Năm 2024, ngành Y tế đã có nhiều thành tựu nổi bật
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoạch định chính sách là công việc lớn, vĩ mô đối với sự phát triển của ngành y tế, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa đến công tác này - Ảnh: VGP |
Thành tựu đáng tự hào
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, trong những năm qua, ngành y tế đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu. Bộ Y tế đã đạt và vượt toàn bộ 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (số bác sĩ trên 10.000 dân ước đạt 14, chỉ tiêu Quốc hội giao là 13,5; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34, chỉ tiêu là 32,5; tỉ lệ tham gia BHYT đạt 94,1%, chỉ tiêu là 94,1%); đạt và vượt 8/9 chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01-NQ/CP năm 2024.
Bộ Y tế có bước tiến vượt bậc, đáng ghi nhận trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Phó Thủ tướng dẫn chứng, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT.
Bộ Y tế cũng đã nỗ lực, kịp thời ban hành nhiều văn bản, chính sách để xử lý các vấn đề bức xúc của ngành, như mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế…
Nhiều chủ trương, định hướng cho phát triển ngành y tế trước mắt và lâu dài được ban hành như chiến lược, quy hoạch ngành y tế đến năm 2030.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, đã ổn định tình hình, khắc phục tâm lý hay những hệ lụy do ảnh hưởng hậu COVID-19. Đã có cách tiếp cận khả thi trong xử lý một số vấn đề tồn đọng trong ngành y tế. Tổ chức bộ máy y tế tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn. Bộ Y tế cũng có bước tiến trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được các thành tựu rất đáng tự hào. Phó Thủ tướng cho biết, ông có hỏi Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về thành tựu tự hào nhất năm 2024 trong khám, chữa bệnh là gì, thì được trả lời là ca ghép đồng thời tim-gan trên một bệnh nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát động phong trào thi đua yêu nước ngành y tế với khẩu hiệu: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển"; kêu gọi, động viên và đề nghị nhân viên y tế "Tận tâm vì người bệnh, trách nhiệm với cộng đồng, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ" - Ảnh: VGP |
Nhìn nhận hạn chế, thách thức của ngành Y thời gian tới
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, mặc dù có nhiều cố gắng, ngành y tế vẫn còn có một số điểm hạn chế, như việc xây dựng, hoàn thiện một số chính sách còn chậm. Nếu một văn bản hướng dẫn, một công điện mà ban hành chậm thì có thể cả hệ thống ách tắc, Phó Thủ tướng cho rằng, một số việc thuộc thẩm quyền của Bộ bị chậm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp giải quyết. Mạng lưới y tế ngày càng bao phủ rộng khắp nhưng ở một số vùng, người dân còn khó tiếp cận, như vùng sâu, vùng xa… Cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành vẫn còn bất cập.
Ngành Y tế cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Cụ thể, mạng lưới y tế cơ sở tiếp cận các bệnh viện Trrung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế. Vùng Tây Nguyên không có bệnh viện tuyến Trung ương; vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ có 1 bệnh tuyến Trung ương.
Hệ thông văn bản pháp luật còn vướng mắc, chưa đồng bộ về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tố chức, biên chế... khiến các cơ sở y tế công lập thiếu động lực nâng cao chất lượng và chuyên môn, không chủ động được nguồn tài chính để tái đầu tư, phát triển.
Một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao (số ca mắc sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023). Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng 3 năm gần đây không đạt 90%. Các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp. Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố.
Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch. Quản lý y tế tư nhân còn chưa chặt chẽ do nhân lực thanh tra, kiểm tra mỏng. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong một số cơ sở còn hình thức, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền vẫn còn thấp; phát triển dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ manh mún, tự phát.
Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và hội nhập khu vực, quốc tế, chưa tăng cường, bổ sung chính sách đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế.
Số lượng sinh viên, học viên sau đại học y tăng lên nhiều lần, tuy nhiên số lượng bệnh viện thực hành hầu như không tăng, cơ hội cho sinh viên, học viên tiếp xúc với bệnh nhân giảm rõ rệt. Nguồn nhân lực y tế, đặc biệt điều dưỡng còn thiếu, khó thu hút nhân lực làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, lao…
Đặc biệt, tại một số địa phương, cơ sở y tế còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số thời điểm… gây khó khăn cho người bệnh.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 - Ảnh: VGP |
Định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Y tế đề ra, đồng thời đề nghị tập trung vào một số nội dung. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoạch định chính sách là công việc lớn, vĩ mô đối với sự phát triển của ngành, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số kết quả mà ngành đạt được trong lĩnh vực này mới là bước đầu. Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa đến công tác này. Việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT còn đặt ra nhiều vấn đề, Bộ Y tế cần hoàn thành đúng tiến độ các văn bản quy định chi tiết thi hành 2 luật này.
Còn nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong ngành y tế đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo vệ sức khỏe người dân chưa được hoàn thiện. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần đổi mới tư duy, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"; triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030.
Theo dõi sát tình hình các loại dịch bệnh; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Bảo đảm đủ vaccine và tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm. Chú trọng nâng cao y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tài chính y tế, trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; thực hiện quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; đẩy mạnh xã hội hoá, huy động hiệu quả các nguồn lực; thực hiện lộ trình tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Tích cực thực hiện chuyển đổi số ngành y tế, làm sao phấn đấu đạt tỉ lệ cao hơn, từ số hóa hồ sơ, y tế điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm… Triển khai hiệu quả chủ trương về dân số phát triển, bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, nhất là trong xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách y tế, bởi chăm sóc, bảo vệ sóc khỏe nhân dân là sự nghiệp chung, chứ không chỉ của ngành y tế, rất nhiều việc đòi hỏi sự phối hợp trong xử lý.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát động phong trào thi đua yêu nước ngành y tế với khẩu hiệu: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển".
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.