Indonesis, Nga, Anh có số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt
Sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh được cho là do xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới, chẳng hạn như biến thể Delta được tìm thấy lần đầu tiên ở Ấn Độ. Tại Jakarta, số lượng giường bệnh được sử dụng đã tăng vọt lên 75% trong tuần này.
Đến nay, Indonesia là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á. Quốc đảo này ghi nhận hơn 1,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 53.700 người chết. Những con số này được cho là quá thấp do thiếu các xét nghiệm trên diện rộng.
Trước tình hình ca mắc mới tăng mạnh, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho các nhà chức trách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. “Chúng tôi cần tăng tốc tiêm chủng để hướng đến miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19”, ông Joko Widodo nói.
Tổng thống Widodo cho biết, ông đã yêu cầu cơ quan chức năng tăng số người được tiêm chủng mỗi ngày lên 1 triệu người vào tháng tới. Ông cho biết Indonesia đang tiêm vaccine cho nửa triệu người mỗi ngày.
Hơn 350 bác sỹ và nhân viên y tế Indonesia mắc COVID-19 dù đã tiêm vaccine của hãng Sinovac Trung Quốc.
Ông Badai Ismoyo, người đứng đầu văn phòng y tế huyện Kudus, tỉnh Trung Java cho biết hàng chục người trong số này phải nhập viện vì sốt cao và mức bão hòa oxy giảm. Các trường hợp còn lại không có triệu chứng và cách ly tại nhà.
Kudus đang phải đối mặt với đợt dịch bùng phát được cho là do biến thể Delta gây ra. Hiện huyện này chỉ còn 10% giường bệnh trống.
Nằm trong nhóm ưu tiên, nhân viên y tế Indonesia là những người đầu tiên được chích ngừa vaccine khi đợt tiêm chủng của nước này bắt đầu được triển khai vào tháng 1.
Theo Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI), hầu hết nhân viên y tế Indonesia được tiêm vaccine do Sinovac - công ty dược phẩm sinh học của Trung Quốc phát triển. Hiện vẫn chưa rõ hiệu quả của vaccine này trong việc đối phó với biến thể Delta.
Dữ liệu cho thấy các bác sỹ, y tế ở Kudus mắc biến thể Delta.
Trong báo cáo cập nhật tình hình mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi Indonesia siết chặt biện pháp phong tỏa để giảm đà lây nhiễm của của biến thể Delta.
-Thủ đô Matxcơva của Nga đang đối mặt với biến thể COVID-19 mới có khả năng lây lan nhanh chóng, khiến ca nhiễm bệnh tăng vọt.
Các số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm bệnh tăng mạnh hàng ngày ở Nga trong thời gian qua. Cuối tuần trước, thủ đô Matxcơva ghi nhận 7.704 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhiều nhất trong một ngày kể từ hôm 24/12/2020. quốc.
Thị trưởng Sergei Sobyanin cho biết, hôm 18/6, số ca nhiễm nCoV tại thủ đô của Nga có thể sẽ hơn 9.000 - đây sẽ là mức cao nhất được ghi nhận ở Matxcơva kể từ khi đại dịch bùng phát. Tính đến đầu tháng 6, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Matxcơva chủ yếu dưới 3.000.
Một đột biến mới đã xuất hiện, lây lan nhanh hơn. Nó có nhiều khả năng xâm nhập vào hệ thống miễn dịch của người bệnh”, Thị trưởng Sergei Sobyanin nói, song không đề cập cụ thể biến thể đang khiến ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở thủ đô của Nga.
Thị trưởng Sobyanin cũng cho biết, Matxcơva đang tăng nhanh số giường bệnh để điều trị cho trường hợp nhiễm bệnh tăng vọt, đồng thời cho biết sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, đại diện của cơ quan giám sát sức khỏe người tiêu dùng Nga cho biết, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 do biến thể Delta - lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, đang tăng lên đáng kể trên toàn Nga.
Chính quyền Matxcơva đã yêu cầu những người làm việc cộng đồng, thường tiếp xúc với dân tiêm vaccine COVID-19. Thị trưởng Sobyanin cho biết, số lượng người đăng ký tiêm chủng đã tăng gấp ba lần vào hôm 17/6. Ông cũng hy vọng sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 mới sẽ là lời cảnh báo, thúc đẩy nhu cầu tiêm vaccine của người dân.
Hôm 17/6, Anh ghi nhận thêm 11.007 ca mắc COVID-19, mức tăng ca bệnh trong ngày cao nhất kể từ 19/2. Số ca bệnh này cao hơn gần 2.000 ca so với số liệu ghi nhận một ngày trước đó là 9.055 ca.
Số ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua tại Anh cũng tăng 34% so với tuần trước đó, với mức trung bình là 7.888 ca/ngày trong 7 ngày.
Giáo sư Paul Elliot, người đứng đầu nghiên cứu cho biết số ca mắc biến thể Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hiện chiếm tới hơn 90% ca bệnh mới ở Anh.
Cách đây vài tuần, số ca nhiễm nCoV ở Anh chỉ dao động khoảng 2.000 trường hợp và số người chết chạm về mức 0.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, hầu hết các ca bệnh mới đều nằm ở nhóm người trẻ tuổi chưa tiêm phòng. Giới chức Anh đang hy vọng việc đảo quốc sương mù mở rộng tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành trên 18 tuổi từ 19/6 sẽ tạo ra sự khác biệt.
Anh vẫn đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng của mình. Hiện tại, hơn 80% dân số Anh đã được chích ngừa 1 liều vaccine, 58,2% được tiêm chủng đầy đủ.
Nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc, Anh từng tính tới kịch bản gỡ bỏ hoàn toàn hạn chế chống dịch vào ngày 21/6. Tuy nhiên do số ca bệnh gia tăng chóng mặt, Thủ tướng Boris Johnson quyết định hoãn kế hoạch này thêm 4 tuần. Ông Johnson cho rằng việc trì hoãn 4 tuần sẽ giúp các cơ sở y tế của nước này có thêm thời gian quý giá để chuẩn bị, đồng thời đẩy mạnh được chiến dịch tiêm chủng, trong đó đặc biệt quan trọng là việc tiêm mũi hai cho các công dân trên 40 tuổi và mũi đầu tiên cho một bộ phận giới trẻ hiện chưa chấp nhận tiêm chủng.
Theo Thủ tướng Anh, nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, nước Anh sẽ không phải trì hoãn kế hoạch gỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế quá ngày 29/7.
Linh Đức