Đông Nam Bộ tạo bệ phóng vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới
Đông Nam Bộ tạo bệ phóng vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới |
Thấm nhuần sự chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm về những định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa đất nước bước vào "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam," các tỉnh, thành phố ở Đông Nam Bộ đang nỗ lực tháo gỡ những "điểm nghẽn" về kết nối vùng, đẩy mạnh triển khai các công trình hạ tầng trọng điểm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng các khu công nghiệp thông minh thế hệ mới.
Đặc biệt, các chính sách đột phá về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và lấy con người làm trung tâm phát triển đang được thực thi mạnh mẽ. Diện mạo mới của vùng đất đỏ miền Đông đang thay đổi từng ngày.
Đông Nam Bộ đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ trong mô hình tăng trưởng, đặc biệt là sự phát triển của các khu công nghiệp công nghệ cao và bền vững.
Khu vực Đông Nam Bộ, trái tim kinh tế của Việt Nam, đang thực hiện một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ trong công nghiệp hóa mà còn trong việc áp dụng các mô hình tăng trưởng sáng tạo và bền vững.
Với chiến lược tập trung vào công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số, khu vực này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh là ba tỉnh điển hình với những chiến lược đột phá nhằm kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tại Bình Dương, Nhà máy LEGO, với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp giữa công nghệ cao và sản xuất bền vững.
Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, khẳng định LEGO không chỉ là một dự án đầu tư lớn mà còn giúp tỉnh tiếp cận các tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu. Nhà máy này không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mà còn áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường.
LEGO cũng là một phần trong chiến lược thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình công nghiệp thông minh, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Bình Dương từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao.
Một mô hình điển hình khác tại Bình Dương là Nhà máy Jakob Sài Gòn tại thành phố Tân Uyên. Nhà máy không chỉ chú trọng đến hiệu quả sản xuất mà còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường. Với gần 40% diện tích nhà máy được phủ xanh và các hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt, Jakob Sài Gòn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh cho công nhân và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Ông Trương Văn Phong, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cho rằng Jakob Sài Gòn là một mô hình điển hình của công nghiệp xanh, nơi mà sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là yếu tố cốt lõi.
Không chỉ Bình Dương, Đồng Nai cũng đang nỗ lực phát triển công nghiệp xanh. Tỉnh này có 33 khu công nghiệp; trong đó 31 khu đang hoạt động. Đồng Nai đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới và chuyển đổi số, đồng thời xây dựng các khu công nghiệp xanh, thông minh.
Một trong những điển hình là khu công nghiệp Amata, nơi đã triển khai mô hình sinh thái với mục tiêu tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Những khu công nghiệp này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn giúp tạo ra chuỗi giá trị sản xuất bền vững, từ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Tây Ninh cũng là một tỉnh đặc biệt chú trọng đến nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh này đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 50% vào năm 2030. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao, như khu chăn nuôi DHN Tây Ninh, đang phát triển mạnh mẽ, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus, nhận định rằng Tây Ninh có lợi thế lớn nhờ vào cơ sở hạ tầng giao thông phát triển và vị trí chiến lược, đặc biệt là kết nối thuận lợi với Campuchia. Những yếu tố này giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch và bền vững cho ngành chế biến nông sản.
Các tỉnh trong vùng như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh… đang thực hiện các chiến lược phát triển công nghiệp và nông nghiệp bền vững nhằm không chỉ nâng cao giá trị sản xuất mà còn đảm bảo sự phát triển ổn định trong dài hạn. Những chiến lược này tập trung vào việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghiệp đến thiên nhiên, và xây dựng các khu công nghiệp thông minh, xanh và bền vững.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành trụ cột vững chắc trong chiến lược phát triển của khu vực Đông Nam Bộ.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, chia sẻ, Bình Dương đang tiến tới hình thành thành phố thông minh, nơi công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được ưu tiên nhằm hiện đại hóa phát triển bền vững. Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đến năm 2030, tỉnh dự kiến đạt 1.497MW điện mặt trời, và con số này sẽ tăng lên 5.359MW vào năm 2050.
Bình Dương đã triển khai các cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và tại các khu công nghiệp. Đây là bước quan trọng trong chiến lược chuyển đổi xanh, tối ưu hóa tài nguyên, tránh lãng phí, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh cũng đang triển khai nền tảng quản trị thông minh tại 6 khu công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất tự động hóa, phát triển công nghiệp thế hệ mới bền vững.
Trong khi đó, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh công nghệ số là động lực then chốt để Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá trong giai đoạn tới. Thành phố đặt mục tiêu đạt 25% GDP từ kinh tế số vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tầm nhìn này không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế mà còn hướng tới một đô thị xanh, thông minh, đa trung tâm, kết nối chặt chẽ với các vùng lân cận.
Mới đây, Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) Thành phố Hồ Chí Minh, chính thức vận hành, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á thuộc mạng lưới Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tập trung vào nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, và công nghệ sinh học.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định Trung tâm C4IR không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên cả nước. Với khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng công nghệ, chính sách thông thoáng và hỗ trợ linh hoạt để các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp công nghệ 4.0.
C4IR đóng vai trò trọng tâm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Các dự án như Trung tâm đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub và Quỹ Hỗ trợ Phát triển Công nghệ cao đã đặt nền móng cho sự hội nhập và phát triển bền vững của thành phố.
Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu trong việc hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến trở thành đô thị thông minh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ theo hướng bền vững và hiện đại, với trọng tâm là kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khu vực này sẽ tập trung vào đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm sự phù hợp với chiến lược phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ và logistics sẽ được xây dựng gắn với các hành lang giao thông, việc huy động tối đa nguồn lực nội tại kết hợp với ngoại lực sẽ giúp Đông Nam Bộ tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng./.