Hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời
Sáng 31/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kết quả Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung được phân công tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các vị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thành phố Hà Nội…
Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết cuộc làm việc nhằm rà soát lại thể chế, chính sách, pháp luật liên quan tới lĩnh vực mà Bộ phụ trách, nhất là lĩnh vực văn hóa, theo tinh thần Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW; kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; diễn đàn văn hóa mà Quốc hội và các cơ quan hữu quan tổ chức tại Bắc Ninh.
Đối với công tác xây dựng thể chế, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, nhất là chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật.
Nhắc lại 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất tại Hội thảo văn hóa 2022 cần thực hiện ngay để hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội cho rằng để có nguồn lực cũng cần phải có thể chế, chính sách quy định.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, rà soát tổng thể các văn bản hiện hành để đánh giá, đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Bộ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức giám sát, sơ kết, tổng kết việc thi hành luật, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một cách đồng bộ.
Về định hướng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bộ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hoặc thay thế các luật hiện hành có phát sinh vướng mắc do ban hành quá lâu, chưa theo kịp, đáp ứng yêu cầu hiện nay như: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Báo chí để sửa đổi, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, 2025. Bộ nghiên cứu, đề xuất để đưa vào xây dựng 1 số dự án luật mới về biểu diễn để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; luật về hoạt động văn học trước mắt chưa có thì cần phải có nghị định, tiến tới nghiên cứu xây dựng thành luật vào đầu nhiệm kỳ sau.
Bộ tiếp tục nghiên cứu, căn cứ lý luận, thực tiễn và đề xuất ban hành các luật, quy định chuyên ngành cho giai đoạn tới (như Luật Mỹ thuật; Luật Nhiếp ảnh; Luật Tài trợ, hiến tặng; Luật Bản quyền tác giả, tách nội dung từ Luật sở hữu trí tuệ...). Nhấn mạnh đây là những đề tài khoa học rất thiết thực với cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các cơ quan hữu quan cần bắt tay vào thực hiện.
Nêu rõ ưu đãi về lĩnh vực văn hóa chính là ưu đãi cho toàn dân vì người thụ hưởng cuối cùng về văn hóa là nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung 1 số nội dung của luật chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, các luật về thuế… Với Luật Xuất nhập cảnh, nhất là vấn đề về visa, tính đến khả năng nếu không sửa toàn diện, có thể đưa vào nghị quyết chuyên đề hoặc nghị quyết chung nhằm tháo gỡ vướng mắc về visa để kích cầu du lịch và quảng bá về văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trong đó, Bộ chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về việc đầu tư các công trình văn hóa, thể thao mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cấp bách, đặc thù cần có cơ chế, giải pháp riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần về văn hóa, thể thao và du lịch thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”
Bộ tập trung triển khai Nghị quyết 572 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 trong lĩnh vực văn hóa, du lịch; phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chuẩn bị tốt cho phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2021” dự kiến tháng 12/2023… quan tâm và có biện pháp hiệu quả để giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực Bộ phụ trách…
Quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam
Nội dung thứ hai của cuộc làm việc là bàn định hướng về nội dung, cách thức tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức dự kiến vào tháng 9/2023 tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là sự kiện đối ngoại có tầm quan trọng rất lớn, là diễn đàn quốc tế dành cho nghị sỹ trẻ và giới trẻ.
Chủ đề của hội nghị là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.” Hội nghị có 3 chuyên đề gồm chuyển đổi số; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đại diện tham gia Ban Tổ chức, các tiểu ban; phối hợp chuẩn bị nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại Phiên thảo luận chuyên đề về Giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững; phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, quảng bá về văn hóa, du lịch của Việt Nam; phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại thanh niên; phối hợp tổ chức các hoạt động triển lãm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và các sản phẩm OCOP do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì; các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có Gala Dinner, nhằm quảng bá tới bạn bè thế giới về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và vai trò của giới trẻ Việt Nam…
Nội dung thứ ba của cuộc làm việc là chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức một số nước châu Mỹ Latinh của Chủ tịch Quốc hội nhân kỷ niệm các năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ có các hoạt động như tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam tại các nước, trong đó có liên hoan nghệ thuật, triển lãm ảnh, tuần phim Việt Nam… đều có liên quan tới các lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm; góp phần xây dựng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy quảng bá những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc tới bạn bè quốc tế, hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người và du lịch Việt Nam tới các hội đoàn thân hữu yêu mến Việt Nam, phát huy tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ tổng hợp các nội dung, nhiệm vụ được giao để tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển và chấn hưng văn hóa Việt Nam; đồng thời phát triển du lịch, thể thao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Toàn ngành sẽ nỗ lực, cố gắng với tinh thần quyết tâm cao nhất, tăng cường sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhất là các cơ quan của Quốc hội.
Trong năm nay xây dựng Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về văn hóa để sớm trình Quốc hội xem xét, phê duyệt, góp phần tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển văn hóa. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các nội dung về mặt thể chế chính sách theo đúng tinh thần “thể chế là khâu đột phá" mà Bộ phải chủ động rà soát trong phạm vi lĩnh vực của mình.
Theo TTXVN