Mỹ: Khởi động chiến dịch hậu cần phục vụ cho tiêm chủng vaccine
Lô vaccine được hãng hàng không United Airline chuyển từ Bỉ đến Mỹ, ngày 2/12.
Chiến dịch có sự góp sức của các nhà khoa học, công nhân nhà máy đến tài xế xe tải, chuyên gia dữ liệu, quan chức, dược sĩ và nhân viên y tế. Tủ đông siêu lạnh, đá khô, kim tiêm, khẩu trang và băng gạc cần được phân phối đồng thời tại hàng nghìn địa điểm trên cả nước.
Thách thức lớn nhất trong quá trình vận chuyển là duy trì dây chuyền lạnh với mức nhiệt âm 70 độ C. Dù đã qua nhiều lần diễn tập và lập kế hoạch dự phòng, rất nhiều sự cố có thể xảy ra. "Mối quan tâm lớn nhất không phải là chúng tôi cần làm gì, mà là liệu các mũi tiêm còn dùng được không khi đến nơi", Shawn Seamans, giám đốc cấp cao phụ trách chương trình phân phối tại công ty McKesson, nói.
Nếu không đảm bảo được dây chuyền lạnh, vaccine có thể bị hỏng hoàn toàn. Lỗi từ khâu hậu cần cũng làm chậm các chuyến hàng chuyển đến cơ sở y tế. Nếu bệnh viện gặp khó khăn trong việc sắp xếp lịch tiêm chủng, khâu rã đông sẽ trở thành thảm họa. Bản thân đại dịch cũng có thể khiến cho một số nhóm lao động tham gia chiến dịch tiêm chủng phải giải tán. "Mọi thứ phải phối hợp với nhau, từ bao bì, đá khô, lọ đựng đến nguyên liệu. Tất cả cần đến đúng nơi, đúng thời điểm, đủ số lượng và có đủ người sẵn sàng chờ tiêm chủng ở đó. Hiện tại, quá trình này như bản giao hưởng không có nhạc trưởng". Yossi Sheffi, giám đốc Trung tâm Vận tải & Hậu cần MIT, nhận định.
Các chuyên gia cho biết việc vận chuyển có thể phát sinh nhiều vấn đề do đây là loại vaccine mới. Lọ chứa khả năng bị vỡ trên đường đi, nhân viên xử lý có thể nhầm lẫn giữa các thùng hàng. Pfizer thậm chí đã đề ra biện pháp an toàn để ngăn chặn việc đánh cắp vaccine.
Chương trình tiêm chủng toàn quốc cần đến lượng lớn khẩu trang, kim tiêm, gạc tẩm cồn và nước cất. Trong nhiều tuần, nhân công tại công ty McKesson đã chuẩn bị các thùng dụng cụ nặng 22 kg, đủ dùng cho 1.000 mũi tiêm. Lô hàng sau đó được vận chuyển bằng máy bay và xe tải đến hàng trăm viện dưỡng lão, bệnh viện và trung tâm y tế trên toàn quốc.
Đảm bảo từng chiếc hộp đến đúng địa chỉ là một thách thức. Tiến sĩ Rachel Levine, một quan chức y tế bang Pennsylvania, cho biết trong buổi diễn tập phân phối vaccine giả định Pfizer cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một số bộ dụng cụ tới địa điểm tiêm chủng muộn hai ngày.
Trong nhiều tháng, các sân bay của Mỹ đã chuẩn bị cho đợt tiêm chủng lịch sử. Bernhard Kindelbacher, phó chủ tịch phụ trách hàng hóa của hãng hàng không Deutsche Lufthansa AG, cho biết họ được thông báo trước khoảng 5 ngày về việc xuất nhập khẩu vaccine.
Mỹ chỉ định 64 địa điểm, bao gồm các bang, thành phố và vùng lãnh thổ được phép thành lập cơ sở tiêm chủng. Các liều vaccine dự kiến sẽ tới 145 bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước trong ngày 14/12.
Trước khi FDA quyết định cấp phép, các bệnh viện đã tiến hành kiểm tra nguồn điện dự phòng, cài đặt nhiệt độ cho tủ đông và gấp rút quyết định nhóm ưu tiên tiêm chủng.
Các bệnh viện cũng phải sắp xếp lịch tiêm chủng cho người dân và nhân viên y tế để tránh đông đúc, đảm bảo tình trạng giãn cách xã hội trong toàn bộ quá trình. Tiến sĩ Paul Biddinger, giám đốc y tế của hệ thống y tế Mass General Brigham, cho biết các bệnh viện sẽ phải vứt bỏ những liều tiêm không dùng đến nếu bất cứ ai lỡ lịch hẹn chủng ngừa.
Hồi tháng 7, chính phủ Mỹ đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu mũi vaccine của Pfizer, đủ dùng cho khoảng 50 triệu người. Đây được coi là thỏa thuận vaccine lớn nhất từ trước đến nay. Đối tượng tiêm chủng ưu tiên là nhân viên y tế, lao động tuyến đầu, thành viên tại các trung tâm dưỡng lão và chăm sóc lâu dài. Dự kiến đến tháng 9/2021, toàn bộ người dân Mỹ sẽ được tiêm vaccine. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm sau, Mỹ có thể đạt mức miễn dịch cộng đồng lý tưởng.
Linh Đức