Công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường trong 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau
Theo Hiệp định đình chiến Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, Nam Bộ có 3 khu tập kết: Khu tập kết Hàm Tân-Xuyên Mộc 80 ngày, Cao Lãnh-Đồng Tháp 100 ngày và Cà Mau 200 ngày. Các khu tập kết là nơi cán bộ, chiến sĩ ta tập hợp về để học tập các chủ trương của Trung ương, tổ chức mít tinh, liên hoan mừng hòa bình và thắng lợi của 9 năm kháng chiến trường kỳ. Từ các vùng giặc tạm chiếm, đồng bào ta đến các khu tập kết để họp mặt, chia tay với người thân, bạn bè để lên đường đi tập kết ra miền Bắc.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy, ngành y tế Nam Bộ đã tiến hành một số mặt công tác trong 200 ngày tập kết ở Cà Mau như: Bàn giao lại các cơ sở y, dược cho đối phương tạm thời quản lý; tăng cường các hoạt động khám, chữa bệnh, kết hợp tuyên truyền vận động quần chúng thực hiện phòng bệnh, tổ chức tiêm phòng bệnh dịch tả, đậu mùa cho nhân dân, mở rộng việc cấy Pilatov, cung cấp thuốc theo toa nhằm phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho đồng bào và chiến sĩ tại khu tập kết. Các mặt hoạt động của ngành y tế đã tạo được niền tin và cảm tình của nhân dân đối với ngành y và chính quyền cách mạng.
Quang cảnh Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”. |
Tại thời điểm 200 ngày tập kết, ngành y tế Cà Mau là Ty Y tế, về cơ cấu, tổ chức gồm: Ty Y tế vệ sinh, Phòng Nha, Phòng Dược, Trại bệnh, Phòng mổ, Phòng cấy Filatov, Phòng khám, Phòng Đông y.
Ty Y tế được Ủy ban kháng chiến hành chính giao nhiệm vụ tiếp nhận các cơ sở y tế của địch trong vùng tập kết như: Nhà thương thị xã Cà Mau, thị trấn Giá Rai và các cơ sở y tế dọc theo quốc lộ 4 (quốc lộ 1A ngày nay) từ Bạc Liêu đến Cà Mau (trấn Hòa Bình, Hộ Phòng, Tắc Vân...). Ta bố trí cán bộ hợp pháp, tăng cường thiết bị chuyên môn, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ nhân dân, xây dựng cơ sở khang trang, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân và đồng bào ta ở vùng địch tạm chiếm.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, Ty Y tế được giao nhiệm vụ đào tạo cấp tốc cán bộ y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đầu năm 1954, chuẩn bị cho việc tiếp quản các cơ sở của chính quyền Sài Gòn giao lại, Ty Y tế chiêu sinh lớp cứu thương để đề bạt lên y tá, lấy tên là “Lao động đoàn kết”, lớp này gồm có 16 cán bộ ngành y tế. Phối hợp mở lớp cứu thương cấp tốc giữa Vĩnh Trà Bến và Viện Nhãn khoa Nam Bộ, lớp học này lấy tên là “Cứu thương-Cô đỡ hòa bình”, lớp này gồm có 30 cán bộ (cứu thương 20; cô đỡ 10), do bác sĩ Hồ Công Nghĩa phụ trách, chủ trì chính cũng vẫn là y tá Lưu Đại Đởm, Trưởng Dân Y xá.
Tham gia còn có y tá Hồ Hòn (Hai Khoa), Dư Sĩ Ba, riêng chị Phượng chuyên giảng lớp cô đỡ. Thời gian lớp có 2 tháng vì rút chương trình cho kịp về phục vụ ở địa phương. Năm 1955, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ giao cho các đơn vị y tế trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và cho tỉnh Cà Mau nói riêng những nhiệm vụ sau:
Trong 200 ngày tập kết, thực hiện chủ trương Trung ương và Xứ ủy, một bộ phận cán bộ ngành y tế phân công đi tập kết, một bộ phận cán bộ được phân công ở lại miền Nam để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phục vụ kháng chiến lâu dài. Người ở lại, một số được phân công về các trạm y tế xã để hoạt động công khai và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, số khác thì hoạt động bí mật để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ lãnh đạo của Đảng ở các cấp.
Các đại biểu tham dự tại hội thảo. |
Sau đó, ngành y tế Cà Mau được lệnh dời điểm từ kinh Kiểu Mẫu về thị trấn Cà Mau (tại xã Thạnh Phú). Tại đây, Ty Y tế Cà Mau đã thành lập 3 đoàn cán bộ ở các địa phương để ra tiếp quản cơ sở vật chất, vừa tuyên truyền phát động nhân dân và các cơ quan dọn dẹp mương cống, ao tù đảm bảo vệ sinh môi trường cho các quán hàng, quán phục vụ ăn, uống, không làm cầu tiêu trên sông rạch mà làm cầu tiêu đời sống mới: Quản lý phân kín, có rắc tro hay dội nước tránh ruồi và có ống thông hơi cho bớt mùi hôi; kết hợp với tuyên truyền vệ sinh, vận động đồng bào ăn đũa hai đầu hoặc ăn cơm hai đũa, chống mê tín dị đoan...
Ngoài tuyên truyền vệ sinh, đi đến đâu đoàn còn tổ chức khám bệnh, cho thuốc điều trị một số bệnh thông thường. Có lúc đoàn còn dùng kính hiển vi chỉ cho bà con thấy những sinh vật nhỏ gây bệnh thường sống trong nước ao, sông rạch... thuyết phục đồng bào ăn chín, uống sôi, không phóng uế bừa bãi trên sông rạch… đồng thời, mở đợt tuyên truyền tiêm chủng ngừa dịch tả, thương hàn cho nhân dân.
Đặc biệt, lúc tiếp quản cấy Filatov và tiêm Bogomoletz được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Ty Y tế Cà Mau còn phân công một số cán bộ đi khám bệnh và tiêm thuốc cho số cán bộ tù chính trị vừa được địch trao trả, công việc được thực hiện đúng tuyến, đúng điểm. Số còn lại trong tỉnh và các tỉnh bạn được đưa về Dân Y xá I, Bạc Liêu ở vàm Cái Nhum, xã Thạnh Phú để tiếp tục điều trị. Suốt 200 ngày tập kết, cả 3 đoàn cán bộ Ty Y tế Cà Mau đều được Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ-Phạm Văn Bạch ký tặng Giấy khen.
Năm 1955, các trạm y tế của ta vừa phục vụ nhân dân vừa phải đối mặt với chính quyền Diệm-Nhu, gặp rất nhiều khó khăn trong họat động, chúng ra sức đàn áp, theo dõi, bắt bớ những người có quan hệ với kháng chiến cũ. Kẻ thù luôn có nhiều âm mưu rất xảo quyệt, chúng bắt cán bộ ta đi học cải tạo, thay đổi cán bộ từ nơi này đi nơi khác, rinh mồ, theo dõi, mua chuộc. Ngày đêm chúng liên tiếp đánh phá cơ sở của ta, trạm y tế chỉ dựa vào lực lượng của quần chúng và các cơ sở đảng ở địa phương, phải tự lực đấu tranh quyết liệt với chính quyền địch để giữ cho được cán bộ và cơ sở.
Từ việc thực hiện chủ trương 200 ngày tập kết, ngành Y tế Cà Mau rút ra được những kinh nghiệm sau: Hệ thống tổ chức của ngành y tế được tổ chức chặt chẽ, có mạng lưới rộng khắp bất kỳ giai đoạn nào cũng có mặt và có sự hoạt động của ngành y tế phục vụ cách mạng. Hệ thống tổ chức y tế đều được liên tục và đều khắp, bố trí phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng, có lúc hoạt động công khai, lúc thì bí mật, phân tán, tập trung, lúc thì phối hợp phục vụ cho cả quân và dân, lúc thì tách ra để cho hai hệ đều được phát triển.
Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho suốt 200 ngày đầy gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến, lúc nào và bao giờ, ngành Y tế Cà Mau cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình, các quan điểm, đường lối y tế của Đảng đều được quán triệt, trong suốt quá trình đã xây dựng đã tiến hành xây dựng ngành một cách toàn diện như: Vệ sinh, phòng bệnh; bảo vệ bà mẹ, trẻ em; quản lý các bệnh xã hội; khám, chữa bệnh; phát triển đông y; sản xuất và phân phối thuốc khá mạnh mẽ.
Luôn đứng trên tư thế tiến công cách mạng, không ngừng giáo dục đội ngũ thầy thuốc, liên tục đào tạo, liên tục xây dựng mạng lưới y tế cấc cấp để phục vụ sát dân. Các thầy thuốc trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ đã hết lòng, hết dạ phục vụ quần chúng, bệnh nhân, thực hiện khẩu hiệu: “Người thầy thuốc phải như mẹ hiền”, đi dân mến, ở dân thương, lúc nào dân cũng một lòng quý trọng người thầy thuốc Việt Nam.
Những người thầy thuốc ở Cà Mau vào hai cuộc kháng chiến ác liệt và gian khổ, đặc biệt 200 ngày, trăm bề thiếu thốn, nhưng đã không ngừng nghiên cứu và sáng tạo, khắc phục vô vàn khó khăn để giải quyết chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng sản xuất thuốc, thậm chí có nhiều đồng chí lấy thân mình ra để làm thí nghiệm trong những lô mẻ sản xuất đầu tiên của thuốc cấy Filatov, huyết thanh Bogomoletz, châm cứu, truyền nước dừa tươi... và cũng từ đó để cho ra hàng chục mặt hàng thuốc tiêm, thuốc nước, thuốc thoa... những thầy thuốc khi giải phẫu chỉ gây tê, khắc phục khó khăn bằng mọi cách phải cất nước ngoài mặt trận để làm dịch truyền cứu chữa thương bệnh binh, phân phối thuốc cho mọi nơi được đều đặn trong khi đồn bót địch đóng dày đặc, tàu sắt ruồng bố liên tục. Những hình ảnh đó, ngày nay nghĩ lại thật xúc động; những thầy thuốc đang đứng trên tư thế cùng một lúc: Khoa học-Kỹ thuật và Hiên ngang trên đầu thù.
Lễ kỷ niệm 200 ngày tập kết tại Cà Mau. |
Tóm lại, 200 ngày tập kết ở Sông Ông Đốc (Cà Mau) rất náo nhiệt vì vừa chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân, vừa bố trí cán bộ, đảng viên ở lại tiếp tục hoạt động và người đi tập kết, ở đâu cũng là vinh quang.
Trong 200 ngày tập trung tập kết, gần 7 tháng, các lực lượng quân dân chính Đảng được phân tập trung về các thị trấn Cà Mau, Giá Rai để chuẩn bị tập kết chuyển quân ra miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ. Thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Ty Y tế Cà Mau cùng với các ngành khác trong tỉnh đã tiếp quản 3 thị trấn: Cà Mau, Tắc Vân, Giá Rai. Đây là thời kỳ chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chính trị sau ngày các lực lượng võ trang tập kết, bàn giao lãnh thổ miền Nam cho đối phương tạm thời quản lý để sau hai năm tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp định Giơnevơ.
Ngành Y tế Cà Mau đã mất đi một số đồng nghiệp không nhỏ, nhiều cán bộ Y tế anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, dũng cảm hy sinh dùng máu thắm của mình để tô đậm trang sử vẻ vang của ngành Y tế Cà Mau cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là những hình ảnh tuyệt đẹp, mà đỉnh cao nhất là sự xả thân hy sinh một sự lựa chọn chính xác nhất giữa cái sống và cái chết, giữa cái vinh và cái nhục, giữa cá nhân mình với sự sống còn của thương binh, bệnh nhân. Đồng thời những người còn sống hôm nay rất tự hào và tự nguyên học tập: Sống như thế nào để xứng đáng với những đồng nghiệp ưu tú đó.
Khu di tích tượng đài kỷ niệm địa điểm tập kết ra Bắc tại Cà Mau. |
Kỷ niệm 70 năm sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau nhằm ôn lại một thời kỳ lịch sử in đậm dấu ấn của đất nước cũng, có giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn đối với ngành Y tế Cà Mau hôm nay, là cách tri ân thế hệ đi trước và là nền tảng để hướng đến tương lai có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn, ghi lại dấu ấn sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954, là “Địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là thế hệ trẻ; là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân đối với địa phương và cả nước.