Được điều trị kịp thời, bị rắn hổ mang chúa cắn vẫn có cơ hội sống
Liên quan đến hành trình cứu chữa bệnh nhân Phạm Văn Tâm - người bị rắn hổ mang chúa cắn phải nhập BV Chợ Rẫy hồi giữa tháng 8 vừa qua, chiều ngày 11/9, tại buổi chia sẻ thông tin, các chuyên gia chống độc khẳng định, tỷ lệ tử vong do rắn độc cắn thấp hơn 2%.
Các chuyên gia BV Chợ Rẫy chia sẻ hành trình cứu chữa bệnh nhân Phạm Văn Tâm
TS-BS.Lê Quốc Hùng - đơn vị chống độc (Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy), cho biết trong 16 năm qua, đơn vị này mỗi năm tiếp nhận trên dưới 1.000 ca rắn độc cắn và đều cứu sống hơn 98%. “Số còn lại tử vong do đến BV quá muộn vì tự chữa tại nhà, hoặc vì tin lời thầy lang ở địa phương, hoặc theo phương thức dân gian... Đây là những trở ngại khiến việc cứu chữa rắn độc cắn chưa được trọn vẹn” - TS-BS.Lê Quốc Hùng, chia sẻ.
Liên quan đến rắn hổ mang chúa, chuyên gia nói, đây là loại rắn độc nhất trên cạn và cũng tương đối hiếm nên số nạn nhân không nhiều. Song, tỷ lệ tử vong thống kê tại đơn vị này so với các loại rắn độc khác cắn là con số “kinh khủng”.
Theo TS-BS. Lê Quốc Hùng, trong 16 năm qua đơn vị tiếp nhận tổng cộng 8 ca rắn hổ mang chúa cắn, bao gồm cả bệnh nhân Phạm Văn Tâm- người tay không bắt rắn kiếm tiền cho con đi học. “Chỉ 2 ca trong số đó được cứu sống”- TS-BS.Lê Quốc Hùng, thông tin thêm.
Trong đó, ca thứ nhất là một người đàn ông không may bị rắn hổ mang chúa cắn tại... quán nhậu ở TP.HCM khi xem nhà bếp trổ tài. Do cự ly gần, nên chỉ 30 phút sau, nạn nhân đã có mặt tại đơn vị chống độc. Dù kịp thời cứu chữa, nhưng cũng mất 3 tuần sau nạn nhân mới bình phục hoàn toàn.
“Ca thứ hai được cứu sống chính là bệnh nhân Phạm Văn Tâm, người mà chúng tôi phải sử dụng hết kho huyết thanh hơn 20 lọ, rồi lọc máu liên tục... mới bảo toàn tính mạng bệnh nhân. Chưa hết, các đơn vị khác gồm hồi sức cấp cứu, phỏng-tạo hình... phải chung tay tận lực thì ít ngày nữa bệnh nhân này mới được xuất viện”- TS-BS.Lê Quốc Hùng, chia sẻ thêm.
Được biết, vết thương do rắn hổ mang chúa cắn, ngoài độc tố thần kinh cực mạnh truyền vào cơ thể, còn gây hoại tử lan rộng. Với bệnh nhân Phạm Văn Tâm, các chuyên gia phỏng - tạo hình phải cắt lọc từng chút da, tế bào chết để hóa giải tình trạng nhiễm trùng. Sau đó, thực hiện ghép da, tái tạo các cơ quan tổn thương vùng bẹn...
“Quá trình cắt lọc phải làm từng chút một để gia tăng sức chịu đựng của bệnh nhân. Về kỹ thuật, mình có làm ngay một lần vết thương hơn 5% cơ thể, song bệnh nhân vừa cải tử hoàn sinh nhờ các chuyên gia chống độc, mình đành khoanh vùng làm cuốn chiếu... Đến thời điểm này, việc ghép da và tái tạo các cơ quan đặc biệt vùng bẹn đã hoàn tất, bệnh nhân gần như hồi phục hoàn toàn”- TS-BS.Ngô Đức Hiệp- Trưởng khoa Phỏng-Tạo hình, BV Chợ Rẫy, thông tin thêm.
Về tình huống sử dụng hết huyết thanh trong kho để cứu bệnh nhân Phạm Văn Tâm, TS-BS.Lê Quốc Hùng khẳng định, BV Chợ Rẫy luôn có đủ huyết thanh trong điều trị rắn độc cắn, bất kể việc dự trù ấy có gây thiệt cho BV đi chăng nữa (hết hạn phải hủy).
Lâu nay, phía BV Chợ Rẫy nhập huyết thanh trị rắn độc cắn từ Thái Lan với 3 đơn vị khác nhau. Đến nay, do sản lượng tiêu thụ ít, nên 2 đơn vị cung ứng đã ngừng sản xuất. “Chúng tôi và phía BV Bạch Mai đang phối hợp, tính toán để có thể sản xuất huyết thanh này trong tương lai gần” – TS-BS.Lê Quốc Hùng, chia sẻ.
Trường Giang