awards – Giải thưởng Thành tựu kiến trúc của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Giải Ba cuộc thi Kiến trúc xanh sinh viên 2023….
Link đồ án của BTC: https://architectureprize.com/winners/winner.php?id=7929