Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với Sóc Trăng
Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với Sóc Trăng về thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn tỉnh Sóc Trăng có 481 trường với trên 256 ngàn học sinh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là trên 80%. Chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước được nâng lên, nhiều giáo viên dạy lớp bước đầu áp dụng được các phương pháp dạy học tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tỉnh Sóc Trăng cũng gặp một số khó khăn, đó là sự chưa đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nguyên nhân chính là do kinh phí còn hạn hẹp. Hệ thống cơ sở vật chất trường học hiện nay dù được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, nhưng hầu hết đầu tư lâu năm nên phần lớn chưa đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay. Ngoài ra còn có tình trạng quá tải về học sinh ở cấp mầm non và tiểu học...
Tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị đến Chính phủ rà soát và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số; Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên...
Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao về sự quyết tâm của tỉnh Sóc Trăng trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đoàn cũng nêu ra một số hạn chế, nhất là tình trạng các em học sinh ở cấp tiểu học còn yếu trong tiếp thu và tham gia lớp học; lực lượng giáo viên cho các bộ môn, như ngoại ngữ, tin học, công nghệ còn thiếu. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh. Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tham gia giảng dạy ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn; đầu tư kiến cố hóa trường lớp và có chính sách hỗ trợ các nhà sư tham gia dạy tiếng dân tộc cho các em học sinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc đổi mới giáo dục là một quá trình được kỳ vọng và dược ngành giáo dục quyết tâm cao thực hiện. Quá đó, quá trình đổi mới xác định phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo là một trong những vấn đề mang tính quyết định đến thành công của việc triển khai chương trình. Xác định phát triển năng lực nhà giáo, tập huấn và hỗ trợ tối đa là điều kiện có tính chất quyết định sự thành công việc triển khai chương trình mới. Còn về chuyên môn, vấn đề quan trọng nhất và phải đạt được là sự chuyển từ hệ thống trang bị kiến thức sang phát triển năng lực của người học. Chú ý lấy mục tiêu phát triển toàn diện con người làm mục tiêu lớn cho nên thay đổi trong môi trường trường học, lấy cái linh hoạt, yếu tố mở để cho học sinh tự học, tự sáng tạo là một câu chuyện, có thể xem đây là mục tiêu chuyên môn quan trọng nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh rất phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay, giai đoạn đầu có thể có những khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị cao, Sóc Trăng sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ để góp phần thực hiện thành công chương trình.
Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đến khảo sát thực tế tại 4 cơ sở giáo dục trên địa bàn Thị xã Vĩnh Châu và Thành phố Sóc Trăng./.
Thanh Nam