Doanh nhân Việt Nam cần cả hoa hồng và bánh mỳ?
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ngày 13/10/2017, nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo nghị quyết ban hành thì một lần nữa, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vô cùng hào hứng.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cho rằng: “Cũng đến lúc cần khẳng định, kinh doanh là việc của khu vực tư nhân, nhà nước không kinh doanh. Các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất-kinh doanh sẽ phục vụ sự kinh doanh của người dân, doanh nghiệp một cách bình đẳng, không cần nhắc tới sự khác biệt của các thành phần kinh tế.”
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang cần môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, an toàn, chi phí kinh doanh hợp lý, rủi ro thấp để lớn mạnh.
“Theo tôi, khi đó, những lấn cấn, phân biệt, đối xử doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước trong tư duy, trong hành động, nhất là trong hoạch định và thực thi cơ chế, chính sách mới xóa bỏ được hoàn toàn. Nhà nước về ngồi đúng chỗ trong nền kinh tế, đó là thiết lập sân chơi, luật chơi, giữ vai trò trọng tài và kiến tạo nền kinh tế. Kinh doanh là việc của doanh nghiệp” cộng đòng doanh nhân nói..
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam được tổ chức hồi tháng 7/2017 với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với câu hỏi doanh nhân cần gì ở Chính phủ vào thời điểm này, 65% chọn Chính phủ hành động, 24% chọn Chính phủ liêm chính và 11% chọn Chính phủ kiến tạo.
Các doanh nhân đã nói thẳng, họ cần Chính phủ hành động. Doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ cần hoa hồng, mà họ cần cả bánh mỳ.Có nghĩa là, họ cần Chính phủ thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra. Ví dụ Nghị quyết 19-2017/NQ-CP tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4, nhưng hiện tại vị trí của Việt Nam là thứ năm.
Hay như Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 xác định khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP; 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Ngay trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện có.
Kết quả của việc thực hiện các con số trên chính là “bánh mỳ” doanh nghiệp cần.
Nói về vấn đề trên, ông Vũ Tiến Lộc đã thẳng thắn chia sẻ: Với những đầu việc được giao cụ thể, sẽ có thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh. Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ đã hành động mạnh mẽ, đã nổi lửa cải cách môi trường kinh doanh. Điểm quan trọng, chúng tôi nhìn thấy sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương.
Trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Thủ tướng đã yêu cầu thiết lập đồng thời cơ chế kiểm soát, để ngăn chặn các điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng dự thảo Nghị định kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ trong tháng 12/2017.
Ông Lộc cho biết, các yêu cầu này đồng nghĩa với cam kết của Chính phủ trong thay đổi phương thức quản lý nhà nước với các hoạt động sản xuất-kinh doanh. Nếu chỉ cắt bỏ vài điều kiện đơn lẻ, việc thay đổi nhiều khi chỉ mang tính kỹ thuật pháp lý, nhưng cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh sẽ kéo theo yêu cầu thay đổi rất lớn trong bộ máy quản lý nhà nước, từ quy trình đến tổ chức bộ máy, nhân sự… Nói một cách hình ảnh, Bộ Công thương, ngành công thương sau khi cắt bỏ hàng trăm điều kiện chắc chắn khác với Bộ Công thương, ngành công thương của những năm trước.
Hội nghị Thượng đỉnh Tổng giám đốc APEC (APEC CEO Summit) năm 2017 cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, khoảng 1.200 doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực APEC và Việt Nam sẽ có mặt trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
PV