Hàng nghìn tỷ vốn tư nhân đổ vào hạ tầng hàng không
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Còn trong nước, tỉ lệ người dân đi máy bay đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới đáp ứng được nhu cầu và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Trong khi đó, hạ tầng hàng không Việt Nam đang quá tải. Việc có thêm các hãng bay mới có thể gây áp lực lên hạ tầng sân bay. Hàng loạt sân bay hiện đang trong tình trạng quá tải. Một số sân bay vừa đầu tư mở rộng xong nhưng cũng ngay lập tức đứng trước nguy cơ quá tải.
Báo động quá tải hạ tầng
Thống kê từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy, các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng)… đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế.
Rất nhiều cơ hội đang mở ra trên bầu trời. Nhưng nếu không giải quyết được sớm những thách thức về hạ tầng, ngành hàng không có thể sẽ dẫm vào "vết xe đổ" của Indonesia. Khi có nhiều hãng hàng không hoạt động mà các sân bay vẫn xưa cũ, sẽ tạo áp lực lớn cho công tác quản lý, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cũng như tình trạng hoãn, hủy chuyến tràn lan.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 21 sân bay đang hoạt động, với tổng công suất khoảng hơn 70 triệu khách/năm, chỉ bằng công suất của sân bay KLIA 1 và KLIA 2 Malaysia (75 triệu khách/năm)cộng lại vàhơncông suất sân bay Changi của Singapore (50 triệu khách/năm) – được bình chọn sân bay tốt nhất Thế giới 5 năm liên tiếp. Hai sân bay này được đánh giá nhộn nhịp nhất khu vực Đông Nam Á và Thế Giới.
Nhiều du khách phàn nàn về giá vé máy bay tại Việt Nam quá đắt vào mùa hè. Chẳng hạn bay Hà Nội - Quy Nhơn, mức giá có thể lên tới 3,6 triệu/chặng (chưa kể thuế, phí), đắt không kém bay Hà Nội- TP. HCM, dù quãng đường ngắn hơn.
Khách du lịch nước ngoài thì than phiền, muốn đến như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Quốc... để nghỉ ngơi, thường phải bay ít nhất là 2 chặng. Chặng đầu sẽ đến những sân bay lớn tại Hà Nội và TP. HCM, sau đó là chuyển tiếp. Nhiều khi khách bay đến Nội Bài (Hà Nội) hay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) từ sáng, nhưng lại phải chờ tới chiều, mới có thể bay tiếp đến Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc...
Không những thế, quá tải tại các sân bay trung chuyển lớn, khiến hành khách chờ đợi làm thủ tục trong thời gian quá dài, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Người ta từng ví, hàng không chính là “đôi cánh” của du lịch. Hàng không phát triển, sẽ giúp du lịch cất cánh, qua đó đẩy nhanh sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mới được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển.
Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 - 2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 -2030. Sản lượng vận chuyển đạt 74 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
Để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng nói trên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chính phủ Việt Nam phê duyệt sẽ có 26 sân bay với tổng mức đầu tư 10,5 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam hiện đang triển khai 11 dự án, trong đó bảy dự án sẽ hoàn tất trong ba năm tới.
Nâng cao công suất các cảng hàng không và nới quy mô phát triển đội tàu bay, trong vòng 3 năm tới là hai điều kiện cần, để mở ra cơ hội cho thị trường hàng không phát triển.
Riêng với hạ tầng hàng không, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, được coi là giải pháp khả thi, để có một hạ tầng hiện đại và quy trình vận hành khác biệt.
Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần một sự đột phá trong lĩnh vực hạ tầng hàng không. Khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế thì tư nhân hóa đầu tư sân bay là giải pháp hiệu quả. Bởi mô hình quản trị tư nhân, có thể khắc phục những hạn chế trong chất lượng dịch vụ hàng không hiện nay.
Các đại gia vào cuộc
Hiện có nhiều nhà đầu tư tư nhân, sẵn sàng bỏ vốn đầu tư hạ tầng hàng không. Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không lợi nhuận thu hồi lâu nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, lan tỏa cho phát triển kinh tế vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai và đang xin chủ trương đầu tư, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết, Cát Bi và Chu Lai…
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, là dự án đầu tiên do một Tập đoàn tư nhân đầu tư hoàn toàn, kiểm soát và vận hành, trong khi 21 dự án kia thuộc sự quản lý của Tổng công ty hàng không ACV.
Tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng” ngày 20/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến dự án này đã thừa nhận, để tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không, thời gian hoàn thiện nhanh hơn.
Cũng trong hội nghị này, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, dẫn ví dụ sân bay Vân Đồn như một bài học thành công về “tư nhân hóa”. Theo TS. Thiên, sự khác biệt giữa vấn đề tư nhân và Nhà nước cùng đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay thể hiện ở tiến độ.
Thời gian làm sân bay Vân Đồn rất nhanh, trong khi những việc cấp bách như cải tạo Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Dù sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài, Tân Sơn Nhất về quy mô, nhưng theo ông Thiên, về đẳng cấp thì như nhau.
Dự án Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đầu tư, dự định ban đầu xây dựng trong vòng 36 tháng, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhưng cuối cùng đã hoàn thành chỉ hết 2/3 thời gian và đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đây là minh chứng cho hiệu quả của vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho biết: “Vốn tư nhân chỉ cần HĐQT tập đoàn quyết là được rồi, họ có thể họp bất cứ lúc nào, họp đột xuất ba bốn lần một tháng để kịp thời đưa ra quyết định, giám sát chất lượng theo đúng ý mình”.
Không chỉ quản lý, tổ chức hoạt động tại cảng hàng không một cách chuyên nghiệp, DN tư nhân còn luôn đổi mới, sáng tạo, cải tiến trong tất cả các mặt hoạt động. Bên cạnh đó, DN tư nhân cũng đóng góp cho Nhà nước một khoản tiền lớn khi chuyển nhượng, khi mua lại các cảng hàng không và góp phần giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Mới đây nhất, Tập đoàn FLC vừa đầu tư thành lập hãng hàng không mới, Bamboo Airways, cũng thể hiện quyết tâm tham gia đầu tư vào hạ tầng hàng không. Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cũng đã liên tiếp ký hai thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay A321NEO từ Airbus và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner từ Boeing, bên cạnh việc thuê máy bay. Tổng giá trị hai hợp đồng lên đến 8,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bamboo Airways cũng như một vài chủ đầu tư khác mong muốn kiểm soát được chất lượng dịch vụ hoàn hảo hơn nữa, nhằm mang tới cho khách hàng dịch vụ xuất sắc với hy vọng được Chính phủ cho tham gia vào lĩnh vực hạ tầng hàng không.