Huyện Tiền Hải (Thái Bình) kỷ niệm 195 năm thành lập
Dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình; đại biểu các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố kết nghĩa; đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang…
Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải. |
Tiền Hải là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống văn hiến, lao động cần cù, sáng tạo. Cách đây 195 năm (năm 1828), dưới sự tổ chức và chỉ huy của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, sau thời gian khẩn hoang đại quy mô tại bãi biển Tiền Châu được hoàn thành - huyện Tiền Hải được thành lập.
Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Tiền Hải đã đóng góp to lớn về sức người, sức của với trên 22.000 người tham gia quân đội. Trong đó có 4.928 liệt sĩ, 618 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.500 thương binh, bệnh binh, 2.200 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 427 lão thành cách mạng, 66 gia đình có công với nước, trên 11.000 người tham gia hoạt động kháng chiến.
Tiền Hải tự hào là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như vị võ tướng Vũ Đức Cát thuộc triều đại Tây Sơn, nhà tư tưởng Bùi Viện đề xướng duy tân đất nước dưới triều nhà Nguyễn; nhà yêu nước, nhà thơ Ngô Quang Bích, Phó bảng Trần Xuân Sắc…
Cách đây 195 năm (năm 1828), dưới sự tổ chức và chỉ huy của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, sau thời gian khẩn hoang đại quy mô tại bãi biển Tiền Châu hoàn thành, Huyện Tiền Hải được thành lập. Từ đó, nối tiếp nhiều thế hệ cư dân góp sức khai khẩn đã biến vùng đất sình lầy, chua mặn, hoang sơ, hẻo lánh thành miền đất đầy sức sống. Từ công cuộc khai hoang lấn biển, quai đê xây dựng hệ thống đại thủy nông toàn diện, những cánh đồng rộng lớn theo ô bàn cờ được sắp hàng thẳng tắp, gắn với cách bố trí các làng ấp dân cư tài tình của Doanh điền Nguyễn Công Trứ đã làm lên truyền thống gắn liền với những thành tựu của huyện Tiền Hải ngày nay.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân huyện Tiền Hải ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, các cao trào cách mạng từ những năm 1930 đến 1945 đã góp phần làm nên cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, từ các làng quê yên bình, đã có hơn 20 nghìn người con ưu tú của Tiền Hải hăng hái lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Trong thời kỳ xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần “Tiếng trống năm 30”, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện Tiền Hải ngày càng phát triển trên các lĩnh vực.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Trong thời gian tới, huyện Tiền Hải cần phát huy tiềm năng, lợi thế là huyện có biển. Huyện cần tập trung nghiên cứu phát triển theo hướng khai thác không gian biển, tạo đột phá về kinh tế biển, đưa huyện phát triển theo hướng tiến ra biển như các bậc tiền nhân đã từng khai phá. Tập trung xây dựng phát triển đô thị biển theo hướng hiện đại, sinh thái đảm bảo cho sự phát triển đô thị mà vẫn đảm bảo được các giá trị biển và môi trường.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu, huyện Tiền Hải cần chủ động, sáng tạo hơn nữa để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh; phải khai thác cho được các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, cơ chế chính sách của Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững.
Ông Phạm Ngọc Kế - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, những năm qua huyện Tiền Hải không ngừng đổi mới, hội nhập và phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (2021 - 2023) của huyện ước đạt 11,01% (so sánh 2010), trong đó cơ cấu kinh tế năm 2023: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 23,7%; công nghiệp, xây dựng ước đạt 63,05%; dịch vụ, thương mại ước đạt 13,25%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 63,5 triệu đồng/năm. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đến tháng 10/2023, toàn huyện có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao…