Hà Nội huy động tổng lực làm sạch phố phường, khắc phục hậu quả bão số 3
Xử lý cây đổ gãy và các sự cố giao thông
Ngành Giao thông vận tải với truyền thống đi trước mở đường đã chủ động phối hợp với các đơn vị để thu gom vệ sinh môi trường bảo đảm giao thông thông suốt an toàn cho người tham gia giao thông từ 12/9/2024.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, bão số 3 đã gây ra 1.257 sự cố, hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đo có 1.045 sự cố về đường bộ; 164 sự cố về đèn tín hiệu giao thông.
Bên cạnh đó có tổng số 61 tuyến phố do TP. Hà Nội quản lý bị cây đổ ngang đường gây cản trở giao thông; 149 vị trí ngập nước trên 118 tuyến đường; 202 nút giao thông gặp sự cố về đèn tín hiệu.
Một số cầu như: cầu Đông Yên, Đông Thượng, Bãi Tích 1, Bãi Tích 2, Bãi Tích 3 trên địa bàn huyện Quốc Oai; cầu 72 II trên địa bàn huyện Hoài Đức; cầu Chiền trên địa bàn huyện Sóc Sơn… bị ngập lụt.
Ngay từ sáng ngày 8/9 khi bão qua đi, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải và các phòng ban, địa phương vừa đảm bảo giao thông vừa khẩn trương xử lý, khắc phục sửa chữa các sự cố hạ tầng.
Đến ngày 14/9, hưởng ứng Lễ ra quân tổng vệ sinh do lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội phát động, Sở Giao thông vận tải tiếp tục tung toàn bộ lực lượng của Ban Duy tu và Thanh tra Giao thông vận tải ra các tuyến đường, hỗ trợ dọn dẹp cây xanh gãy đổ, vệ sinh đường phố...
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, trong sáng ngày 14/9, Ban Duy tu các công trình giao thông đã huy động 190 cán bộ, công nhân viên; 30 xe, máy móc, thiết bị, phối hợp với 30 người của các địa phương để dọn dẹp những tàn tích cuối cùng của bão Yagi.
Ngoài ra, 100% lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải cùng đoàn viên thanh niên Sở đã tích cực hưởng ứng ngày ra quân tổng vệ sinh đường phố, huy động 50 xe, hàng trăm máy móc cầm tay, cùng chung tay với địa phương và các đơn vị, quyết tâm khôi phục giao thông, dọn dẹp đường phố đặc biệt là xác cây xanh gãy đổ gây cản trở giao thông trên nhiều tuyến đường phố Thủ đô.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, những ngày tới, Sở sẽ tiếp tục tập trung khắc phục sự cố hạ tầng, huy động Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân đi lại an toàn qua các vị trí còn ngập úng…
Cũng trong sáng 14/9, toàn bộ 18 phường của quận Hai Bà Trưng đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây xanh gãy đổ do bão số 3 và ổn định cuộc sống người dân khu vực ngập lụt do nước sông Hồng.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, do số lượng cây xanh bị gãy, đổ trên địa bàn rất nhiều nên những ngày qua lực lượng chức năng của quận tập trung dọn dẹp tại khu vực dân cư. "Sau khi dọn dẹp xong ở các phố, khu đô thị, dân cư do quận quản lý, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Công ty Công viên cây xanh Hà Nội dọn dẹp cây xanh gãy, đổ do bão số 3 trên địa bàn. Dự kiến của thành phố là ngày 20/9 phải dọn dẹp xong hết cây gãy, đổ, nhưng chúng tôi cố gắng càng xong sớm càng tốt để trả lại cảnh quan sạch đẹp cho quận", ông Trung chia sẻ.
Quận Ba Đình đã bố trí 14 tổ công tác xử lý hậu quả cơn bão số 3, nhanh chóng trả lại cho đường phố sự phong quang, sạch đẹp.
Tại quận Cầu Giấy, những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến nhiều phường trên địa bàn quận Cầu Giấy bị gãy đổ cây. Ước tính có gần 1.200 cây bị thiệt hại.
Lực lượng thanh niên tham gia dọn dẹp cây xanh cùng các đơn vị. Ảnh: VGP |
Sáng 14/9, quận Nam Từ Liêm ra quân tổng vệ sinh môi trường tại 10 phường trên địa bàn. Được biết, nhằm đáp ứng việc nhanh chống vệ sinh môi trường sau bão số 3, UBND 10 phường đã huy động 500-700 người; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận huy động 550 đoàn viên, thanh niên; cùng các đơn vị nước sạch, môi trường và nhân dân trên địa bàn phối hợp ra quân xử lý tổng vệ sinh.
Ngoài ra, Đội Thanh tra Giao thông quận, lực lượng vũ trang quận đã chủ động kiểm tra, kiểm soát địa bàn, phối hợp cùng các lực lượng chức năng kịp thời xử lý các sự cố phát sinh, điều tiết giao thông không để ùn tắc trong thời gian tổng vệ sinh môi trường.
Việc triển khai vệ sinh môi trường sẽ được quận Nam Từ Liêm tiến hành trong 2 ngày (14 và 15/9).
Tại các huyện ngoại thành, việc đồng loạt ra quân tổng vệ sinh cũng thực hiện ngay từ sớm. Ghi nhận tại huyện Đan Phượng, ngay từ sáng sớm, tất cả thủ trưởng và cán bộ, công nhân viên các phòng, ban, cơ quan, đơn vị; lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn các huyện thực hiện tổng vệ sinh môi trường trong và ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị, trên các tuyến giao thông, các điểm công cộng…
Lực lượng chức năng của huyện đã bố trí các phương tiện cắt tỉa, hạ các cây gãy, đổ do mưa bão; nhân dân các xã cùng các hội đoàn thể tham gia quét dọn, thu gom rác thải trên các tuyến đường.
Tại huyện Thường Tín, hưởng ứng Phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội "Toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả do bão số 3", sáng nay, toàn hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thường Tín đã ra quân tổng vệ sinh dọn dẹp đường phố, các công trình, di tích, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, bão số 3 đã gây ra hậu quả khá nặng nề đối với huyện. Đáng chú ý, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ngập lụt, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Do đó, việc dọn dẹp vệ sinh môi trường là cấp thiết, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giữ gìn môi trường sống trong lành...
Nhân dân huyện Đan Phượng tham gia dọn vệ sinh môi trường sau bão. Ảnh: VGP |
Tăng cường nhân lực xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão số 3
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản về xử lý, khắc phục, bảo đảm công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn thành phố và vận hành các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố sau cơn bão Yagi.
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện nay, trên nhiều tuyến phố, khu dân cư vẫn còn nhiều cành, lá cây, vật liệu hư, đổ sau bão chưa được thu dọn, vận chuyển tới khu xử lý tập trung của thành phố, ảnh hưởng đến giao thông, môi trường, mỹ quan đô thị.
Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, do ảnh hưởng của bão, mưa nên còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình vận hành.
Để xử lý, khắc phục và bảo đảm công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn thành phố và vận hành các khu xử lý chất thải tập trung sau cơn bão Yagi, Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn tập trung nhân lực, phương tiện thu dọn, vận chuyển rác trên địa bàn về khu xử lý tập trung của thành phố.
Có phương án khử khuẩn, che phủ, bảo đảm vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn, vệ sinh trong vận hành các xe thu gom, vận chuyển rác; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) trong tiếp nhận chất thải sinh hoạt về các khu tập trung đảm bảo thông suốt, an toàn.
Đối với các địa bàn quận, huyện có tồn đọng rác chưa kịp vận chuyển tới khu xử lý tập trung, chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết tạm thời; có giải pháp che chắn nước mưa và phát sinh nước rác, thường xuyên phun chế phẩm khử mùi, diệt ruồi, muỗi bảo đảm vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Đối với khu vực thấp trũng có nguy cơ úng ngập, ngập lụt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch từ ô nhiễm chất thải, nước thải.
Đối với các khu vực còn ngập, lụt, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương huy động lực lượng, đơn vị duy trì thu gom rác thải, có biện pháp khử khuẩn kịp thời và khẩn trương có phương án vận chuyển rác tồn đọng về khu xử lý chất thải tập trung ngay khi nước rút, để đảm bảo ổn định đời sống dân sinh.
Yêu cầu các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, tập trung tăng cường nhân lực, phương tiện thu dọn, vận chuyển rác phát sinh trên địa bàn về khu xử lý tập trung. Quản lý các vị trí tập kết rác thải đảm bảo không làm phát sinh ô nhiễm, đặc biệt là nước rác phát sinh.
UBND các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây được giao tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các đơn vị vận hành tại khu xử lý tập trung trên địa bàn, đảm bảo việc vận hành an toàn, ổn định và không để xảy ra các sự cố môi trường (sạt lở, rò rỉ nước rác…).
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giao chỉ đạo các đơn vị vận hành khu xử lý 24/24h, có phương án điều phối hợp lý rác vào nhà máy và rác chôn lấp để đảm bảo tiếp nhận kịp thời và hết rác từ các địa bàn chuyển đến.
Đôn đốc, kiểm tra các đơn vị quản lý vận hành các khu xử lý tiếp tục thực hiện hàn vá vải, phủ bạt HDPE, vải dứa các diện tích bị hở do gió tốc tại các khu xử lý; tăng cường xử lý nước rỉ rác bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước rỉ rác tại Nam Sơn và Xuân Sơn.
Tiếp tục dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực bãi, điều phối hợp lý giữa chôn lấp và đốt rác bảo đảm xử lý hết khối lượng rác tồn trên địa bàn thành phố.
Thường xuyên nắm bắt, theo dõi diễn biến của thời tiết để chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành các khu xử lý tập trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có phương án phòng chống, ứng phó kịp thời và hiệu quả.