Dòng chảy thời cuộc và lương tâm của người cầm bút
Những cây bút “lạc dòng”
Người làm báo giỏi đồng thời phải là người công dân tốt, có sự nhạy bén về thời cuộc, chính trị, dám chịu trách nhiệm về nguồn tin đưa đến công chúng. Báo chí cách mạng xưa đã rèn giũa nên rất nhiều cây bút sắc sảo, trí tuệ và trách nhiệm.
Nhưng theo dòng thời cuộc, báo thị trường ra đời, cuốn theo những đòi hỏi về tốc độ đưa tin, sự mới mẻ, độc đáo, cùng yêu cầu về kinh tế khiến không ít người làm báo, nhất là những những người làm báo trẻ sa chân vào những cám dỗ vật chất, bẻ cong ngòi bút của mình vì những vụ lợi trước mắt, quên đi giá trị, bản lĩnh cần có của người cầm bút.
Không ít phóng viên vì thiếu kiến thức nền, thiếu sự nhạy bén về chính trị nên nhìn nhận sự việc hời hợt, thiếu chiều sâu, quá trình tác nghiệp thu thập thông tin thiếu căn cứ, vội vã xử lý và xuất bản dẫn đến nhiều sai sót.
Bên cạnh đó, không ít người cầm bút trẻ cố tình khai thác thông tin theo chiều hướng lệch lạc, sử dụng nguồn tin không đúng bản chất sự việc, vấn đề, đã ít nhiều gây nhũng nhiễu phiền toái, làm cho người đọc, người nghe, người xem bị phân tâm, mất niềm tin.
Cá biệt còn có một số phóng viên lợi dụng quyền hạn của báo chí để vụ lợi cá nhân, đánh mất bản thân và làm méo mó hình ảnh người làm báo Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Một số người đã lợi dụng uy tín của cơ quan báo chí để “vòi” tiền cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, để rồi phải trả giá bằng những hình phạt của pháp luật.
Xin điểm ra đây một vài vụ việc cụ thể mà báo chí đã đăng tải, cơ quan pháp luật đã vào cuộc xử lý:
Có thể kể đến vụ việc đăng tải trên báo NLĐ: Hồi 17h ngày 2/9/2020 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với VKSND tỉnh Quảng Ninh đã bắt quả tang một đối tượng đang nhận 250 triệu đồng của doanh nghiệp tại khu vực bãi xe chợ Hạ Long I. Đối tượng được xác định là N.V.Đ (tên gọi khác là N.T.Đ, SN 1979) là phóng viên của TTTT tỉnh Quảng Ninh.
Vụ việc khác đăng tải trên VNE: vào khoảng 15h30 ngày 27/8/2021, Công an thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) bắt quả tang hành vi cưỡng đoạt tài sản tại quán cà phê ở phường Đông Ngàn của V.T.O và N.T.L, khi hai người này đang nhận 25 triệu đồng của chủ một thẩm mỹ viện trên địa bàn trong một thỏa thuận không đưa tin bài về sai phạm của viện thẩm mỹ. Được biết, đối tượng O. 29 tuổi, là phóng viên tạp chí điện tử NĐTPL (thuộc tạp chí ĐS&PL), đối tượng L. 33 tuổi, công tác tại tạp chí điện tử KD&BM VN.
Theo điều tra ban đầu của Công an thị xã Từ Sơn, đầu tháng 8/2021, O. sử dụng dịch vụ tại Viện thẩm mỹ MB ở đường Nguyễn Trãi, thành phố Bắc Ninh và chụp lại cảnh hoạt động không đảm bảo công tác phòng chống dịch tại cơ sở này. O. cấu kết với L., liên lạc với chủ viện thẩm mỹ, yêu cầu người này đưa 40 triệu đồng để xoá "tư liệu" và không đăng lên báo, không báo chính quyền địa phương.
Lo sợ bị phạt và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, chủ viện thẩm mỹ đã thương lượng với O. và L, đưa giá 25 triệu đồng. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm, cuối cùng O. và L. đã gặp chủ viện thẩm mỹ để nhận số tiền nêu trên và bị công an bắt giữ.
Một vụ việc khác xảy ra cách đây không lâu, hôm 12/8, qua nguồn tin của báo TT. Theo đó, công an quận Tây Hồ, Hà Nội, đã ra quyết định khởi tố vụ án điều tra một nhóm tự xưng là phóng viên, cộng tác viên, trong đó có 2 người đang là cộng tác viên tại một ấn phẩm điện tử thuộc báo PLVN để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản. Những người bị khởi tố gồm N.Đ.P là cộng tác viên ấn phẩm điện tử thuộc báo PLVN, N.T.Q (trú tại Thái Nguyên), N.T.L (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) và N.C.T (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội). Nhóm người này đã dàn cảnh, quay clip về việc xin học cho con trái tuyến để làm tư liệu tống tiền hiệu trưởng Trường tiểu học P.T ( Hà Nội).
Điểm ra một vài vụ việc để thấy, những sai phạm trong nghề báo luôn tiềm ẩn, có cơ hội là bộc lộ. Không ít những vụ việc trước đó đã bị khởi tố. Không ít phóng viên, nhóm phóng viên đã thực hiện trót lọt nhiều vụ việc, nhũng nhiễu, vặt vẹo của doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. Chỉ đến khi các đơn vị, doanh nghiệp trình báo với công an thì những việc làm sai trái đó mới bị vạch trần.
Trau dồi đạo đức, vững vàng “chảy” theo thời cuộc
Thực tế, bất cứ người cầm bút nào khi bước chân vào nghề cũng được đào tạo những kiến thức cơ bản, được trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ hoạt động báo chí theo quy định của cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí Việt Nam.
Người làm báo luôn phải rèn giũa bản thân, vững vàng “chảy” theo thời cuộc, nêu cao trách nhiệm và sự nhân văn của nghề viết. (Ảnh minh họa)
Theo đó, Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Luật cũng quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó nhấn mạnh “10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”.
Tuy nhiên, trong dòng chảy báo chí thị trường vẫn còn không ít nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, cố tình lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cá nhân, làm sứt mẻ niềm tin của công chúng vào người làm báo, nghề báo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người cũng dạy rất rõ về 2 chữ Tài và Đức. Tài và Đức được hiểu là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau và chỉ khi có đủ cả hai yếu tố này thì con người mới trở nên hoàn thiện được; trong đó, đức là yếu tố quyết định hơn cả.
Đạo đức nghề nghiệp cần được khẳng định như xương sống, rường cột bảo đảm cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng của cả một nền báo chí nói chung. Thực tế cho thấy, người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại thuộc về tư chất cá nhân, với nét đặc trưng là lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng.
Đạo đức vốn là những tiêu chuẩn nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi của con người đối với nhau, đối với xã hội. Các nguyên tắc đạo đức được hiểu như những chiếc máy điều chỉnh hành vi của con người, nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà mang tính tự giác. Trên cơ sở lý tưởng và trách nhiệm đạo đức đã hình thành nên quan niệm về lương tâm và lòng tự trọng của người làm báo chuyên nghiệp.
Bàn về vấn đề đạo đức báo chí, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, đạo đức nghề nghiệp là điều cốt lõi đối với hoạt động báo chí. Nếu thiếu đạo đức, báo chí sẽ mất phương hướng, không đủ sức mạnh và độ tin cậy để có thể thực hiện đúng chức trách, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với xã hội; đó là chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.
Thực tiễn chứng minh, một tác phẩm báo chí của phóng viên, nhà báo không có đạo đức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội, ít nhất có thể tác động xấu đến một cá nhân, một gia đình, đơn vị, tổ chức, cao hơn nữa là ảnh hưởng tác động đến đất nước.
Chính vì vậy, ngoài việc học hỏi, trau dồi kiến thức, mỗi người làm nghề phải kiên trì rèn luyện đạo đức, tư duy thực tiễn, xây dựng giá trị đạo đức nghề nghiệp để tìm tòi, cống hiến cho nền báo chí nước nhà những nguồn tin đáng tin cậy, góp phần định hướng, xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
Dòng chảy của báo chí phải gắn liền với dòng chảy của thời cuộc, mang hơi thở của cuộc sống. Người làm báo cũng vì thế phải uốn nắn, rèn giũa bản thân, “chảy” theo mạch nguồn của lương tâm, trách nhiệm và sự nhân văn cao cả của Nghề viết.
LƯƠNG CƯỜNG