Gian nan cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Lượng khí thải CO2 đang tăng cao kỷ lục |
Lượng khí thải CO2 đang tăng cao kỷ lục
Báo cáo được công bố tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan cho thấy tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ vào khoảng 41,6 tỷ tấn, tăng từ 40,6 tỷ tấn vào năm ngoái. Trong đó, lượng khí phát thải từ các hoạt động đốt than đá, khai thác, tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt chiếm đa phần.
Báo cáo cho biết, tổng lượng khí thải từ những hoạt động trên trong năm 2024 chiếm 37,4 tỷ tấn, tăng 0,8% so với năm 2023. Phần khí thải còn lại là từ sử dụng đất đai, trong đó tính cả phá rừng và cháy rừng.
Tác giả chính của báo cáo, ông Pierre Friedlingstein, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Exeter - đơn vị dẫn dắt 80 tổ chức thực hiện báo cáo này, cảnh báo nếu không có hành động để cắt giảm lượng khí phát thải ngay lập tức, nhiệt độ Trái Đất sẽ nhanh chóng tăng cao và thậm chí còn vượt mức tăng 1,5 độ C so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo Hiệp định Paris năm 2015, các quốc gia đã nhất trí nỗ lực kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới mức 1,5 độ C để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Mục tiêu này yêu cầu cắt giảm phát thải mạnh mẽ hằng năm từ nay đến năm 2030 và sau đó. Tuy nhiên, thực tế lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên trong thập kỷ qua.
Lượng khí thải sử dụng đất đai đã giảm trong giai đoạn này cho đến năm nay, khi hạn hán nghiêm trọng ở Amazon gây ra cháy rừng đẩy lượng khí thải sử dụng đất đai hàng năm tăng 13,5% lên 4,2 tỷ tấn. Một số nhà khoa học cho rằng tiến độ chậm chạp như vậy cũng đồng nghĩa với việc mục tiêu 1,5 độ C không thể đạt được.
Các tác giả báo cáo cũng đề cập đến dữ liệu phát thải năm nay cho thấy bằng chứng về một số quốc gia đang nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo và ô tô điện. Tuy nhiên, tiến độ rất không đồng đều với lượng khí thải của các quốc gia công nghiệp giàu có giảm và lượng khí thải của các nền kinh tế mới nổi vẫn đang tăng.
Trong ngày họp thứ hai tại COP29, căng thẳng giữa các quốc gia đã nổ ra về việc ai nên dẫn đầu quá trình chuyển đổi của thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch - nguồn sản sinh khoảng 80% năng lượng toàn cầu.
Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, nước chủ nhà của COP29, chỉ trích các nước vẫn là những nguồn tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn.
Lượng khí thải của Mỹ, nhà sản xuất và tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ giảm 0,6% trong năm nay, trong khi lượng khí thải của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ giảm 3,8%.
Trong khi đó, lượng khí thải của Ấn Độ sẽ tăng 4,6% trong năm nay, do nhu cầu điện tăng vọt xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lượng khí thải của Trung Quốc, hiện là nước phát thải lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai, dự kiến sẽ tăng nhẹ 0,2%. Các tác giả báo cáo cho biết lượng khí thải từ việc sử dụng dầu mỏ của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh, khi ô tô điện tăng thị phần.
Lượng khí thải từ hàng không và hàng hải quốc tế cũng dự kiến sẽ tăng 7,8% trong năm nay, khi du lịch hàng không tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19./.
Tổng thư ký LHQ kêu gọi tập trung vào 3 định hướng chống biến đổi khí hậu |
3 định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku (Azerbaijan), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh đến 3 định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gồm giảm phát thải, bảo vệ nhân loại trước hậu quả của biến đổi khí hậu và tài chính.
Ông Guterres nhấn mạnh các nước cần khẩn cấp giảm lượng khí thải để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, theo đó lượng khí thải phải giảm 9% mỗi năm. Đến năm 2030, chỉ số này phải giảm 43% so với mức năm 2019.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phải dẫn đầu về vấn đề này bởi đây là những nước phát thải lớn nhất, có khả năng và trách nhiệm lớn nhất.
Thứ hai, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ nhân loại khỏi hậu quả tàn khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu, nhất là các nước đang bị bỏ mặc trước những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt.
Ông Guterres cho biết sự chênh lệch giữa nhu cầu thích ứng và nguồn tài chính có thể lên tới 359 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Những khoản tiền thiếu hụt này có thể dẫn đến thiệt hại về người, mất mùa và bỏ qua cơ hội phát triển.
Về định hướng thứ ba, ông cho biết cần biến cam kết thành hành động. Ông kỳ vọng các nước sẽ thực hiện các cam kết về tài chính, còn các nước phát triển sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu lên ít nhất 40 tỷ USD vào năm 2025.
Theo ông Guterres, cam kết tài chính cho vấn đề khí hậu không phải là từ thiện mà là một khoản đầu tư, hành động vì khí hậu không phải là sự lựa chọn mà là mệnh lệnh.
Ông Guterres nhấn mạnh: "COP29 phải phá bỏ các bức tường về tài chính khí hậu. Các nước đang phát triển không được để hội nghị tại Baku trắng tay. Một thỏa thuận là cần thiết. Chúng ta cần một mục tiêu tài chính mới phù hợp với thời điểm này." Ông nói thêm rằng tài chính khí hậu là cần thiết, nếu không, nhân loại sẽ phải trả giá.
Ông Guterres cũng hy vọng COP29 sẽ thống nhất được các quy định cho các thị trường carbon công bằng, hiệu quả.
Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mức cam kết ban đầu là 100 tỷ USD mỗi năm, nhưng nay con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay.
Tuy nhiên, lãnh đạo của một số nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới không tham dự hội nghị khí hậu năm nay. Trong số đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.