Kinh tế Mỹ mất 5.000 tỷ USD do Covid-19
Thiệt hại kinh khủng này là kịch bản tồi tệ nhất nếu như người Mỹ không đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trên diện rộng, từ đó cản trở nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế giữa các làn sóng dịch bệnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Glen Burnie, Maryland, Mỹ.
Đại dịch đã gây thiệt hại nghiêm trọng hơn nhiều so với những kịch bản lạc quan nhất. Trước đây, các nhà nghiên cứu dự báo kinh tế Mỹ sẽ mở cửa lại hoàn toàn sau ba tháng mà không bị làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tuy nhiên, mô hình dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng Mỹ sẽ giảm 14,8% GDP, tức 3.200 tỷ USD.
Ông Adam Rose, Giáo sư nghiên cứu tại USC, nói: “Đó là thiệt hại lớn hơn so với thời Đại Suy thoái”.
Theo ông Rose và đồng nghiệp, nhìn nhận theo cách khác, thiệt hại GDP của Mỹ tại thời điểm tệ nhất do COVID-19 sẽ gấp bốn lần thiệt hại của Trung Quốc – quốc gia đã áp đặt biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và bị phong tỏa trong thời gian ngắn hơn.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu lập mô hình dự báo ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với GDP sau khi các bang ở Mỹ hồi tháng 3 đóng cửa mọi doanh nghiệp và dịch vụ công không cần thiết để phòng dịch.
Mô hình cho thấy GDP suy giảm rất mạnh, có lúc giảm tới 22,3% so với mức bình thường. Đó là trong năm đầu tiên. Sau đó, khi nhu cầu kinh tế tăng lên, GPD sẽ bắt đầu tăng 14,8%, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của Mỹ trong điều kiện COVID-19 chưa từng xảy ra.
Đóng cửa doanh nghiệp bắt buộc và mở cửa lại một phần nền kinh tế là các nhân tố lớn nhất khiến kinh tế suy giảm, nhưng hành vi người tiêu dùng (như tránh mua sắm đông người và tụ tập) cũng đóng vai trò quan trọng.Hành vi này có thể khiến GDP thiệt hại 900 tỷ USD trong kịch bản tệ nhất. Vì người tiêu dùng ở những nơi như California không thể tham gia nhiều hoạt động như ăn uống trong nhà hàng nên họ không phải chi tiêu.
Theo kênh BBC, lần đầu tiên số người nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt mốc 100.000 người. Con số này cao gấp đôi so với đầu tháng 11.Trên quy mô toàn quốc, Mỹ đã có trên 14,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 282.000 người chết.
Các số liệu đã tiếp tục tăng trong những tuần gần đây khi Mỹ có thêm khoảng 1 triệu ca mắc mới mỗi tuần trong tháng 11, tức là cứ mỗi phút lại có 99 ca bệnh. Những con số gây sốc trên được đưa ra khi giới chức Mỹ cảnh báo hệ thống y tế quốc gia đối mặt với tình trạng căng thẳng chưa từng có tiền lệ trong mùa đông này. Đây có thể sẽ là cơn ác mộng dịch bệnh tồi tệ nhất.
Ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận định: “Thực tế là tháng 12, tháng 1 và 2 năm tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử y tế công cộng nước Mỹ”. Các chuyên gia y tế đang chờ dấu hiệu gia tăng ca bệnh sau Lễ Tạ ơn (26/11).
Ba bang đông dân nhất Mỹ là California, Texas và Florida nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mỗi bang ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19. Thống đốc bang California Gavin Newsom ngày 3/12 đã ra lệnh mọi người dân ở nhà, nói rằng ông sẽ “đạp phanh khẩn cấp” do virus trỗi dậy, đe dọa làm quá tải các bệnh viện. Các khu vực còn chưa đầy 15% giường bệnh chăm sóc đặc biệt sẽ bị phong tỏa ít nhất 3 tuần.
Thành phố Los Angeles đã phản ứng với đợt gia tăng số ca mắc bệnh chưa từng có tiền lệ bằng cách ra lệnh cho mọi người dân ở nhà. Lệnh tương tự cũng đang có hiệu lực ở hạt Los Angeles, tâm chấn dịch bệnh hiện tại ở Mỹ.
CDC đã kêu gọi mọi người hạn chế đi lại trong dịp Giáng sinh sắp tới. Tuy nhiên, CDC cũng nới lỏng quy định về thời gian cách ly sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh từ 14 ngày xuống còn 7-10 ngày. Trước đây, theo hướng dẫn của CDC, người dân được khuyến nghị cách ly 14 ngày sau khi có khả năng phơi nhiễm. Theo thông báo mới, những người không có triệu chứng có thể kết thúc cách ly sau 10 ngày mà không cần xét nghiệm; những trường hợp đã xét nghiệm và có kết quả âm tính thì thời gian cách ly rút xuống còn 7 ngày.
Mỹ đang tiến gần tới các mốc không mong muốn về số ca tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, ông Redfield cho rằng có thể giảm thiểu được số ca tử vong nếu như người dân tuân thủ các chiến lược ngăn chặn virus lây lan, đặc biệt là các biện pháp phòng dịch cá nhân. Ông Redfield đã trích dẫn một báo cáo của CDC cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 mới ở các hạt bắt buộc người dân đeo khẩu trang đã giảm 6%, trong khi các hạt không bắt buộc đeo khẩu trang có số ca mắc mới tăng 100%.
Đức Linh