Thanh Hóa: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cảnh báo sớm thiên tai
Ngành KTTV bám sát những diễn biến khó lượng của BĐKH |
Bám sát tình hình BĐKH
Việc cảnh báo sớm thiên tai giúp cho việc ứng phó được chuẩn bị tốt hơn, nhằm giảm thiểu thiệt hại, rủi ro do thiên tai gây ra cho cộng đồng. Một cảnh báo sớm hiệu quả không chỉ giúp giảm thiểu mất mát về người và tài sản, mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ thiên tai và các biện pháp phòng ngừa.
Với địa hình đặc biêt, tỉnh Thanh Hoá có nhiều dạng thiên tai nguồn gốc khí tượng thủy văn (KTTV), với đủ 19 loại thiên tai KTTV: Áp thấp nhiệt đỡi, bão, mưa lớn, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, gió mạnh, sương mù, nước dâng, lốc, sét ,mưa đá, rét hại, sương muối. Trong đó, thiên tai cực đoan, bất thường, nguy hiểm ngày càng gia tăng, khó lường, khó dự báo: Bão mạnh, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất đá….
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá có mạng lưới sông ngòi dày đặc, có sông nội tỉnh, liên tỉnh, sông xuyên biên giới; phân bố trên các địa hình đa dạng, phức tạp; nhiều vùng không có số liệu quan trắc, nhất là đầu nguồn sông Mã, sông Chu phía Lào.
Trong bối cảnh BKKH hiện nay, các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất lặp lại. Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa đã chủ động theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo KTTV để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kết hợp việc lồng ghép các số liệu của các ngành kinh tế - xã hội, thông tin địa lý để áp dụng hiệu quả và từng bước xây dựng các phương án, mô hình chuyển từ dự báo, cảnh báo thiên tai sang dự báo tác động của thời tiết, thiên tai đến dân sinh và kinh tế - xã hội.
Theo Bản tin dự báo, cảnh báo KTTV thời hạn mùa khu vực của Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa (từ tháng 11/2024 đến tháng 4 năm 2025) cho thấy: Từ tháng 8/2024 đến nay, trên sông Mã, sông Bưởi đã xảy ra 5 đợt lũ, các sông khác từ 2-3 đợt, đặc biệt trong đó có 01 đợt lũ lớn diện rộng trên các sông trong tỉnh vào các ngày từ 18 - 26/9. Trong đợt lũ này mực nước đỉnh lũ tại các trạm trên thượng nguồn sông Mã, sông Chu, sông Lèn, hạ lưu sông Bưởi ở mức BĐ3 và trên BĐ3; hạ lưu sông Cầu Chày gần BĐ3; hạ lưu sông Mã trên BĐ2; sông Âm và hạ lưu sông Chu trên BĐ1. Đây là tổ hợp lũ lớn của sông Mã, sông Chu, sông Bưởi kể từ năm 2007 đến nay (17 năm).
Mực nước trung bình tháng từ tháng 8/2024 đến nay trên sông Mã tại trạm thủy văn Lý Nhân ở mức từ 5.13 – 6.37m, trên sông Chu tại trạm thủy văn Xuân Khánh ở mức từ 1.93 – 3.45m. Lưu lượng dòng chảy trên sông Mã tại trạm thủy văn Mường Lát, thủy văn Cẩm Thủy ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 32.7 – 242%, trên sông Chu tại trạm thủy văn Cửa Đạt tháng 08 ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 5.2 – 32.7%, tháng 09 ở mức cao hơn so cùng kỳ năm 2023 từ 20.0 – 216%.
Theo Dự báo KTTV từ tháng 11/2024 - 01/2025: Từ nay đến tháng 01/2025 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2 - 3 cơn bão/ATNĐ; trong đó có cơn đổ bộ vào đất liền Việt Nam nhưng ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Thanh Hóa; Từ nửa cuối tháng 10/2024 đến tháng 01/2025 khu vực Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng từ 10 - 12 đợt không khí lạnh (KKL); các đợt KKL tràn về chủ yếu gây ra rét, riêng KKL từ giữa tháng 12 có thể gây ra rét đậm, rét hại.
Ngoài ra, KKL tràn về trong những ngày cuối tháng 10 có thể gây ra mưa vừa, mưa to; từ tháng 12/2024 đến 01/2025 KKL chủ yếu gây ra mưa, mưa nhỏ. Có khả năng xảy ra 01 đợt mưa lớn, trong thời gian từ nay đến tháng 11/2024, mưa lớn tập trung chủ yếu ở đồng bằng ven Biển và vùng núi phía Tây, Tây Nam của tỉnh.
Về khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội: KKL gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên vùng biển; ngoài ra hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét và mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng. Rét đậm, rét hại và sương muối có thể gây ảnh hưởng đến người, vật nuôi và cây trồng.
Chú trọng đầu tư và phát triển chuyển đổi số trong cảnh báo sớm thiên tai. |
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong dự báo thiên tai
Trước những khó khăn đang gặp phải tại Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa như: Mạng trạm nhiều, phân tán trên địa bàn rộng, nhiều trạm vùng núi; môi trường làm việc khó khăn (giao thông, xa trung tâm), thiếu thốn (điện, nước, văn hoá xã hộ), tiềm ẩn nhiều nguy cơ (sốt rét, rắn rết, thiên tai mưa lũ, sạt lở đất đá ở miền núi); có nhiều trạm thuỷ văn chịu ảnh hưởng của hồ chứa, máy móc thiết bị quan trắc tự động hay hư hỏng do tác động của môi trường; CBVC chủ yếu làm chuyên môn, thu nhập từ lương, đời sống khó khăn, chưa thu hút được người trẻ.
Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia dự báo khí tượng và quản lý thiên tai để nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng xử lý tình huống được xem là điều kiện cần và đủ để đảm bảo tính thiết yếu của công việc. Bên cạnh đó, công tác phát triển chuyển đối số đã được chú trọng đầu tư từ sớm để nâng hệ thống dự báo mô hình số trị có đồng hóa các loại số liệu bề mặt và viễn thám, tập trung nâng cao dự báo định lượng mưa ở các thời hạn dự báo từ cực ngắn đến dự báo dài; xây dựng, cập nhật bộ số liệu chuẩn khí hậu quốc gia và giám sát biến đổi khí hậu; tăng các dự báo sớm, dài hạn diễn biến khí hậu quy mô mùa đến 01 năm.
Cùng với đó, Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa đã phát huy những thuận lợi là được sự quan tâm của Đảng nhà nước, của Bộ, Ngành, địa phương, người dân; nhân lực tương đối dồi dào, được đào tạo cơ bản; yêu nghề. Những năm gần đây, Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng được nhiều tiến bộ KHKT để đồng bộ hệ thống quan trắc, thiết bị ngày càng được bổ sung, hiện đại tiên tiến, các sản phẩm dự báo có độ chính xác ngày càng cao…
Nhờ vậy, cơ bản đã đáp ứng nhiệm vụ đánh giá tổng thể rủi ro thiên tai, đa thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng; hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du trên toàn quốc, chi tiết đến cấp huyện; công nghệ dự báo, cảnh báo sạt lở đất thời gian thực cho cụm dân cư, khu vực cụ thể có nguy cơ cao sạt lở đất. Tích hợp các mô hình dự báo thủy văn trên các lưu vực sông lên hệ thống hỗ trợ dự báo “Phát triển hệ thống phần mềm phục vụ tích hợp dữ liệu và hỗ trợ dự báo thời tiết”.
Xây dựng công nghệ cảnh báo ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trọng điểm, ưu tiên cho khu vực đô thị lớn; công cụ cảnh báo, dự báo chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các lưu vực sông và hồ chứa; công nghệ hiện đại dự báo sóng, dòng chảy, nước dâng do bão và ngập lụt ven bờ, triều cường, lan truyền chất ô nhiễm và vật thể trôi chi tiết cho các đảo, vùng ven bờ biển, cửa sông và tuyến hàng hải; triển khai xây dựng hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng theo thời gian thực đảm bảo vận hành, điều hành hệ thống cung cấp điện linh hoạt, ổn định và an toàn.
Đáp ứng nhiệm vụ đánh giá tổng thể rủi ro thiên tai để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sự an toàn cho người dân và cộng đồng |
Như vây, nâng cao chất lượng dự báo thời tiết và cảnh báo sớm thiên tai là một trong những nhiệm vụ cấp bách để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sự an toàn cho người dân và cộng đồng. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, đào tạo nhân lực, cải thiện hệ thống thông tin và tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.