Gần chục người bị nhiễm liên cầu lợn
SK&MT - Thông tin từ ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 9 người vào viện vì liên cầu lợn có 5 ca nhiễm trùng máu, 4 ca viêm màng não mủ.
Họai tử trên da của bệnh nhân khi bị liên cầu lợn.
Đặc biệt, bệnh nhân vào viện gần đây nhất là ông N.V.B (ở Nam Định), với các biểu hiện sốt, nổi ban hoại tử trên da. Khai thác tiền sử thì được biết, trước đó bệnh nhân B. có tham gia giết mổ lợn trong đám cỗ. Hiện, bệnh nhân bị hoại tử trên da, suy thận, phải điều trị kháng sinh đặc hiệu và lọc máu hỗ trợ. Bệnh liên cầu lợn có thể gây hoại tử chân tay phải cắt cụt dẫn đến tàn ph.
Có một tỷ lệ khá cao bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn có liên quan đến việc ăn tiết canh và đây cũng là một đặc trưng khá đặc biệt của nước ta vì hầu như trên thế giới chỉ ở nước ta mới có món ăn đặc biệt này. Thời điểm người dân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn nhiều nhất thường là vào dịp tết, lễ hội, khi mà mọi người tổ chức mổ lợn ăn nhậu nhiều.
Theo bác sỹ, bệnh ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh. Vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm.
Với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
Bác sĩ Cấp cũng khuyến cáo, để phòng bệnh, không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống…Do đó, để phòng ngừa bệnh liên cầu lợn, bên cạnh đó người dân cần nâng cao ý thức tự giác phòng bằng cách không được giết mổ lợn ốm, chết; không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh; thực hiện ăn chín uống sôi.
Khi người thân có biểu hiện sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong do liên cầu lợn.
L.H (T/h)