Hòa Bình: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Tiềm năng sinh thái rất lớn
Hòa Bình có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, đa dạng, đất đai có độ màu mỡ cao; diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và đất chưa sử dụng lớn, độ che phủ rừng (51,5%) cao hơn trung bình cả nước; có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng như suối khoáng Kim Bôi, Thung Nai, động thác Bờ, thung lũng Mai Châu, rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc... Đặc biệt, Hòa Bình có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản... Hòa Bình cũng là tỉnh có tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, nhất là đất sét, đá vôi, than đá...
Theo ông Nguyễn Trần Anh – Giám đốc Sở TNMT Hòa Bình, năm 2023 và những năm tới, tỉnh tiếp tục rà soát và gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào việc xây dựng các nhiệm vụ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Tổ chức chặt chẽ việc xem xét, thẩm định về môi trường các dự án đầu tư, đặc biệt chú trọng xem xét các dự án có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như lĩnh vực chế biến nông lâm sản, sản xuất chế biến vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, chăn nuôi… |
Bên cạnh đó, Hòa Bình có nền văn hóa dân tộc đặc sắc với 786 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 18.000 hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình", tiêu biểu nhất là văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng như Mo Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước...; văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, với nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như cơm lam Hòa Bình, lợn mán, cá sông Đà, rượu cần Mường, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu, mía tím... Người dân Hòa Bình đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ làm giàu cho quê hương, đất nước.
Một dự án du lịch xanh ở Hòa Bình được bao bọc bởi thiên nhiên |
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, việc bảo vệ môi trường ở Hòa Bình vẫn còn nhiều thách thức. Như nhiều tỉnh thành và nhiều địa bàn nông thôn khác, Hòa Bình đang đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác khoáng sản, đất rừng bị tàn phá, ô nhiễm nước và mất cân bằng trong hệ sinh thái. Điều này có thể gây hủy hoại đáng kể đến sự đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có.
Nhận thức rõ về thực trạng đó, trong những năm vừa qua tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và bảo tồn các di sản thiên nhiên. Các chương trình giáo dục và tuyên truyền đã được triển khai để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc xây dựng các khu vực bảo tồn thiên nhiên và quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác tài nguyên cũng được thực hiện để giữ gìn sự cân bằng trong hệ sinh thái.
Nâng cao hiệu lực quản lý về bảo vệ môi trường
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho rằng, để bảo vệ môi trường ở Hòa Bình, cần có sự tác động tích cực từ tất cả các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, cộng đồng địa phương và du khách. Việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách thông minh và thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm sẽ giúp giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên và bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm trong khu vực. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ xanh và các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường ở Hòa Bình. Sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và xử lý chất thải một cách bền vững là những giải pháp cần được thúc đẩy. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn khác nhau như ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và du khách.
Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.569ha. Có 2 KCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng là: KCN Lương Sơn và KCN Bờ trái sông Đà. Đối với cụm công nghiệp (CCN), toàn tỉnh có 38 CCN với tổng diện tích là 2.209,03ha. Hiện có 8 KCN và 17 CCN đi vào hoạt động. Các dự án được lựa chọn thực hiện sản xuất trong khu, CCN đều theo định hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Tỉnh Hòa Bình cũng đã xây dựng phương án để tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn đã đạt được những kết quả nhất định. Không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Công tác thẩm định về môi trường các dự án đầu tư mới ngày được xem xét, thẩm định chặt chẽ nhằm loại bỏ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích đầu tư các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp không khói và không nước thải. Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2019, cơ quan chức năng đã tổ chức xem xét, thẩm định hồ sơ về môi trường cho 260 dự án; tổ chức kiểm tra, trình xác nhận công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành cho 60 dự án…
Để bảo vệ môi trường, tỉnh Hòa Bình cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh gắn kết với công nghiệp chế biến, du lịch, nhất là những nông sản có thế mạnh; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Triển khai hiệu quả chương trình "mỗi xã một sản phẩm - OCOP". Trong đó chú trọng 5 yếu tố: Xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, vốn tín dụng, ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển thị trường. |
Xác định bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà còn yêu cầu sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và du khách. Mỗi người dân và du khách đến Hòa Bình đều có thể đóng góp bằng cách duy trì vệ sinh cá nhân, giảm lượng rác thải và sử dụng các sản phẩm tái chế. Đồng thời, việc tôn trọng các quy định và hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong quá trình tham quan và khám phá cũng rất quan trọng.