Gà vi sinh thuận tự nhiên – Vì môi trường và sức khỏe cộng đồng
Từ trăn trở của một tấm lòng thiện lương
Tốt nghiệp ra trường, không có điều kiện xin được vào công tác trong một doanh nghiệp lớn như hằng mơ ước, Thu Thoan đành đi làm thuê với công việc chăm sóc thú y cho mấy trại chăn nuôi nhỏ. Hằng ngày diễn ra trước mắt cô là những chuồng trại bẩn thỉu ô nhiễm môi trường, những đàn gia súc gia cầm bị nhồi nhét đầy chất độc như thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh. Các trại chăn nuôi ấy muốn quay vòng vốn nhanh, chỉ hơn một tháng là xuất chuồng một lứa gà trắng nặng hai ba kí mỗi con. Lợn tăng trọng cũng chỉ ba tháng là được bán. Họ không cần quan tâm người tiêu dùng ăn phải thứ thực phẩm độc hại ấy sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe ra sao, sẽ sống chết thế nào? Hàng ngày mỗi khi qua chợ, nhìn thấy bà con mình thản nhiên mua miếng thịt bẩn đó, mua mớ rau có phun thuốc trừ sâu đó về ăn mà không hề hay biết người sản xuất đã làm những gì cho bữa ăn của họ, Thoan thấy áy náy như chính mình là người có lỗi. Từ nhà trường, từ thực tế cuộc sống, cô hiểu thực phẩm độc hại chính là tác nhân gây bệnh tật giết hại con người. Người ăn thực phẩm đâu có biết người chăn nuôi cho cái gì vào thức ăn gia súc, gia cầm, tiêm cho chúng những kháng sinh độc hại thế nào khi nó còn tồn dư trong miếng thịt. Và hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ. Không, không thể để mãi thế được. Đài, báo đã gióng những hồi chuông cảnh tỉnh rằng con số người mắc ung thư đang tăng đến mức báo động. Hàng năm Việt Nam có đến 183 ngàn người chết vì ung thư. Hiện có 354 ngàn người đang phải ngày đêm đau đớn vật lộn với chứng bệnh ung thư. WHO đã báo động Việt nam đang ở tôp thứ hai trên bản đồ ung thư thế giới.
Đàn gà vi sinh tại trang trại của chị Thu Thoan |
Đến trại gà vi sinh thuận tự nhiên
Nỗi trăn trở cứ lớn dần theo năm tháng. Thoan quyết chí tích lũy để xây dựng một trang trại gà sạch nuôi theo phương thức thuận tự nhiên và mục đích cuối cùng là làm ra được sản phẩm không những không độc hại mà còn có tác dụng bồi bổ tốt sức khỏe cho người tiêu dùng. Khâu đầu tiên, chuồng trại phải sạch, phải xử lý bằng cách ủ vi sinh cho đệm lót chuồng, đảm bảo chất thải gia súc gia cầm không làm ô nhiễm môi trường, không ruồi nhặng đem theo mầm bệnh cho vật nuôi. Về thức ăn cho gia súc gia cầm, Thoan không dùng cám công nghiệp bán sẵn mà tự phối trộn theo công thức riêng. Gà được bảo đảm đủ chất. Cùng với đạm thực vật, còn phối trộn thêm thảo dược cần thiết và có lợi cho phòng chống bệnh như cỏ nhọ nồi, tinh bột nghệ,tỏi, quế, xạ đen, dừa nước...Thoan thường rất hay tranh thủ lúc rảnh đi các địa phương miền núi xa tìm hiểu về các cây thuốc và các bài thuốc dân gian chữa bệnh cho gia súc gia cầm, về làm thử và tích lũy dần kinh nghiệm. Do vậy, đến nay Thoan đã tích lũy cho mình được công thức độc đáo để đưa vào chăn nuôi thuận tự nhiên. Có thể nói con gà trong trang trại của Thoan được bảo vệ tối đa quyền của vật nuôi: Không cắt mỏ, không dùng thuốc kháng sinh, không bị nhốt cưỡng bức, được chăn thả tự do chạy nhảy thoải mái và ăn chay hoàn toàn. Trên logo sản phẩm bán ra thị trường luôn in đậm dòng chữ “ Gà vi sinh Thu Thoan – Sức khỏe quý hơn vàng”. Chăn nuôi sạch cung cấp sản phẩm sạch và bổ cho người tiêu dùng, đó là tiêu chí phấn đấu của Thoan và chính đó cũng là bí quyết thành công của cô gái nhỏ có chí quyết tâm cao. Sản phẩm của trại gà vi sinh Thu Thoan mau chóng được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy. Đa phần khách quen mua qua online đều là những người đã ý thức được tác hại của thực phẩm bẩn tồn dư nhiều thuốc tăng trọng, kháng sinh đang trôi nổi trên thị trường. Thậm chí nhiều môn đồ của trường phái ăn chay cũng rất thích trứng gà của trạng trại gà vi sinh Thu Thoan.
Đến thăm trang trại gà vi sinh Thu thoan ở Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội, khách sẽ thấy một điều mới lạ hoàn toàn khác các khu chăn nuôi khác là không có cái mùi dễ sợ của chuồng trại chăn nuôi. Trại gà Thu Thoan đặt sát cạnh khu du lịch Thiên Phú Lâm, một khu du lịch lớn của Sóc Sơn và liền kế đó là san sát các biệt thự, nhà nghỉ sang trọng, nhưng không ai thấy dù chỉ thoảng qua cái mùi đặc trưng cố hữu của trại chăn nuội.
Chị Thu Thoan trong trang trại |
Con đường phía trước
Người ta nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn mau tới đích thì phải đi cùng bạn bè”. Điều này Thu Thoan đã nghĩ ngay từ khi lên phương án sản xuất kinh doanh. Bước đầu, từ hai bàn tay trắng gây dựng sự nghiệp có rất nhiều khó khăn, Thoan cứ cặm cụi làm một mình. Nhưng nay mọi thứ đều đã ổn, công thức thức ăn và quy trình chăm sóc kỹ thuật đã được định hình, Thoan sẽ bước sang bước phát triển đột phá mới từ năm 2024 này. Thoạt tiên là mời một vài người có vốn, có cùng tâm huyết làm nòng cốt cho Hợp tác xã. Tiếp đó, Hợp tác xã sẽ viết tất cả quy trình kỹ thuật từ xây dựng chuồng trại đến phối trộn thức ăn, cách chăm nuôi từ con giống đến khi trưởng thành...thành cuốn sách phổ biến kiến thức. Sau đó, Hợp tác xã sẽ triển khai xây dựng các trang trại vệ tinh trong bà con nông dân. Vừa qua, xem các phương tiện truyền thông đại chúng và qua cộng đồng mạng thấy được cái hay của mô hình mới này, phòng nông nghiệp huyện Xín Mần (Hà Giang), Hội nông dân huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) và một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã tha thiết mời Thoan đến trao đổi kinh nghiệm và giúp bà con nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi mới. Với các bạn bè nhiệt tình ở xa, Thoan không thể từ chối. Song Thoan vẫn muốn trước tiên là lập hệ thống trang trại vệ tinh ngay trên đất Sóc Sơn quê mình. Bởi vì, hàng ngày tận mắt Thoan thấy ở Sóc Sơn, đặc biệt là xã Minh Phú có rất nhiều đất nông nghiệp bỏ thành vườn tạp không có hiệu quả kinh tế. Chính Luật đất đai cũ đã bó tay người nông dân khiến cho đất nông nghiệp bị hạn chế hiệu quả kinh tế. Rât may, nhà nước đã sớm nhận ra điều này và Luật đất đai 2024 đã cởi trói cho đất nông nghiệp. Theo Điều 218 khoản 4 thì bắt đầu từ khi Luật có hiệu lực (1/ 8/ 2024), đất nông nghiệp được phép kết hợp thương mại dịch vụ, nghĩa là người nông dân có thể tự làm hoặc kết hợp nhà đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên mảnh đất nông nghiệp của mình. Vậy là trại chăn nuôi của bà con sẽ làm trang trại vệ tinh, còn Hợp tác xã thì có trách nhiệm lo đầu vào con giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm.
Giới thiệu về thức ăn vi sinh |
Cầm bản Dự án xây dựng mô hình trang trại vệ tinh của Hợp tác xã gà vi sinh Thu Thoan trên tay, tôi thật sự xúc động trước tâm huyết và nghị lực của người đàn bà nhỏ bé mà có tầm nhìn lớn này. Tôi và bạn, chúng ta vẫn thường xót thương và làm từ thiện giúp đỡ những người ngheo mắc bệnh ung thư không có tiền chạy chữa.Nhưng điều đó chưa hẳn đã thiết thực bằng người dám đem tất cả râm huyết, tài sản góp phần ngăn chăn tác nhân gây bệnh cho cộng đồng.