Na Hang (Tuyên Quang): Phát triển kinh tế bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện
Thị trấn Na Hang phấn đấu trở thành đô thị loại IV vào năm 2025. |
Phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng và ổn định
Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế - thị trường có biến động; sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực đối mặt những khó khăn, thời tiết diễn biến bất lợi, hạn hán kéo dài, mưa dông, bão lũ, đồng thời các cơ chế, chính sách được tháo gỡ thì khối lượng công việc, nguồn vốn đầu tư phải thực hiện trong năm là khá lớn. Song với sự lãnh đạo kịp thời của Huyện ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động, tích cực tập trung quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ, tình hình kinh tế - xã hội của huyện duy trì và phát triển ổn định, một số chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông, lâm nghiệp được tập trung chỉ đạo, đảm bảo tiến độ, khung thời vụ; các hoạt động lễ hội, văn hoá, văn nghệ diễn ra sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách; quyết liệt chỉ đạo và tập trung đẩy nhanh tiến độ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện; công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên được tăng cường quản lý; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%; các hoạt động tuyên truyền, văn hoá diễn ra sôi nổi, có nhiều đổi mới; lao động việc làm, thực hiện chính sách xã hội, chăm lo cho người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán được quan tâm; công tác dân tộc, tôn giáo, trật tự xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Nghị quyết của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 2 Trong nước nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ yếu tố bên ngoài và những hạn chế bất cập nội tại của nền kinh tế, chi phí sản xuất kinh doanh cao, trong khi đó dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy và sự chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Huyện ủy, giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kết quả thực hiện ước đạt và vượt 18/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu đề ra: Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 42,3 triệu đồng/người/năm, đạt 103,7% kế hoạch (kế hoạch giao 40,8 triệu đồng/người/năm). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên 1.307 tỷ đồng, đạt 112,8% kế hoạch, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp thuỷ sản tăng trên 4%/năm. Sản lượng lương thực đạt trên 19.358 tấn, đạt 100,3% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ năm 2023. Trồng mới trên 556 ha rừng, đạt 105,0% kế hoạch, trong đó trồng rừng tập trung trên 526 ha, đạt 105,3% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng trên 78,4%. Thu hút trên 450.000 lượt khách du lịch, đạt 128,6% kế hoạch, tăng 81,8% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội về du lịch đạt 540 tỷ đồng, đạt 122,7% kế hoạch, tăng trên 81,8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 2.240 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn (thu nội địa) trên 55 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới (các xã: Năng Khả, Côn Lôn, Thanh Tương, Khâu Tinh) và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Hồng Thái); đạt mới nông thôn mới 01 xã (xã Đà Vị), hoàn thành kế hoạch. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 24,8%, đạt kế hoạch giao. Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học; 100% xã, thị trấn giữ vững phổ cập các bậc học; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt 62,8%, tăng 7,8% kế hoạch; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 19/28 trường, đạt 67,8% kế hoạch,…
Hồ Na Hang được ví như một Hạ Long trên cạn. |
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện
Trong năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội phục vụ nhiệm vụ chính trị, dịp lễ, tết và hưởng ứng khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang; đặc biệt chương trình nghệ thuật đặc sắc tại buổi khai mạc Lễ hội Hương sắc Na Hang với chủ đề “Lung linh huyền thoại hồ trên núi”6 thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tổ chức thành công các hoạt động hưởng ứng ứng Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024. Ước thực hiện năm 2024 thu hút trên 450 nghìn lượt khách, đạt 128,6% kế hoạch năm, doanh thu ước đạt 540 tỷ đồng, đạt 122,7% kế hoạch năm, vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Na Hang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Phát triển các sản phẩm du lịch mới: du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm trong rừng, nghỉ dưỡng, cắm trại, du lịch ngày và đêm trên lòng hồ, khu Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh tế ban đêm và tuyến phố đi bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các điểm du lịch trên địa bàn, các tuyến đường giao thông kết nối; thực hiện phương án trồng cây xanh, trồng hoa… cải tạo, chỉnh trang không gian cảnh quan, bảo vệ môi trường. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nhân lực làm du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về dịch vụ, du lịch trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Từ quý III năm 2024, huyện Na Hang bắt đầu tổ chức thu phí tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình huyện Na Hang và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang trong khu vực lòng Hồ thủy điện Tuyên Quang thuộc phạm vi huyện Na Hang quản lý. Qua đó, nhằm tạo nguồn thu để tái đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, tu bổ phục hồi và quản lý đối với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tạo sự chuyển biến về phát triển du lịch, thúc đẩy và làm tốt hơn nữa chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Thác Mơ, một trong những điểm đến du lịch của huyện. |
Năm 2025, huyện Na Hang định hướng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có để phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững, tạo sinh kế cho các tầng lớp nhân dân. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hoá với phát triển du lịch. Quan tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ. Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; Làng văn hóa du lịch thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái; Làng văn hóa du lịch thôn Nà Khá, xã Năng Khả; Làng văn hóa thôn Bản Bung, xã Thanh Tương...; du lịch khám khu rừng nguyên sinh và khám phá hệ thống hang động; rừng nghiến; các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện…duy trì và tiếp tục tổ chức Lễ hội Hương sắc Na Hang, các lễ hội truyền thống, hoàn thiện mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn huyện và tại một số nơi phù hợp, mô hình tổng hợp nông, lâm nghiệp thủy sản gắn với du lịch. Hoàn thành xây dựng hình ảnh, mẫu mã sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của huyện; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, vay vốn đối với các hộ gia đình, điểm du lịch để phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch. Phối hợp với các ban, ngành của tỉnh tiếp tục xây dựng Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp tỉnh, tiến tới có thương hiệu quốc gia, quốc tế. Phối hợp triển khai các bước lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình gắn với phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chỉ đạo giải quyết kịp thời các điểm nghẽn nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, việc triển khai thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; tập trung khai thác có hiệu quả về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử để tiếp tục thu hút phát triển các loại hình du lịch của huyện: Du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Trong đó tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông đến các khu điểm du lịch, Hạ tầng bến thuỷ, chợ đêm, các điểm checkin, hệ thống điện, chiếu sáng, wifi,...trồng hoa, cây xanh; hoàn thành xây dựng hình ảnh, mẫu mã sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của huyện; giải quyết kịp thời các điểm nghẽn nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, việc triển khai thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn.