Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030 và Quyết định công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II
Quang cảnh buổi lễ công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì tặng cho thành phố Yên Bái và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II |
Dự Lễ công bố về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Trần Hồng Hà - Uỷ viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phùng Quốc Hiển - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Yên Bái dự Lễ công bố. |
Các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Quân khu 2; lãnh đạo đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái và Hội đồng thẩm định Đồ án nâng loại đô thị thành phố Yên Bái; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Ninh Thuận, Lào Cai; lãnh đạo các thị xã, thành phố thuộc các tỉnh trong cụm đô thị Tây Bắc, đơn vị kết nghĩa với thành phố Yên Bái.
Về phía tỉnh Yên Bái, dự Lễ công bố có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Tạ Văn Long – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Yên Bái và thành phố Yên Bái qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Buổi lễ đã long trọng công bố Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công bố Quyết định của Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương lao động Hạng nhì cho thành phố Yên Bái và Quyết định công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Yên Bái.
Theo đó, Đồ án Quy hoạch tỉnh Yên Bái có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh nhà, tạo động lực mạnh mẽ để Yên Bái phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững. Phạm vi, ranh giới lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên 6.892,67 km2, 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 7 huyện (Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình).
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".
Mục tiêu tiếp theo của Quy hoạch là phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; phấn đấu đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc", thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. |
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái; trao Quyết định công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Yên Bái cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Yên Bái.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho thành phố Yên Bái. |
Việc thành phố Yên Bái chính thức được công nhận là đô thị loại II là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố tỉnh lỵ, mở ra thời cơ và vận hội mới, để Yên Bái tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố hướng tới đô thị loại I, trở thành một trong các đô thị động lực quan trọng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Yên Bái cần tiếp tục phát huy những lợi thế từ ngành công nghệ xanh.
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Việc thành phố Yên Bái đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được công nhận là đô thị loại II là sự khẳng định những thành tựu phát triển với vai trò, vị thế là trung tâm, động lực tăng trưởng của tỉnh Yên Bái và hướng tới là một trong các đô thị động lực của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đạt được trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng cho rằng, Yên Bái có lợi thế rất lớn để phát triển ngành lâm nghiệp sinh thái theo hướng sử dụng đa mục đích như kinh tế các bon, sản xuất dưới tán rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính...; kết hợp với nông nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá...
Đồng chí đề nghị tỉnh Yên Bái cần quan tâm quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống logistic hiện đại như một "chìa khóa” để phát triển hạ tầng giao thông, phát huy nguồn lực đất đai, thực sự là động lực phát triển các khu công nghiệp xanh, công nghệ cao.
Cùng với đó, khẩn trương triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn; gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ (TOD) tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, tạo nguồn lực từ quy hoạch, xa hơn là cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Yên Bái cần công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch; chú trọng bảo vệ và phát triển rừng; rà soát quy hoạch lại các điểm dân cư, các công trình hạ tầng, nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét; tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển thành phố Yên Bái nhanh, bền vững trên cơ sở định hướng của Quy hoạch tỉnh, sớm đạt tiêu chí đô thị loại I và là một trong các đô thị động lực của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Quyết tâm phát triển tỉnh Yên Bái theo Quy hoạch đã đề ra
Phát biểu tại Lễ công bố, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định: Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân Yên Bái rất vui mừng, phấn khởi khi đồ án Quy hoạch tỉnh Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chính thức công bố và càng vinh dự, tự hào khi thành phố Yên Bái - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II, được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Đảng và Nhà nước trao tặng.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy phát biểu tại Lễ công bố. |
Bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn đã dành cho tỉnh Yên Bái, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ xin tiếp thu đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy cũng trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực, những đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, quân và dân toàn tỉnh nói chung, thành phố Yên Bái nói riêng qua các thời kỳ; dặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ và đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân.
Phát huy những thành quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đoàn kết đồng lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh Yên Bái theo đúng Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Ngay sau Lễ công bố là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Yên Bái – khát vọng vươn xa” với sự tham gia của hàng trăm diễn viên chuyên và không chuyên đến từ các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng, hội tụ sắc màu văn hóa các dân tộc anh em trên địa bàn Yên Bái với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Đăng Dương, Tấn Minh...
Chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Yên Bái – khát vọng vươn xa”. |
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương. Chương I - "Những trang sử hào hùng”, tái hiện những dấu son lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển đi lên của tỉnh Yên Bái; là những dấu ấn trang sử hào hùng, là đất và người Yên Bái gắn với tên tuổi của các chí sỹ yêu nước, các di tích lịch sử, văn hoá của mảnh đất giàu truyến thống. Nội dung mang đến nhiều xúc động cho người xem là sự tái hiện hoạt cảnh lịch sử Bác Hồ lên thăm Yên Bái, nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái vào ngày 25/9/1958 tại Sân vận động thị xã Yên Bái xưa (nay là Khu di tích Lễ đài sân vận động thành phố Yên Bái).
Chương II có nội dung “Sức bật cho thành phố bên sông”. |
Chương II - "Sức bật cho thành phố bên sông” rộn ràng với các ca khúc ca ngợi sức trẻ của thành phố Yên Bái, khắc hoạ hình ảnh thành phố Yên Bái từ một trung tâm đô thị nhỏ bé từ thuở ban đầu cách đây hơn một thế kỷ đến hôm nay đã trở thành đô thị đa chức năng, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Yên Bái với diện mạo ngày càng khởi sắc, khang trang, sạch đẹp, mang đậm nét đặc trưng của một đô thị miền núi, tiêu biểu, xứng tầm vị thế là một đô thị quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Chương III – “Khát vọng vươn xa” thể hiện quyết tâm và khát vọng về một thành phố với sức bật vươn xa. |
Chương III - "Khát vọng vươn xa” thể hiện quyết tâm và khát vọng về một thành phố với sức bật vươn xa, ý chí tự lực, tự cường, xứng tầm một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Yên Bái đang chuyển mình mạnh mẽ, hòa chung nhịp điệu phát triển, cùng bứt phá, vươn lên, trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”.
Chương trình nghệ thuật đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách. |
Ngay sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật, các đại biểu, nhân dân và du khách đã cùng tay trong tay tham gia màn múa sạp trong niềm vui đoàn kết. Màn múa sạp được luyện tập, đầu tư kỹ lưỡng với sự tham gia của 2.023 diễn viên đến từ các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng tại 15 xã, phường trên địa bàn thành phố mang đến không khí vô cùng sôi động, phấn chấn, tự hào niềm vui lớn thành phố quê hương trở thành đô thị loại II.
Màn dân vũ với sự tham gia của 2.023 diễn viên quần chúng trên địa bàn thành phố. |