Formosa nối dài những án phạt nặng liên quan đến môi trường
(SK&MT) -Tập đoàn hoá chất Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết: Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền 500 triệu USD (tương đương trên 11.500 tỷ đồng VN). Đây là vụ bê bối liên quan đến môi trường bị phạt nặng nhất tại Việt Nam và cũng là một trong những án phạt nặng đối với Formosa trên phạm vi toàn cầu.
Tuy mới chỉ hoạt động tại Việt Nam 10 năm, song Formosa đã liên tục để xảy ra những lùm xùm khiến dư luận phẫn nộ, gần đây nhất là nghi án xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt. Mặc dù chưa có kết luận chính thức, người dân và một số nhà khoa học đã đặt ra nghi vấn hệ thống xử lý nước thải của Formosa tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng trăn tấn cá biển bị chết. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Formosa gặp rắc rối với chính quyền nước sở tại.
Vào năm 2009, một tổ chức môi trường của Đức là Quỹ Ethecon - một tổ chức vì đạo đức và kinh tế - đã bình chọn và trao giải “Hành tinh Đen năm 2009” cho Formosa Plastics và tập thể lãnh đạo Formosa vì hành động thải chất độc hại ra môi trường của tập đoàn này tại nhiều nơi trên thế giới. Trong báo cáo dài 28 trang công bố ngày 21/11/2009, Quỹ Ethecon “kể tội” chi tiết những hành động phá hoại môi trường của Formosa, đe dọa sức khỏe, mạng sống những người dân sống gần nhà máy của Formosa.
Formosa bị tai tiếng xấu khi vào tháng 11/1998 đưa khoảng 3.000 tấn chất thải, trong đó có thủy ngân, tới thị trấn ven biển Sihanoukville của Campuchia, nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Hơn 140 chiếc container chứa chất thải bị Formosa bỏ ở một khu vực không có rào chắn và biển khuyến cáo. Sihanoukville đã trở thành "cơn ác mộng" khi nhiều người biết chuyện đã vội vã đi "sơ tán". Tổng cộng hơn 100 quan chức Campuchia bị đình chỉ chức vụ. Tổng giám đốc một công ty nhập khẩu ở Campuchia, 2 đối tác người Đài Loan và phiên dịch viên của họ bị khởi tố.
Tháng 4/2014, một sự cố trong nhà máy của Formosa ở Illiopolis (bang Illinois, Mỹ) đã làm chết 5 công nhân đồng thời khiến khu dân cư xung quanh nhà máy phải sơ tán khẩn cấp. Nhà chức trách Mỹ phát hiện hàng loạt sai phạm và xử phạt Tập đoàn của Đài Loan số tiền 300.000 USD. Tuy nhiên, một năm sau, vụ sự cố khác xảy ra tại nhà máy hóa chất của Formosa ở miền nam Texas làm 11 công nhân thiệt mạng. Nước ngầm xung quanh nhà máy ở Delaware, nguồn cung chính cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, bị ô nhiễm nghiêm trọng. Danh sách các khoản tiền phạt lên tới 1 triệu USD cũng không thể làm thay đổi thái độ của công ty này.
Hàng loạt cuộc biểu tình chống Formosa đã xảy ra trên khắp thế giới, bao gồm cả Đài Loan. Tập đoàn Formosa Plastics là một trong 10 danh nghiệp gây ô nhiễm nhất tại đảo Đài Loan. Khoảng 25% lượng khí nhà kính của Đài Loan do các nhà máy của Formosa thải ra. Vào năm 2000, Formosa phải đóng phạt cho bang Texas 150.000 USD vì gây ô nhiễm môi trường. Trong thập niên 1980, nhà máy của tập đoàn này bị phát hiện xả 63 tấn chất độc hại ethylendichloride vào khu dân cư ở Texas. Đến tháng 1.2009, các nhà khoa học ở Texas tiến hành đo lượng chất độc hại trong không khí và đất đai gần các nhà máy của Formosa. Các nông dân nuôi bò ở gần nhà máy của Formosa tại Texas báo cáo với chính quyền bang về các hiện tượng bò sụt cân, bò con sinh ra chỉ có ba chân, bò có phôi thai chết và chết yểu… xảy ra ngày càng nhiều. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ tiến hành nghiên cứu, đo đạc chất thải độc hại trong đất và không khí gần nhà máy của Formosa, phát hiện 43 chất độc hại, trong đó có nhiều chất gây ung thư.
Phản ứng trước việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nước, không khí và đất nghiêm trọng ở Texas và Louisiana, cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 30.9.2009 ra quyết định xử phạt Formosa 13 triệu USD để khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường.
Ngay tại Đài Loan, mặc dù có công đóng góp lớn cho sự phát triển về kinh tế và công nghiệp hóa cho lãnh thổ này, nhưng Formosa lại “nổi tiếng” với thương hiệu tập đoàn phá hoại môi trường, theo chuyên san The Diplomat Formosa nằm trong danh sách top 10 công ty gây ô nhiễm môi trường nhất ở Đài Loan.
Cơ quan bảo vệ môi trường Đài Loan vào năm 2010 ra quyết định xử phạt Formosa 4,7 triệu USD vì nhà máy của tập đoàn này ở huyện Cao Hùng gây ô nhiễm nghiêm trọng đất và nước ngầm…
Mới nhất, Hiệp hội Luật sư Môi trường cùng Hội Xúc tiến nhân quyền Đài Loan, Liên minh giám sát thực thi công ước Nhân quyền, Cộng đồng Thiên chúa giáo Việt Nam ở Đào Viên (Đài Loan), Văn phòng Lao động và phối ngẫu người Việt và một số nghị sĩ cùng đề xuất những yêu cầu dưới đây đối với Formosa:
1) Đảm bảo nhà máy thép ở Hà Tĩnh sẽ không phá hoại sinh thái biển Việt Nam, để người dân Việt Nam có thể tiếp tục sở hữu nước biển sạch và cá sống.
2) Phải chịu trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp, công bố các thông tin liên quan đến sự kiện cá chết và việc người thợ lặn tử vong, như: Danh mục 384 tấn hóa chất mà xưởng thép Formosa Vũng Áng nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2015, và độc tính của chúng; Quy trình sản xuất và xử lý nước thải của xưởng thép Vũng Áng; Các số liệu quan trắc tính từ khi sử dụng đến nay của hệ thống quan trắc nước thải tự động của xưởng thép; Các chủng loại và số lượng chất độc hại có trong không khí và nước thải tạo ra từ quá trình sản xuất, cùng với ảnh hưởng của chúng đối với môi trường biển.
3) Nhanh chóng tổ chức nhóm điều tra, cần bao gồm học giả và các nhóm phi chính phủ (NGO), công tâm tiến hành điều tra sự kiện cá chết và công bố kết quả điều qua liên quan.
4) Cục Nghiệp vụ đầu tư, Ủy ban Thẩm định đầu tư Đài Loan cần dựa trên những vấn đề nổi cộm về sự kiện cá chết ở Việt Nam có liên quan đến xưởng thép Formosa Hà Tĩnh, để hướng dẫn các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ra nước ngoài, nên làm tròn trách nhiệm doanh nghiệp, làm “người hàng xóm” tốt. Không được vi phạm các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, lao động và nhân quyền, đồng thời nghiên cứu các phương án cụ thể, hiệu đính các quy định liên quan về xét thẩm đầu tư nước ngoài./.
Những khoản đền bù khổng lồ vì gây ô nhiễm trên thế giới
Khoản bồi thường trị giá 500 triệu USD mà Formosa phải trả cho những thiệt hại về kinh tế tại Việt Nam là một án phạt có tầm cỡ trên thế giới, song nó chưa thấm vào đâu so với những án phạt và nhiều doanh nghiệp phải bỏ ra do những hành động tàn phá môi trường mà họ gây ra.
Dưới đây là một số vụ cộm cán trong lĩnh vực này:
20 tỷ USD cho sự cố tràn dầu vịnh Mexico
Tháng 4/2016, thẩm phán liên bang thành phố New Orleans (Mỹ)phán quyết mức phạt lên đến 20 tỷ USD đối với Tập đoàn dầu khí BP của Anh, nhằm giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico năm 2010. BP sẽ phải hoàn tất số tiền phạt này trong 16 năm. Mức phạt được thông báo lần đầu tiên vào tháng 7/2015, bao gồm 5,5 tỷ USD theo Đạo luật Vùng biển sạch. Số còn lại để khắc phục hệ quả ô nhiễm môi trường và bồi thường cho 5 bang chịu ảnh hưởng cùng chính quyền địa phương.
Năm 2010, vụ tràn dầu bắt nguồn từ một vụ nổ tại giàn khoan Deepwater Horizon của BP ngoài khơi nước Mỹ đã làm 11 người thiệt mạng. Sự cố khiến hơn 100 triệu thùng dầu chảy ra ngoài và tàn phá bờ biển các bang miền Nam nước Mỹ, từ Florida đến Texas. Đây được coi một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Vụ việc đã khiến hơn 1.770 km đường bờ biển phía nam nước Mỹ bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ba bang Mississippi, Alabama và Florida. Tính đến năm 2015, có hơn 1.100 cá thể cá heo và cá voi mắc cạn, có sự tác động bởi vụ tràn dầu. Đã có thời điểm các lực lượng phản ứng phải huy động đến gần 48.000 nhân lực, hơn 6.500 tàu thuyền, hoạt động trong phạm vi hơn 4.000 km2 để kiểm soát và thu hồi lượng dầu bị tràn tại vùng vịnh này. Tính đến cuối năm 2014, Tập đoàn BP đã chi hơn 14 tỷ USD và huy động hơn 70 triệu giờ lao động của nhân lực tập đoàn cố gắng khắc phục vụ việc. Phải mất gần ba tháng sau, vào ngày 12-7-2010, Tập đoàn BP mới có thể lấp hoàn toàn miệng giếng dầu.
Gian lận khí thải, Volkswagen bồi thường 15 tỷ USD
Theo cáo buộc, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức vướng vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử hãng này, sau khi bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu ôtô động cơ diesel. Tháng 9/2015, Volkswagen chính thức thừa nhận đã gian lận khiến kết quả về kiểm tra khí thải tại Mỹ bị sai lệch. Sau khi tháo phần mềm, lượng khí NO mà mỗi xe thải ra môi trường cao gấp 40 lần cho phép.
Theo thỏa thuận, Volkswagen sẽ dành phần lớn số tiền, 10 tỷ USD, để sửa chữa hoặc mua lại khoảng 475.000 xe do hãng sản xuất với động cơ diesel 2 lít đang lưu thông tại Mỹ. Hãng cũng bồi thường cho mỗi chủ nhân số tiền từ 5.100 đến 10.000 USD tùy thuộc vào giá trị xe. Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm 2,7 tỷ USD cho các công tác khắc phục môi trường của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) và 2 tỷ USD cho công nghệ nghiên cứu hạn chế xả thải.
Chevron chịu phạt 9,5 tỷ USD
Tháng 2/2011, toà án ở Lago Agrio (Ecuador) đưa ra mức phạt 18 tỷ USD, sau đó giảm xuống còn 9,5 tỷ USD đối với tập đoàn Chevron do những thiệt hại môi trường đã gây ra cho Ecuador trong quá trình khai thác gần 30 năm. Theo WSJ, tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Mỹ bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực Amazon ở Ecuador, xuất phát từ hoạt động sản xuất dầu thô. Ecuador còn kiện Chevron ở Brazil, Argentina và Canada, những nơi mà tài sản của công ty này có thể bị tịch thu.
Toà án Ecuador cũng cáo buộc công ty này để lại 900 hố sâu chứa đầy dầu thải, làm ô nhiễm đất và nguồn nước ở các vùng xung quanh. Một số ước tính cho rằng mức độ ô nhiễm ở đây cao hơn 80 lần so với thảm hoạ tràn dầu ở Vịnh Mexico. Theo các đánh giá khoa học độc lập, tỷ lệ ung thư ở những khu vực Texaco hoạt động cũng cao hơn…
Linh Đức