Không đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý, khắc phục ô nhiễm các lưu vực sông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thuỷ lợi rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương), nhưng nhiều năm qua đã trở thành "kênh nước thải", bị ô nhiễm trầm trọng.
Ô nhiễm nguồn nước đã đến ranh giới đỏ
Cách đây 3 năm, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm của hệ thống Bắc Hưng Hải. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá chính xác, đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được (số nguồn ô nhiễm, chất lượng nước, lượng nước thải đã xử lý…); phân tích nguyên nhân các mục tiêu chưa đạt, trong đó xác định rõ ràng trách nhiệm; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách, kỹ thuật, đầu tư, nhấn mạnh vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
"Quá trình khắc phục ô nhiễm môi trường ở hệ thống Bắc Hưng Hải có thể coi là mô hình thí điểm để có phương án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường hết sức nhức nhối của các đoạn sông, dòng sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn. Ô nhiễm nguồn nước đã đến ranh giới đỏ. Các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để xử lý triệt để nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp", Phó Thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, tổng lượng nước xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 439.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 317.300 m3/ngày đêm, hầu hết chưa qua xử lý. Nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 71.155 m3/ngày đêm đều được thu gom, xử lý tập trung. Nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ bên khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi hầu hết đều xả trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Trong giai đoạn 2018-2022, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra 835 cơ sở xả nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền khoảng 25,7 tỷ đồng.
Từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 562 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 19,2 tỷ đồng; lập danh sách 405 điểm xả nước thải chính với lưu lượng 5 m3/ngày đêm trở lên; lập hồ sơ quản lý, theo dõi 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Khẩn trương có giải pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt
Bên cạnh một số kết quả đạt được, cuộc họp thống nhất đánh giá nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải là nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải, phần lớn đang xả trực tiếp ra môi trường; 86% nước thải cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý; hầu hết nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý.
Ngoài ra, hệ thống Bắc Hưng Hải tiếp tục xảy ra hiện tượng bồi lắng lòng chảy, lấn chiếm lòng sông, bờ sông, vứt rác, xả rác, chất thải xuống sông vẫn tái diễn, gây nên ách tắc dòng chảy, nước tồn đọng, không lưu thông. Những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho hệ thống Bắc Hưng Hải thiếu, do mực nước sông Hồng tại cống Xuân Quan xuống thấp hơn mức thiết kế, nên hệ thống Bắc Hưng Hải hoàn toàn chỉ là kênh dẫn lưu chuyển nước thải từ hoạt động dân sinh và công nghiệp trong vùng xả ra, làm cho ô nhiễm nguồn nước trầm trọng hơn…
Lãnh đạo các bộ, ngành kiến nghị cần khẩn trương có giải pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đang xả trực tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải; huy động, khuyến khích doanh nghiệp có năng lực tham gia vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đối với làng nghề, cụm công nghiệp, khu dân cư… theo hình thức hợp tác công tư; rà soát, lồng ghép quy hoạch về hệ thống thu gom, xử lý nước thải vào quy hoạch chung của các địa phương, bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân báo cáo về thực trạng ô nhiễm của hệ thống Bắc Hưng Hải sau 3 năm triển khai các biện pháp khắc phục - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Đại diện UBND TP. Hà Nội, tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh khẳng định sự cần thiết phải ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư nhà nước hoặc có cơ chế kêu gọi xã hội hóa cho triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho nước thải sinh hoạt đô thị, đảm bảo đến năm 2030 thu gom và xử lý cơ bản nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu đô thị, khu dân cư tập trung có xả thải vào hệ thống.
Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đề xuất giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường nguồn nước đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải trực tiếp, gián tiếp vào hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, yêu cầu hoàn thiện, nâng cấp các công trình xử lý nước thải.
Tại cuộc họp, đại diện một số DN môi trường đã trình bày các giải pháp kỹ thuật xử lý nguồn nước thải, kiến nghị cơ chế thực hiện các dự án xử lý nước thải theo phương thức hợp tác công-tư, đơn giá dịch vụ xử lý nước thải…
Khắc phục ô nhiễm lưu vực sông không giới hạn ở một địa phương
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quá trình khắc phục ô nhiễm trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải cho thấy luật pháp, cơ chế, chính sách đã đầy đủ nhưng cần nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật của các cấp, các ngành.
"Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có tính liên hợp, liên quan đến hệ thống sông nhánh, vì vậy, cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định thống nhất, không đùn đẩy trách nhiệm. Bộ TN&MT là đầu mối chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối. Các biện pháp, giải pháp tiếp cận phải mang tính tổng thể, không giới hạn trong một địa phương", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Những nguồn nước thải có chứa kim loại nặng xả trực tiếp ra môi trường cần tập trung xử lý quyết liệt, dứt điểm ngay - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Trên phạm vi cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp Bộ TN&MT xem xét, tính toán điều chỉnh, lồng ghép, tích hợp đưa hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung vào trong các quy hoạch chung của tỉnh, thành phố, làm căn cứ để bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư.
Bộ Xây dựng tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ văn bản chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, nông thôn để bổ sung, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác công-tư trong xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; xác định mức giá dịch vụ xử lý nước thải theo lộ trình tính đúng, tính đủ để bảo đảm lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp bằng ngân sách nhà nước và nguồn thu phí xử lý nước thải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp.
Các bộ: TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nước thải sau khi xử lý tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm căn cứ để tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát… yêu cầu tổ chức, cá nhân tuân thủ theo đúng pháp luật bảo vệ môi trường và xác định trách nhiệm khi có vi phạm.
Các địa phương khẩn trương đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng hoặc không đấu nối vào hệ thống chung. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường nguồn nước. "Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính để có chính sách hỗ trợ hoạt động xử lý nước thải của các làng nghề", Phó Thủ tướng lưu ý.
Siết lại hoạt động quản lý môi trường nguồn nước
Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước hết sức phức tạp, trong khi công tác quản lý còn lỏng lẻ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải siết lại hoạt động quản lý theo đúng thẩm quyền, quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phải nắm được toàn bộ các nguồn nước thải cũng như các hệ thống thu gom, xử lý nước thải, quan trắc đang vận hành trên cả nước thông qua việc hướng dẫn các địa phương thu thập, xây dựng dữ liệu về nguồn nước thải (loại nhà máy, loại hình nước thải, thành phần, tổng lượng, tình trạng xử lý)… từ đó hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung; có lộ trình thiết lập trạm quan trắc đối với những nguồn nước thải quy mô lớn, có chất thải nguy hại, công khai số liệu quan trắc để các cấp, các ngành và người dân cùng tham gia giám sát. "Những nguồn nước thải có chứa kim loại nặng xả trực tiếp ra môi trường cần tập trung xử lý quyết liệt, dứt điểm ngay", Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Bộ NN&PTNT cùng Bộ TN&MT phối hợp xây dựng phương án điều tiết, duy trì, tạo dòng dòng chảy của các dòng sông, hệ thống thuỷ lợi một cách linh hoạt, trong đó có giải pháp phát triển trạm bơm bổ cập nước, nhằm thúc đẩy quá trình tự làm sạch nguồn nước.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT ưu tiên bố trí nguồn lực cho hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trong các dự án cải tạo, xây dựng mới hạ tầng đô thị, nông thôn sử dụng vốn đầu tư công của các địa phương, trước hết là những tỉnh, thành phố có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải chảy qua.
"Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định không cấp phép cho dự án đầu tư mới có xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải. Chúng ta nhất định không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng khẳng định và cho rằng cần ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xử lý tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông, hệ thống thuỷ lợi gắn với trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương theo tiến độ cụ thể; đưa nhóm nhiệm vụ, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải là một trong những nhóm nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách thuộc cơ chế điều phối của Hội đồng điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng.