Khai mạc lễ hội Sen lần đầu tiên tại Hà Nội năm 2024
Tham dự lễ khai mạc có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ngô Văn Dụ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.
Lễ hội là hoạt động do TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Tây Hồ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị thực hiện nhằm quảng bá thương hiệu sen Hà Nội, đồng thời tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội nói chung, của vùng đất Tây Hồ nói riêng. Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và những ngày lễ lớn của đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc Lễ hội. |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ bao đời, hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Bởi vậy mà người Việt Nam luôn tự hào thể hiện nét đẹp của sen trước bạn bè quốc tế.
Sen đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, âm nhạc, hội họa và rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Sen cũng là hình ảnh, chất liệu được đưa vào nhiều sản phẩm ứng dụng trong đời sống hàng ngày.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột. Trong đó, có tơ sen “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất hay trà sen Tây Hồ nức tiếng bởi hương vị tinh túy của trời đất; mâm cỗ sen sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo hút khách ở làng cổ Đường Lâm…
Ban Tổ chức Lễ hội sen Hà Nội năm 2024 đón nhận các Kỷ lục Việt Nam. |
“TP Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, đây là một hoạt động cụ thể hiện thực hóa Chương trình 04-CT/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06-CT/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.
Ban Tổ chức trao giải cuộc thi ảnh “Người đẹp áo dài và Sen". |
Ban Tổ chức tặng quà tri ân các nhà tài trợ. |
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức trong 5 ngày, từ 12 đến 16-7-2024 do thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Tây Hồ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị thực hiện nhằm quảng bá thương hiệu sen Hà Nội, đồng thời tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội nói chung, của vùng đất Tây Hồ nói riêng.
Các hoạt động chính của lễ hội gồm: Lễ khai mạc; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen; Triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình Khảo sát - Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”.
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”; Ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” với sự tham gia của 7.000 người đạp xe quanh hồ Tây; chương trình “Sen kết nối yêu thương” thăm tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách trên địa bàn quận…
Đặc biệt, tại lễ khai mạc, tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 2 chứng nhận Kỷ lục là "Số lượng người đạp xe tham gia hành trình xanh sắc sen Tây Hồ đông nhất Việt Nam với 7.000 người" và "Số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen đông nhất Việt Nam là 1.000 người".
Lễ khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội tạo điểm nhấn bởi sân khấu trên mặt nước. |
Cùng với đó, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc với trên 100 gian hàng của 33 tỉnh, thành trong cả nước trưng bày quảng bá hơn 1.000 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền hội tụ về đây; chương trình khảo sát - hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024”...
Trong không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về sen với điểm nhấn là bức tranh kính chân dung Bác Hồ được ghép từ gần 2.000 bức ảnh về sen của các vùng miền và Bức tranh "Thăng Long Huyền Diệu Hoa" được tạo tác từ trên 2 vạn bông hoa sen. Hai bức tranh này lần đầu tiên được ra mắt người dân Thủ đô và du khách trong nước, quốc tế.
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ hội. |
Tại lễ khai mạc, người dân và du khách được thưởng thức Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen” tại sân khấu nổi trên mặt nước.
Chương trình gồm 4 chương, tương ứng với 4 bối cảnh lịch sử cũng như giai đoạn vòng đời của một bông hoa sen cũng như một con người. Đó là câu chuyện về sự sống của loài sen được kết tụ tinh hoa của đất trời, từ lúc ươm mầm, lớn lên, kết nụ, nở hoa… từ đó tóm lược ngắn gọn câu chuyện về cuộc sống của người dân Việt từ xưa đến nay. Chương trình sử dụng nhiều bài hát quen thuộc đan xen cùng những tác phẩm mới, như: “Phố cổ”, “Quê hương Việt Nam tôi”, “Hồn sen”…