Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần 2
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo
Sau phát biểu khai mạc Hội thảo của PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, TS. Luật sư Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã giới thiệu các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần 2. TS.Luật sư Nguyễn Huy Quang đã đặc biệt lưu ý, làm rõ nội dung, ý nghĩa và sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 23 điều tại Dự thảo lần 2. Trong đó có những điều mang tính chất “đột phá” đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, như “ giấy phép hành nghề có thời hạn tối đa 5 năm, kể từ ngày cấp” (điểm 3, điều 17); mở rộng đối tượng có Giấy phép hành nghề từ 6 nhóm đối tượng theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành lên 11 nhóm, bao gồm 5 đối tượng chức danh nghề nghiệp phải thi đánh giá năng lực để cấp Giấy phép hành nghề gồm bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, kỹ thuật viên có thực hiện các kỹ thuật y khoa trực tiếp trên người bệnh và 6 đối tượng chức danh nghề nghiệp xét cấp Giấy phép hành nghề gồm kỹ thuật viên không thực hiện các kỹ thuật y khoa trực tiếp trên người bệnh, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, người thực hiện tiêm chủng, cấp cứu ngoại viện, chăm sóc viên (hộ lý). Ngoài ra còn có 3 đối tượng phải có Giấy phép hành nghề tạm thời.
TS. Luật sư Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế giới thiệu các nội dung cơ bản Dự thảo Luật Khám beejnhm chữa bệnh (sửa đổi) lần 2
Tại Hội thảo, các chuyên gia như TS. Trần Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội Y học Việt Nam, PGS. Trần Thị Thu Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Khám chữa bệnh Bộ Y tế; GS. Trần Quỵ, Ủy viên Thường vụ Tổng hội Y học VN, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, GS. Trần Đức Vy, Chủ tịch Hội Sản khoa VN, Bác sĩ, luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Trưởng ban Tư vấn Giám định và phản biện xã hội Tổng hội Y học VN đã có những tham luận chi tiết, cụ thể đối với nhiều điều quy định tại Dự thảo. Các tham luận đánh giá cao Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần 2 đầy đủ hơn, chi tiết hơn, phạm vi điều chỉnh của Luật được bổ sung mở rộng hơn về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh, quy trình chuyên môn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới, vấn đề sự cố y khoa không mong muốn, vấn đề khiếu nại, tranh chấp trong khám chữa bệnh và cách giải quyết…Đồng thời cũng đưa ra nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể về nội dung các điều, khoản tại Dự thảo. Trong đó có những đóng góp làm rõ tính chất đặc biệt, đặc thù của nghề y từ đào tạo tới hành nghề; đánh giá, xử lý sự cố y khoa không mong muốn (70% liên quan đến lỗi hệ thống, 30% liên quan đến lỗi cá nhân); điều kiện để cấp Giấy phép hành nghề phù hợp với xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế; việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia với tư cách một tổ chức tương đối độc lập với Bộ Y tế, nhằm tư vấn, hợp tác với Bộ Y tế trong việc hành nghề khám chữa bệnh…
GS. Trần Quỵ phát biểu tại hội thảo
TS. Trần Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội y học VN phát biểu tại hội thảo
Cùng với các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, các thành viên tham dự còn đóng góp ý kiến bằng văn bản để Tổng hội Y học Việt Nam tập hợp gửi ban soạn thảo Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Bộ Y tế, với mong muốn đóng góp được nhiều nhất vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất.
Thu Trang