Mối quan hệ “mẹ chồng - nàng dâu”chưa bao giờ hết nóng…
Th.s Bích Hường (ngoài cùng bên trái) cùng các hưu trí phường Hưng Long về thăm chùa Nam Sơn. TP Đà Nẵng.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để duy trì những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong xã hội ngày nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg vào ngày 4/5/2001 về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Th.s Bích Hường nhận định mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu chưa bao giờ hết nóng.
Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Nhân ngày gia đình Việt Nam, Sức khỏe & Môi trường điện tử xin gửi đến độc giả bài viết của Th.s Nguyễn Thị Bích Hường nguyên giảng viên bộ môn văn học Việt Nam hiện đại, Trường ĐH Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng về mối quan hệ “mẹ chồng – nàng dâu”. Dưới đây là toàn văn bài viết của tác giả.
Th.s Bích Hường trong lần dẫn các sinh viên Cử nhân báo chí – khóa I trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đi thực địa miền bắc năm 2011. Ảnh chụp tại Ngã ba Đồng Lộc.
“Một trong những mối quan hệ luôn được quan tâm, luôn trở thành ‘ĐỀ TÀI’ nóng hổi với chị em là mối quan hệ Mẹ chồng - Nàng dâu!
Từ xưa đến nay, khi nói đến mối quan hệ này, thông thường, người ta chỉ nghĩ đến khía cạnh ‘không tốt’, ‘không hay’, ‘không đẹp’. Những câu chuyện kiểu như: Trong bữa ăn, người mẹ chồng định gắp phần đuôi con cá thì cô con dâu cất tiếng ‘Mẹ ơi, mẹ đừng gắp cái đuôi vì nó có sạn’ và câu ca “Du hời du hỡi là du/ Con cá đù đù có sạn đàng đuôi” được truyền từ khi nào đó đến bây giờ với hàm ý chê trách nàng dâu! Cũng có câu ca oán trách mẹ chồng “Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê/ Tui ở không được, tui về nhà tui”v.v…
Trên thực tế, việc tạo dựng được mối quan hệ thật tốt giữa mẹ chồng và nàng dâu thường rất khó khăn. Về tâm lí, nhiều người mẹ vị kỉ, muốn ‘độc chiếm’ con trai sau khi đã dồn rất nhiều tình yêu vào con trai! Nhiều người mẹ cảm thấy bị ‘mất con’ khi có người con gái khác ‘xen’ vào, ‘tách’ con trai ra khỏi mình, thậm chí ‘chiếm đoạt hẳn’ con trai yêu quý của mình! Về tình cảm, nhiều người mẹ cảm thấy bị ‘tổn thương’, bị ‘phản bội’ khi đứa con trai mình chăm bẵm lâu nay bỗng dưng dành hết tình yêu cho một ‘đứa’ con gái xa lạ ‘trên trời rơi xuống’, ‘đứa’ con gái đó sao lại sướng thế mà mình - người mẹ chồng - thì sao lại khổ thế! (Nam Cao có truyện ngắn ‘Nhìn người ta sung sướng’ diễn tả rất hay tâm lí này). Đó là chưa kể người con trai vì những lẽ khác nhau mà vô tình làm ‘tổn thương’ mẹ qua hành vi săn sóc người yêu/ vợ quá chu đáo ngay trước mặt mẹ! Những việc nhỏ kiểu như người con trai dắt xe máy từ nhà ra sân cho vợ nhưng không đẩy xe đạp cũng từ nhà ra sân cho mẹ hay đi đâu về câu đầu tiên không phải hỏi thăm về mẹ mà là hỏi ‘Vợ con đâu’, v.v…và v.v…Từ phía nàng dâu cũng có những việc tương tự, nhất là sự thay đổi 180 độ trước và sau khi về làm dâu! Nếu trước thời điểm đó, nàng dâu e thẹn, bẽn lẽn, lễ phép, tình cảm, chu đáo bao nhiêu thì sau thời điểm đó (đáng tiếc thay) có những nàng dâu đã quay ngoắt lại, hành xử rất lạnh nhạt, thậm chí phũ phàng!
Nhưng trong sự thay đổi của cuộc sống, dần dần, nhất là hiện nay, nhiều mẹ chồng đã nhận thức được rằng cần thương yêu chiều chuộng con dâu vì ‘nó’ sẽ là người chăm sóc khi mình già yếu. Nhiều mẹ chồng biết câu ‘Con gái là con người ta/ Con dâu mới thật là ra con mình’ để từ đó thương con dâu như con gái! Các nàng dâu, nhất là các nàng dâu thời @ cũng có nhận thức sâu rộng hơn, hiểu chuyện hơn, đối xử với mẹ chồng tốt hơn cho dù có lúc trong đầu vẫn nghĩ ‘Thương chồng (mà) nghĩ đến mụ gia/ Chơ tui với mụ có bà con chi’!
Trộm nghĩ, trong một gia đình, nếu quan hệ Mẹ chồng – Nàng dâu mà tốt đẹp thì nhiều chuyện sẽ êm thấm, cuộc sống gia đình sẽ ấm cúng, hạnh phúc, thật may mắn thay! Còn nếu không thì…ối khổ ơi là khổ!!!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Tác giả Th.s Nguyễn Thị Bích Hường sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Quảng Trị. Ngay từ khi còn rất nhỏ, bà đã được bố mẹ gửi đi tập kết tại Thanh Hóa. Sau khi học xong Đại học, bà được phân công về giảng dạy tại trường Cao đẳng sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng hiện nay. Hiện nay Th.s Nguyễn Bích Hường đang sinh sống cùng người thân tại phường Hương Long, Tp Huế. Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng Th.s Hường vẫn năng nổ tham gia các công tác đoàn thể tại địa phương.
Nguyễn Cường (Ghi theo lời kể tác giả)