Lệ thi xôi, gà: Nét đẹp văn hóa truyền thống đình Phú Lộc
Các làng cổ Nghi Khúc tên nôm (Bưởi Cuốc), Đại Bái (Bưởi Nồi), Đoan Bái (Bưởi Đoan), Ngọc Xuyên (Bưởi Xuyên) nằm ở bên bờ 3 nhánh sông cổ là: Yên Bình (Bình Ngô), Bái Giang (Đại Bái), Nghi Tuyền (Nghi An) là 3 chi lưu tiếp nước sông Đuống chảy xuống Thuận Thành và Gia Bình. Thần tích truyền rằng, tại ngã 3 sông có một vực nước lớn tục gọi “Vực Thiêng”, bên bờ vực có ngôi đền thờ Tam Vị Đại Vương Lạc Thị linh thiêng nổi tiếng. Các làng Bưởi cùng thờ chung các vị thần ở đền này hằng năm mở hội làng xã rất lớn dân gian gọi là hội tứ xã. Đặc biệt, đình Nghi Khúc còn bảo lưu được cuốn Thần tích chữ Hán viết vào thời Lê, sao lại vào thời Nguyễn, đã ghi lại về truyền thuyết Vực Thiêng và Thần được thờ ở ngôi đền.
Lệ thi xôi, gà đẹp trình thánh tuổi 50 vào ngày hội truyền thống ở khu Nghi Khúc, phường An Bình vẫn được gìn giữ đến ngày nay. |
Chuyện rằng vào một buổi trưa trời đất bỗng tối sầm, một tiếng sét lớn dữ dội, gò đất cạnh nơi gần bến sông tạo nên một vực rộng và sâu. Sau tiếng sét lớn một vòng hào quang tỏa sáng dòng nước cuồn cuộn ba con rồng nổi lên đầu đều hiện chữ “Vương” sáng chói, theo thần phả là ba vị Thủy Thần Tam Lạc Thủy. Nhân dân dựng miếu thờ, gặp năm đại hạn, đốt hương cầu khẩn, tai ương qua khỏi, nắng hạn được mưa, mùa màng tươi tốt. Trải các triều vua, các vị thần ở đây đều được ban tặng sắc phong và mỹ tự. Hàng năm đến ngày mồng 4 tháng 2 đền được mở hội. Nhân dân trong vùng tổ chức rước kiệu đến đền, múc một bình nước về đình, làm lễ cầu phúc. Đền rất linh thiêng, thường ngày, tùy theo dân đến cầu khẩn, cũng được ban điều tốt lành. Trải bao biến thiên lịch sử, đình và đền Nghi Khúc đều bị phá hoại trong kháng chiến chống Pháp. Những năm 1989-1992, dân làng khôi phục lại ngôi đình theo dáng vẻ truyền thống. Đó là tòa đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền tế 3 gian 2 chái và Hậu cung 2 gian, mái ngói, đao cong.
Ông Đào Văn Tâm, Trưởng ban hương lão khu Nghi Khúc cho biết: Hàng năm, đình Phú Lộc được mở hội vào mồng 4 tháng 2 (âm lịch). Các làng Bưởi ngày nay vẫn giữ được tục thờ chung Thần với nhau. Mỗi khi hội hè đình đám, làng đăng cai sẽ được các làng khác cử đại diện có lễ đến để tế lễ và giao lưu. Đặc sắc nhất trong ngày lễ hội ở Nghi Khúc là lệ thi xôi gà trình thánh tuổi 50 đến nay vẫn được duy trì. Những người tuổi 50 được dân làng báo trước 1 năm để nuôi gà và chuẩn bị gạo nếp ngon. Gạo nếp từ 15 đến 20 kg phải được chọn kỹ, trắng loại bỏ hạt đốm, vàng, đen vo gạo đến trong nước đem ngâm và đãi sạch mới nấu thành xôi, đóng vào mâm sao cho gọn. Gà dáng cân màu đẹp khi nuôi nhốt riêng chế độ cho ăn cơ bản gạo xay và ngô đỏ, uống nước sạch, gà phải đạt từ 4,5 kg trở lên đến khi thịt mang ra đình để làm lễ thánh. Thịt gà yêu cầu phải có chuyên môn từ lúc cắt tiết, vặt lông và mổ phải cẩn thận không để sứt sát da và bất kể bộ phận nào của gà xong khâu lại các vết cắt tiết và mổ, lấy những thanh tre lạt buộc cố định vào gà sao cho cổ phải đứng, mỏ ngang về phía trước không ngoái lên cũng không chúc xuống, đôi cánh dang rộng chân hơi quỳ làm sao cho gà đứng được rồi cho vào xoong đun nước sôi dội từ đầu xuống, khi đổ nước ngập gà đun nước chỉ lăn tăn sôi là nghỉ và ngâm gà 6 đến 8 tiếng vớt ra cho đứng trên mâm cởi hết tre và lạt. Người chấm thi lấy tuổi 54 của làng cộng người có chuyên môn. Tiêu chuẩn xôi phải trắng mặt phẳng một màu từ trên xuống dưới, chân gọn, bốn mâm lấy một giải tất cả đồng giải nhất. Tiêu chuẩn gà được giải phải đứng trên mâm không đổ, màu da vàng hai cánh thẳng đầu mỏ không chổng lên, không chúc xuống không thiếu bộ phận nào của cơ thể nếu thiếu là bất túc sẽ bị loại, đặc biệt lông tơ phải sạch, đến khi lựa chọn xong chặt một nhát theo dọc xương sống nếu gà bị đỏ cũng bị loại. Tương truyền rằng những người được giải xôi hoặc gà làm ăn phát đạt hạnh phúc viên mãn. Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Ông Nguyễn Đăng Mỵ, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Nghi Khúc cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước và công đức của nhân dân, năm 2023 đã khánh thành dự án tân tạo khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa đình Phú Lộc bao gồm các hạng mục: Hạ cốt nền sân hai bên tòa đại đình, xây dựng bức bình phong, lát đá xanh sân đình, đường vào cổng đình, tường hoa đá cùng một số hạng mục phụ trợ với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đình Phú Lộc được xây dựng từ lâu đời, thờ Lạc Thị Tam Đại vương, là những thủy thần gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân thời dựng nước. Hiện, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị thời Lê - Nguyễn như: Thần tích, ngai, bài vị, hương án, các đồ thờ tự, 11 đạo sắc phong. Đình Phú Lộc được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 15-1-2009 của Chủ tịch UBND tỉnh. Đình Nghi Khúc và lễ hội đặc sắc hằng năm đã góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.